'Lấp đầy' vaccine – chìa khóa kiểm soát dịch bệnh sởi

Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh sởi, nhiều địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi. Tiêm vaccine không chỉ có tác dụng phòng bệnh mà còn mang lại những lợi ích to lớn đối với gia đình, cộng đồng và xã hội.

Đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi ở bản vùng cao Nghệ An

Theo Cổng thông tin điện tử Sở Y tế Nghệ An, bản Phà Lõm (xã Tam Hợp cũ nay là xã Tam Thái) là "điểm nóng" bệnh sởi.

Chia sẻ từ y sĩ Kha Thị Thúy (Trưởng Trạm y tế xã Tam Hợp), đây là bản biên giới với 127 hộ, 799 nhân khẩu, chủ yếu là người Mông. Trường hợp mắc sởi đầu tiên tại bản được phát hiện vào ngày 22/2/2025, khi một trẻ bị sốt ở nhà 3 ngày được bố mẹ đưa đến trạm y tế xã khám. Sau khi xác định ca bệnh, trạm y tế tiến hành điều tra dịch tễ và phát hiện thêm một trẻ khác cũng mắc sởi. Kể từ đó, số ca bệnh không ngừng tăng lên.

Tiêm vaccine sởi cho trẻ em tại Nghệ An. Ảnh: Sở Y tế Nghệ An

Tiêm vaccine sởi cho trẻ em tại Nghệ An. Ảnh: Sở Y tế Nghệ An

Nguyên nhân khiến bệnh sởi bùng phát tại Phà Lõm là do tỷ lệ tiêm phòng cho trẻ tại đây rất thấp, chỉ khoảng 50%. Do nhận thức của người dân về sức khỏe, đặc biệt là về tiêm phòng còn hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn khiến việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ chưa được chú trọng. Công tác tuyên truyền của đội ngũ y tế cũng gặp trở ngại do rào cản ngôn ngữ. Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều trẻ em chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Trước tình hình bệnh sởi diễn biến phức tạp, khu cách ly, điều trị tại nhà văn hóa bản Phà Lõm được thành lập nhằm hạn chế lây nhiễm chéo và nâng cao hiệu quả điều trị. Trung tâm Y tế Tương Dương cử các bác sĩ, cán bộ y tế phối hợp với quân Y Đồn Biên phòng Tam Hợp thực hiện chăm sóc, điều trị cho trẻ mắc sởi.

Bên cạnh việc hỗ trợ trạm y tế xã điều trị cho bệnh nhân, các cán bộ y tế của Trung tâm Y tế Tương Dương và quân y Đồn Biên phòng Tam Hợp còn phối hợp với nhân viên y tế xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống sởi, lợi ích của tiêm chủng cũng như hướng dẫn cách chăm sóc trẻ mắc bệnh.

Để ngăn chặn bệnh sởi lây lan, Trung tâm Y tế Tương Dương đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine quy mô lớn. Các cán bộ y tế cùng quân y Đồn Biên phòng tích cực đến từng nhà, rà soát từng trường hợp và vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng.

Cán bộ trạm y tế và quân y Đồn Biên phòng đã tích cực rà soát, lập danh sách trẻ cần tiêm chủng, đồng thời tuyên truyền về phòng chống sởi và lợi ích của tiêm vaccine. Ảnh: SKĐS

Cán bộ trạm y tế và quân y Đồn Biên phòng đã tích cực rà soát, lập danh sách trẻ cần tiêm chủng, đồng thời tuyên truyền về phòng chống sởi và lợi ích của tiêm vaccine. Ảnh: SKĐS

Qua rà soát, bản Phà Lõm có 269 trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi. Trong số đó, 88 trẻ đã được tiêm vaccine phòng sởi, 181 trẻ cần được tiêm bổ sung vaccine sởi hoặc vaccine có chứa thành phần sởi.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.360 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, không có ca tử vong. Nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng ca bệnh là do tỷ lệ tiêm chủng vaccine tại một số huyện miền núi còn thấp. Dù một số địa phương có tỷ lệ tiêm chủng đạt 95%, nhưng vẫn còn 5% trẻ chưa được tiêm phòng, tích lũy theo từng năm, tạo ra khoảng trống miễn dịch. Đáng chú ý, ở một số xã, tỷ lệ tiêm vaccine chưa đạt yêu cầu, làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.

TS.BS Nguyễn Văn Thương (Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An) cho biết, chiến dịch tiêm vaccine sởi đợt 2 được triển khai tại các trạm y tế, điểm tiêm lưu động. Để đảm bảo thành công, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị rà soát danh sách trẻ, đặc biệt ở khu vực có biến động dân cư, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tiêm chủng, đồng thời đảm bảo cung ứng vaccine, vật tư và tổ chức tiêm an toàn, báo cáo kịp thời.

Tiêm vaccine - giải pháp hiệu quả khống chế dịch bệnh sởi

Theo báo Nhân dân điện tử, từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, tại Hà Giang, bệnh sởi diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao ở nhiều địa phương. Ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Y bác sĩ, cán bộ quân y cùng chính quyền địa phương đến tận nhà dân khám, tuyên truyền vận động cho trẻ đi tiêm vaccine sởi. Ảnh: SKĐS

Y bác sĩ, cán bộ quân y cùng chính quyền địa phương đến tận nhà dân khám, tuyên truyền vận động cho trẻ đi tiêm vaccine sởi. Ảnh: SKĐS

Số liệu thống kê cho thấy, Hà Giang ghi nhận ca mắc bệnh sởi đầu tiên vào ngày 9/10/2024, lũy kế đến ngày 16/5/2025, toàn tỉnh ghi nhận có hơn 13 nghìn ca nghi mắc sởi, trong đó có 84 ca mắc sởi dương tính.

Số ca mắc sởi chủ yếu ở các xã vùng cao, trong đó tập trung chính ở các xã: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Xín Mần, Quản Bạ.

Sở Y tế Hà Giang đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân các biện pháp phòng, chống bệnh sởi; tuân thủ quy định về cách ly, hạn chế tiếp xúc, tăng cường vệ sinh cá nhân. Khi phát hiện ca bệnh/ca bệnh nghi ngờ vận động người dân đưa đến cơ sở y tế để khám, điều trị.

Các bệnh viện trên địa bàn thành phố cũng đã tổ chức khám phân loại, sàng lọc, thu dung điều trị các bệnh nhân sởi/nghi ngờ mắc sởi; theo dõi chặt chẽ diễn biến các ca bệnh, đưa ra các phương án xử lý khi có diễn biến bất thường; thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Do đó, tại tỉnh không có ca bệnh mắc sởi tử vong.

Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Giang, ngành y tế đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm vaccine phòng bệnh sởi, đây là giải pháp hiệu quả nhất để khống chế dịch bệnh.

Hà Giang đã tổ chức 3 chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh. Kết quả đã tiến hành tiêm vaccine cho hơn 60 nghìn trẻ từ 9 tháng đến 10 tuổi.

Việc đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống bệnh sởi đã giúp Hà Giang khống chế được dịch bệnh. Từ trung tuần tháng 5 đến nay, trên địa bàn không ghi nhận ca mắc sởi mới.

L.Vũ (t/h)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lap-day-vaccine-chia-khoa-kiem-soat-dich-benh-soi-169250709230415928.htm