'Lập làng, xây thế vững lòng dân' nhìn từ đề án xây dựng điểm dân cư biên giới Tây Nam - Bài 1: Lấy dân làm gốc, xóa 'vùng trắng' dân cư

LTS: Từ quan điểm 'nước lấy dân làm gốc', xây dựng biên giới Tây Nam bình yên, phát triển, đoàn kết hữu nghị với nước bạn Campuchia, 5 năm trước, Bộ tư lệnh Quân khu 7 triển khai Đề án xây dựng các điểm dân cư biên giới trên địa bàn Quân khu giai đoạn 2019-2025.

Đề án đã trở thành mô hình tiêu biểu, sáng tạo, huy động các nguồn lực, cả hệ thống chính trị ở địa phương tham gia xóa “điểm trắng” dân cư, lập nên những điểm dân cư, làng mới đầy sức sống, bình yên, ấm áp tình quân-dân, kinh tế-xã hội (KT-XH) phát triển ở khu vực biên giới. Báo Quân đội nhân dân giới thiệu đến bạn đọc loạt bài phản ánh hiệu quả cũng như bài học kinh nghiệm, sự sáng tạo của đề án làm nên diện mạo mới, đánh thức vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Tuyến biên giới địa bàn Quân khu 7 có chiều dài 615km, qua 3 tỉnh: Long An, Tây Ninh, Bình Phước tiếp giáp vương quốc Campuchia. Địa bàn này trước đây có nhiều nơi thưa vắng dân cư sinh sống, KT-XH kém phát triển, đất đai hoang hóa; có nhiều rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh, kênh, rạch chằng chịt, hàng nghìn đường mòn, lối mở... Các loại tội phạm lợi dụng thực trạng ấy xâm nhập, hoạt động phạm pháp, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Những mái nhà, tình dân xóa “vùng trắng” dân cư

Tháng 6 vừa qua, chúng tôi đến địa bàn biên giới tỉnh Bình Phước khi dòng sông Măng, sông Đắk Huýt-tuyến biên giới phân định tự nhiên giữa Việt Nam-Campuchia ăm ắp nước sau những cơn mưa đầu mùa. Xưa kia vùng biên giới này thưa thớt dân cư, đất hoang hóa, nhiều cánh rừng nghèo kiệt heo hút, nay đã có những khóm ấp, khu dân cư mới trù phú, những cánh rừng điều, cây ăn trái trải rộng xanh um đầy sức sống. Có vị trí kế bên Vườn quốc gia Bù Gia Mập, điểm dân cư xã Đăk Ơ nằm trọn trong tầm mắt chúng tôi với những dãy nhà như được xếp ngăn nắp trên triền đồi rợp xanh cây lá. Trước mỗi căn nhà, người dân đều treo cờ Tổ quốc. Ngôi trường mầm non được xây dựng cạnh điểm dân cư nổi bật trên triền đồi.

 Người dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ở khu dân cư xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Ảnh: DUY BẮC

Người dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ở khu dân cư xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Ảnh: DUY BẮC

Trung tá Nguyễn Công Luận, Chính trị viên Ban CHQS huyện Bù Gia Mập nói với tôi: Tuyến biên giới xã Đắk Ơ dài 16,2km, được phân định bằng con sông Đắk Huýt xuyên qua những cánh rừng lồ ô, dầu, tre trúc rậm rạp. Trước đây, nơi này chỉ có cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Ơ, dân quân và kiểm lâm bám trụ. Mùa khô, sông Đắk Huýt cạn nước, một số đoạn sông trơ đáy, lộ những bãi đá lô nhô, con người có thể qua lại được nên thường xuyên có các hoạt động phức tạp như xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, khai thác sản vật thiên nhiên trái phép... Từ khi có điểm dân cư Đắk Ơ, bộ mặt KT-XH khu vực này đổi thay rõ rệt, các loại tội phạm giảm hẳn, quân dân đoàn kết một lòng.

Điểm dân cư Đắk Ơ là thành quả sống động của đề án xây dựng điểm dân cư biên giới do Quân khu 7 phối hợp với các địa phương triển khai từ năm 2019. Thiếu tướng Trần Vinh Ngọc, Phó chính ủy Quân khu 7 cho biết, địa bàn biên giới thuộc Quân khu 7 tiếp giáp với vương quốc Campuchia rộng lớn, hoang sơ, địa hình phức tạp, trong khi các chốt dân quân cách xa các đồn biên phòng đã tạo nhiều "vùng trắng", các loại tội phạm lợi dụng để hoạt động phạm pháp: Xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, buôn bán ma túy, mua bán người, truyền đạo trái phép... gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trên tuyến biên giới còn có nhiều điểm nóng như: Xã Mỹ Quý Tây (Đức Huệ, Long An), thị xã Trảng Bàng, huyện Bến Cầu, huyện Tân Biên (Tây Ninh), huyện Bù Đốp, huyện Lộc Ninh (Bình Phước)...

Trước những thực trạng nêu trên, cuối năm 2018 đến tháng 4-2019, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 thống nhất chủ trương, ban hành Đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn Quân khu 7 giai đoạn 2019-2025” (gọi tắt là Đề án 811) hướng đến mục tiêu xây dựng 60 điểm dân cư, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2019); giai đoạn 2 (2020-2022); giai đoạn 3 (2023-2025). Mỗi điểm có 5 căn nhà cấp 4 trên diện tích đất 360 đến 500m2, kinh phí xây dựng 120-150 triệu đồng/căn; được đầu tư hạ tầng đồng bộ. Mỗi hộ dân còn được cấp 360-5.000m2 đất sản xuất. Đối tượng thụ hưởng là những hộ nghèo, gia đình chính sách, cựu chiến binh, gia đình dân quân, Bộ đội Biên phòng...

Làng, ấp mới “đánh thức” vùng biên

Đến khu vực ấp 3, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp (Bình Phước), ít ai hình dung được 5 năm trước, vùng đất này heo hút, nhiều lau sậy, cỏ tranh, nay đã hình thành khu dân cư bừng sức sống với 51 hộ, gần 200 nhân khẩu. Đường sá, hạ tầng đồng bộ, khang trang; có các chi bộ đảng, tổ an ninh tự quản; đội công nhân phòng, chống tội phạm... Trung tá Nguyễn Trường Giang, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Bù Đốp cho biết, lúc bàn giao vào tháng 12-2019, điểm dân cư này chỉ có 5 căn nhà (mỗi căn 72m2, trị giá 120 triệu đồng) của 5 hộ dân cùng hệ thống điện, 5 giếng khoan nước. UBND tỉnh Bình Phước và các doanh nghiệp, địa phương đã hỗ trợ đầu tư, mở rộng, trong đó, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 10 căn nhà, các đơn vị: UBND tỉnh Bình Phước, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước, chùa Vĩnh Nghiêm (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ 15 căn nhà; trao tặng kinh phí xây dựng trường mầm non, trạm y tế, khu tăng gia sản xuất...

Đại tá Võ Thành Danh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Phước chia sẻ, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước quy hoạch, đầu tư xây dựng 11 điểm dân cư trên địa bàn tuyến biên giới dài 260km. Cùng với nguồn đầu tư của Quân khu 7, UBND tỉnh, các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp..., đã thu hút được nhiều nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, mục tiêu đề ra. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành mục tiêu vượt tiến độ cả 3 giai đoạn của đề án, xây dựng được 12 điểm dân cư với 245 căn nhà, bố trí 245 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu; nhiều điểm dân cư được đầu tư đồng bộ hạ tầng điện, nước, nhà văn hóa, nhà trẻ...; tổng kinh phí đầu tư hơn 92 tỷ đồng.

Còn ở tỉnh Long An, Đề án 811 đã đánh thức vùng biên rộng lớn vốn bị hoang hóa, nhiễm phèn nặng. Đồng chí Nguyễn Minh Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An đánh giá: Hiệu quả của đề án đã khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng tạo, mang tính đột phá, có sức lan tỏa lớn, được đông đảo các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Long An đã hoàn thành 3 giai đoạn, xây dựng 24 điểm dân cư với 254 căn nhà và đang tiếp tục tăng dày thêm 16 điểm dân cư với 120 căn nhà để đạt mục tiêu 25 điểm dân cư/389 căn nhà (trong đó nhà liền kề chốt dân quân 16 điểm dân cư/344 căn, liền kề đồn, trạm biên phòng 9 điểm dân cư/45 căn nhà) vào cuối năm 2025.

 Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Lộc Ninh thăm hỏi gia đình ở điểm dân cư biên giới xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Ảnh: BẢO MINH

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Lộc Ninh thăm hỏi gia đình ở điểm dân cư biên giới xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Ảnh: BẢO MINH

Đến đầu tháng 7-2024, Quân khu 7 đã hoàn thành 58 điểm dân cư với 629 căn nhà (tăng gấp đôi số căn nhà so với mục tiêu đề ra), tổng kinh phí 81 tỷ đồng; giúp ổn định cuộc sống, sản xuất cho hàng nghìn nhân khẩu. Quân khu còn hỗ trợ 150 con bò giống và kinh phí tạo sinh kế cho người dân. Cùng với hoàn thành tuyến đường tuần tra biên giới giai đoạn 1 với 267km và 40km đang triển khai tiếp tục ở giai đoạn 2 đã mở ra con đường an dân, phát triển kinh tế vùng biên giới Tây Nam. Các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An đầu tư, huy động hàng trăm tỷ đồng làm đường giao thông, hệ thống điện, nước sạch, phủ sóng điện thoại, internet, xây dựng công trình văn hóa...

Theo Thiếu tướng Hoàng Đình Chung, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, các điểm dân cư hình thành ở địa bàn biên giới đã góp phần xóa “vùng trắng” dân cư. Nơi ấy hình thành mối quan hệ nghĩa tình quân-dân ngày càng được vun đắp, đồng thời tham gia đánh thức tiềm năng kinh tế vùng biên, cùng nhân dân nước bạn Campuchia xây dựng đường biên giới đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, phát triển.

ĐẶNG TRUNG KIÊN

(còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/lap-lang-xay-the-vung-long-dan-nhin-tu-de-an-xay-dung-diem-dan-cu-bien-gioi-tay-nam-bai-1-lay-dan-lam-goc-xoa-vung-trang-dan-cu-788765