Lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá: Bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh

Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 'Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới' (Nghị quyết 27) đã đề ra rất nhiều mục tiêu cụ thể đến năm 2030; trong đó, hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa...

Ông Phùng Trung Tập. (Ảnh: PV).

Ông Phùng Trung Tập. (Ảnh: PV).

Xung quanh nội dung này, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phùng Trung Tập, nguyên Trưởng bộ môn Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Trong Nghị quyết 27 có nêu, xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá, bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Thưa ông, những vấn đề nêu trên trong thời gian qua đã được các cơ quan tố tụng thực thi như thế nào?

- Lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá cần phải được coi trọng để xây dựng một chế định xét xử trong lĩnh vực tư pháp, bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh và pháp chế, để bảo vệ các quyền bình đẳng, đặc biệt là bảo đảm các quyền con người tham gia tố tụng.

Ở đây, xét xử là trung tâm, nhưng tranh tụng cũng rất quan trọng, chúng ta phải có tư duy mới, phải trọng chứng hơn trọng cung. Vấn đề đối chất, đối thoại tại Tòa án là quan trọng, bởi vì đằng sau đó còn nhiều yếu tố, các mối quan hệ mà quá trình điều tra chưa biết đến. Thông qua tranh tụng, bản chất vấn đề vụ việc sẽ được lột tả rõ nét hơn. Trên cơ sở đó, thẩm phán của Hội đồng xét xử có cơ sở áp dụng pháp luật để tránh hiện tượng oan trong tố tụng hình sự và sai trong quan hệ xét xử về dân sự.

Với quan điểm lấy xét xử làm trung tâm, tranh tụng là đột phá, chúng ta xây dựng một chế định về tố tụng hình sự, chế định về tố tụng dân sự không ngoài mục đích để bảo vệ quyền bình đẳng của các chủ thể trong các quan hệ xã hội, bảo đảm trong tố tụng hình sự xác định được đúng người, đúng tội, bảo vệ an toàn xã hội và trật tự công cộng. Tôi nghĩ rằng, tư tưởng lập pháp này chúng ta nên cố gắng theo đuổi và phải làm được để quyền công dân, quyền con người được phát huy và bảo đảm.

Tranh tụng tại phiên tòa. (Ảnh minh họa)

Tranh tụng tại phiên tòa. (Ảnh minh họa)

Thưa ông, với việc áp dụng hiệu quả thủ tục tố tụng tư pháp rút gọn, kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp, trong thời gian qua đã được các cơ quan tố tụng thực hiện như thế nào?

- Về cách thức xét xử phi tư pháp và rút gọn theo thủ tục rút gọn, không phải đến bây giờ mới có, mà kể từ năm 1946 khi Việt Nam giành độc lập, chúng ta đã ban hành những Sắc lệnh 13 và Sắc lệnh số 51 đề cập đến vấn đề xét xử theo trình tự rút gọn. Và sau này, Bộ Tư pháp có Thông tư số 4013 cũng đề cập đến nội dung trên.

Thủ tục rút gọn hiện nay được quy định tại Điều 456 của Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành. Để áp dụng thủ tục rút gọn phải đáp ứng được 4 điều kiện, đó là: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.

Việc áp dụng hiệu quả thủ tục tố tụng tư pháp rút gọn góp phần giảm thiểu thời gian tham gia tố tụng liên quan đến các vụ án có tình tiết đơn giản, rõ ràng, minh bạch và giá trị kinh tế không lớn, thường là về dân sự hay thương mại, qua đó góp phần giảm thiểu thời gian làm việc của tòa án, cơ quan trọng tài. Qua đó, làm giảm thiểu sức nặng đè lên các cơ quan tư pháp, giúp các đương sự giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời nhất, không mất thời gian, chi phí đi lại nhiều lần, chúng ta nên khuyến khích việc này.

Trong khi đó, việc xét xử tố tụng phi tư pháp thì làm giảm thiểu sức nặng đè lên tòa án, chỉ cần dựa trên hai nguyên tắc cơ bản, đó là hòa giải và đối thoại để tìm ra tiếng nói chung, tuân theo nguyên tắc cơ bản của tố tụng mà pháp luật Việt Nam đã quy định, đó là có quyền hòa giải và thỏa thuận trong suốt quá trình tố tụng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Sơn Hải - Anh Tuấn - Nguyễn Thơ (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/lay-xet-xu-la-trung-tam-tranh-tung-la-dot-pha-bao-dam-to-tung-tu-phap-dan-chu-cong-bang-van-minh-post523407.html