Lấy ý kiến xây dựng đề án đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học
Ngày 23-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng đề án quốc gia 'Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn 2045'.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: MOET
Ngày 12-8-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW về tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó xác định nhiệm vụ từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, nhiệm vụ từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là nhiệm vụ phù hợp với xu hướng học tập và làm việc trong thời đại mới. Ban soạn thảo đã xây dựng dự thảo đề án, tổ chức một số hội thảo lấy ý kiến với tinh thần hết sức khẩn trương, nước rút, mang tính đột phá nhưng bài bản, bảo đảm tính khả thi.
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Đức Sơn cho rằng, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên là điều kiện tiên quyết để thực hiện đề án.
Những năm gần đây, nhà trường đã tổ chức cho sinh viên thực tập sư phạm tại các trường quốc tế hoặc song ngữ, tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh chuyên ngành, các hội thảo, tọa đàm chuyên đề với sự tham gia của giảng viên quốc tế. Đồng thời, nhà trường cũng thực hiện thí điểm đưa học sinh đi học một số học phần tương đương tại nước ngoài theo hình thức trao đổi.
Chia sẻ tại hội thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh Bùi Trần Quỳnh Ngọc cho rằng, cần rà soát, tổ chức bồi dưỡng năng lực đội ngũ; bồi dưỡng năng lực dạy tích hợp nội dung và ngôn ngữ cho giáo viên các cấp, bao gồm cả giáo viên tiếng Anh. Đối với giáo viên các môn học khác, cần được bồi dưỡng tiếng Anh chuyên ngành phù hợp với nội dung giảng dạy.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái, Thư ký Hội đồng Giáo sư Nhà nước ngành toán học nêu một số lưu ý về nâng cao năng lực giáo viên dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh, chi phí thực hiện, công tác truyền thông.
Ghi nhận các ý kiến tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng lưu ý với ban soạn thảo về một số nội dung liên quand dến đội ngũ giáo viên, tiêu chí, công tác đầu tư, xây dựng chương trình, cơ sở vật chất, kinh phí thực hiện, công tác truyền thông…
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên chủ động xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất, xây dựng chương trình thực hiện Đề án; đồng thời chủ động phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng nhu cầu thực tiễn.