Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam lấy ý kiến góp ý dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật Nhà giáo
Ngày 23.4, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật Nhà giáo.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước và ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, các sở, ngành và địa phương.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý luật
Để các dự án luật sau khi ban hành mang tính khả thi, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã gợi ý một số nội dung để các đại biểu tập trung nghiên cứu, góp ý.
Cụ thể, đối với Luật Cán bộ, Công chức: để thực hiện yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; tiếp tục đổi mới công tác xây dựng, quản lý đội ngũ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thực tiễn; việc ban hành Luật Cán bộ, công chức mới thay thế Luật Cán bộ, công chức hiện hành là cần thiết.
Dự thảo luật sửa đổi lần này gồm 8 Chương, 54 Điều. Trong đó, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan như: chế độ tiền lương theo vị trí việc làm; quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức; chính sách thu hút đối với người có tài năng vào làm việc cơ quan nhà nước và trọng dụng đối với cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực nổi trội trong hoạt động công vụ; các quy định về vị trí việc làm; bãi bỏ các quy định về ngạch công chức; việc phân loại, bổ nhiệm công chức được căn cứ vào vị trí việc làm tương ứng…
Đối với Luật Nhà giáo: sẽ pháp điển hóa hệ thống gần 200 văn bản quy phạm pháp luật đang điều chỉnh các chế độ chính sách đối với nhà giáo, khắc phục sự tản mạn, chồng chéo của các văn bản hiện hành, tạo ra sự minh bạch, rõ ràng và dễ dàng tiếp cận các quy định về chế độ, chính sách đối với nhà giáo; khắc phục sự bất bình đẳng công - tư trong chế độ, chính sách đối với nhà giáo làm việc ở khu vực tư; khắc phục những bất cập khi áp dụng các chính sách chung của viên chức đối với nhà giáo ở khu vực công; bảo đảm công tác quản lý nhà giáo thống nhất từ trung ương đến địa phương, đồng bộ cả công lập và dân lập, tư thục… nhằm kiến tạo môi trường để nhà giáo phát triển và hoạt động nghề nghiệp hiệu quả.

Các đại biểu phát biểu ý kiến
Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý xoanh quanh các nội dung như: chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; quy định nhà giáo không được ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức tại khoản 2 Điều 11 có phù hợp chưa, có nên bổ sung trong luật quy định nhà giáo không được dạy thêm đối với học sinh mình trực tiếp giảng dạy không?
Chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với nhà giáo; việc đánh giá đối với nhà giáo nên thực hiện theo cuối năm như viên chức hay theo cuối năm học; quy định về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, nhất là độ tuổi nghỉ hưu đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non; nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập đã phù hợp chưa?
Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là các quy định về dạy thêm, học thêm. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Công Thành, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm.
“Sau khi Bộ ban hành đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều nên đã tiến hành kiểm tra tại nhiều địa phương. Trên cơ sở đó, Quảng Nam đã lấy ý kiến rộng rãi và sau đó Tỉnh đã ban hành Quyết định 26 quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn (nội dung cơ bản giống với Thông tư 29 của Bộ). Trong đó, có phân cấp quản lý về cho xã/phường. Nếu các đơn vị liên quan làm tròn nhiệm vụ thì sẽ không còn dạy thêm học thêm trong nhà trường nữa. Thông tư 29 đã quy định rất rõ “giáo viên chính khóa không được dạy thêm chính học sinh của mình”. Do đó, việc kiểm tra của cơ quan chức năng sẽ rất dễ. Nếu thực hiện nghiêm túc Thông tư 29 sẽ không còn dạy thêm, học thêm trong nhà trường nữa”, ông Thành nói.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã góp ý điều chỉnh một số nội dung trong 2 dự án luật nói trên cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, có kiến nghị ngay sau khi Luật có hiệu lực, các bộ, ngành sớm ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan.