Lệ Chi Viên hôm nay
Khi nhắc đến Lệ Chi Viên, nhiều người nhớ đến thảm án vườn vải liên quan đến Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ.
Dâng trào cảm xúc
"Quê tôi có một Lệ Chi Viên/ Sự kiện xa xưa các cụ truyền/ Vườn vải lệ rơi còn uất ức/ Côn Sơn máu chảy mãi oan khiên...".
Đó là những dòng thơ viết về Lệ Chi Viên, nơi "vườn máu" bên sông Đuống, một dòng hợp lưu của Lục Đầu giang. Ở đây gần 600 năm về trước đã xảy ra vụ án oan khiên khiến gia tộc của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi bị tru di.
Tìm về di tích này ở thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình (Bắc Ninh), bước qua đài Lệ Chi Viên và cổng đền sẽ thấy một bức "Đại cáo bình ngô" được khắc đầy đủ trên tấm bia lớn ngay trước cửa.
Tương truyền, Lệ Chi Viên vốn là trại vải ven sông của ông Điểm Chi, rồi được xung công dùng làm nơi nghỉ chân của nhà vua và các quan khi tuần du xứ Kinh Bắc và vùng Đông Bắc.
Không chỉ là một trạm nghỉ ngơi của các vua thời Lê, Lệ Chi Viên còn là một vị trí có ý nghĩa quân sự đặc biệt được các vua Lê từng khai thác để làm nơi chốt giữ, tuần phòng. Lệ Chi Viên đi vào lịch sử vì nơi đây gắn với với thảm án oan ức tày trời với gia tộc Nguyễn Trãi.
Hằng ngày, nhiều người trong vùng đến đây để tưởng nhớ Nguyễn Trãi. Kể cho chúng tôi nghe về lịch sử đền Lệ Chi Viên, ông Nguyễn Văn Vinh, người thủ từ vẫn dâng trào cảm xúc theo những câu chuyện và điển tích liên quan vụ thảm án năm xưa.
Không gian linh thiêng
Khu di tích đền Lệ Chi Viên ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh) ngày nay cũng đã đổi thay nhiều. Đền Lệ Chi Viên đã đẹp hơn, khang trang hơn với các đồ thờ tự, hoành phi, câu đối, tượng thờ, bia đá... Đặc biệt, giá trị của di tích này còn được khẳng định với những tài liệu, hiện vật quý được bổ sung. Trong đền cũng có nhiều bài thơ, lưu bút của các chính trị gia, nhà thơ viết về Lệ Chi Viên rất giàu cảm xúc.
Bên phải đền, đôi tượng bằng đá của cụ Nguyễn Trãi và cụ Nguyễn Thị Lộ oai nghiêm, có bệ cao hơn 1,4 m,tượng cao 1,68 m. Sau lưng tượng là dãy núi Thiên Thai hình rồng uốn khúc, bên trái là sông Đuống, xưa vốn là con đường giao thông huyết mạch trong vùng. Xa xa về phía trước là Côn Sơn, quê ngoại của Nguyễn Trãi.
Bên trái đền, đối diện với tượng vợ chồng cụ Nguyễn Trãi là một bức phù điêu mang hình “giọt lệ” được tạc bằng đá hoa cương đỏ đặt trên một cuốn sách mở tượng trưng cho tri thức. Đế là ba vòng tròn đồng tâm tạo thành tam cấp tượng trưng cho bầu trời, cho sự giao hòa thiên - địa - nhân sâu sắc, đồng thời cũng ngụ ý 3 họ bị tru di. Trụ vuông nâng cuốn sách như bầu trời theo quan niệm cổ của người phương Đông. Tượng đài như một giọt lệ đang rơi trên cuốn sách. Ông Vinh, người thủ từ đền Lệ Chi Viên kể rằng đó là giọt lệ tượng trưng cho nước mắt của nhân dân trăm cõi khóc thương cho nỗi oan khiên dậy cả đất trời của gia tộc cụ Nguyễn Trãi.
Đền Lệ Chi Viên ngày nay vẫn nằm bên sông Đuống, một dòng hợp lưu của Lục Đầu Giang. Nhiều thế kỷ qua đi, đền Lệ Chi Viên cùng nhiều di tích ven sông Lục Đầu vẫn tồn tại, là những minh chứng cho nhiều sự kiện vui buồn trong lịch sử của dân tộc.
Ngày 27/7 âm lịch năm 1442, vua Thái Tông đi tuần về miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi mời vua ngự ở chùa Côn Sơn. Đến ngày 4/8 âm lịch vua đi chơi ở Lệ Chi Viên (vườn vải) thì bất ngờ băng hà.
Nguyễn Trãi cùng vợ là Nguyễn Thị Lộ bị bắt vì nghi mưu sát vua. Ngày 12/8 âm lịch năm 1442, triều đình tôn thái tử Bang Cơ mới 2 tuổi lên ngôi vua. Ngày 16/8 âm lịch, triều đình khép Nguyễn Trãi vào tội giết vua và bị "tru di tam tộc".
22 năm sau vụ án, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/le-chi-vien-hom-nay-375891.html