Lê Hiểm, Lê Hiêu - 2 vị công thần khai quốc của vương triều Hậu Lê
Giáo sư Đinh Xuân Lâm từng viết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: 'Ngoài việc thu hút đông đảo anh hùng nghĩa sĩ các địa phương trong nước nô nức tìm đường về tựu nghĩa, còn được sự ủng hộ trực tiếp và mạnh mẽ của Nhân dân tại chỗ, từ người Kinh đến các tộc thiểu số ngay từ những ngày đầu chuẩn bị cho tới thành công năm 1428'. Trong đó, không thể không kể tới cha con Lê Hiểm - Lê Hiêu, 2 trong số 35 người có công đầu được chính vua Lê Thái tổ ngự danh trong 'Lam Sơn thập lục' và đã tham gia bộ máy chính trị đương thời với tư cách là những trọng thần.
Vốn quê ở Ngọc Châu, hương Lam Sơn, phủ Thiệu Thiên, nay là vùng đất thuộc huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), Lê Hiểm (1392-1464) là một đại quan lang dưới đời Trần. Khi nghe tin Lê Lợi chiêu tập nghĩa sĩ, ông mang theo con trai độc nhất của mình là Lê Hiêu về với Lê Lợi. Ông có công trong việc chiêu tập chiến mã, quyên góp lương thực tập trung cho ngày khởi nghĩa.
Theo tư liệu địa phương, Lê Hiểm ban đầu tham gia phụ trách hậu cần, đến cuối cuộc khởi nghĩa mới gia nhập lực lượng chiến đấu. Ông cùng con trai Lê Hiêu tham gia vào nhiều trận chiến. Đặc biệt, ngày 18 tháng 9 năm Đinh Mùi (8-10-1427), đại quân của Liễu Thăng tiến đánh ải Pha Lũy. Theo kế sách đã định, Lê Hiểm là tướng dưới quyền Trần Lựu, Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Lãnh, Lê Liệt, Lê Thụ giả vờ thua rút về ải Lưu, sau lại bỏ ải Lưu rút về ải Chi Lăng. Ở ải Chi Lăng, nghĩa quân tiếp tục vờ thua nhử địch vào nơi quân ta phục sẵn. Liễu Thăng kiêu ngạo, thúc đại quân đuổi theo. Chờ cho quân Liễu Thăng lọt vào trận địa mai phục, ta mới tung quân ra đánh chém chết Liễu Thăng và hơn 1 vạn tên địch ở núi Mã Yên.
Không lâu sau đó, Lê Hiểm theo các tướng mai phục ở Phố Cát, tiêu diệt nhiều quân Minh, buộc Thượng thư Lý Khánh “kế cùng” phải thắt cổ tự tử.
Ngày nay, những dữ kiện này, chúng ta vẫn còn ghi nhớ nhờ các câu thơ của Nguyễn Trãi trong Bình ngô đại cáo: “Ngày mười tháng tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế/ Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu/ Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh đại bại tử vong/ Ngày hăm tám, thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn”. Khí thế “Đánh một trận, sạch không kình ngạc/ Đánh hai trận tan tác chim muông” ấy, Lê Hiêu sớm chứng kiến. Bởi, ông theo cha tham gia cuộc khởi nghĩa Lê Lợi từ năm 13 tuổi. Vì Lam Sơn động chủ tin tưởng, ông được giao phó những nhiệm vụ quan trọng. Lúc ấy binh tướng còn rất ít, Lê Hiêu cùng các tướng Lê Khang, Lê Luân, Lê Sao, Lê Nanh, Lê Lễ... chia nhau cầm quân đối đầu với giặc Minh. Ông là vị tướng dũng cảm, tham gia hầu hết các trận đánh, cùng Lê Lợi trải qua bao gian lao, nguy hiểm, lập công lớn. Có thể khẳng định, dưới ngọn cờ “bình Ngô công đức tày trời”, hai cha con Lê Hiểm - Lê Hiêu đã tham gia nhiều trận đánh quan trọng khiến quân Minh kinh hồn bạt vía.
Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, hai cha con Lê Hiểm - Lê Hiêu đều được phong đệ nhất Công thần khai quốc, tham dự triều chính trọng sự. Nếu Lê Hiểm được ghi tên ở hàng thứ 10, thì con trai ông - Lê Hiêu được ghi ở hàng thứ 29 trong số 35 người có công đầu được chính vua Lê Thái tổ ngự danh trong “Lam Sơn thập lục”. Đến khi mất, cả Lê Hiểm, Lê Hiêu đều được phong Thượng đẳng phúc thần đại vương và được táng ở Lam Kinh. Triều đình lúc bấy giờ đã cấp cho gia tộc 100 mẫu điền ở xã Phục Đội, huyện Cư Phong (nay là xã Tân Phúc, huyện Nông Cống) để con cháu đời đời hưởng bổng lộc.
Đóng góp của Lê Hiểm - Lê Hiêu với khởi nghĩa Lam Sơn nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung đã được các triều đại quân chủ về sau ghi nhận xứng đáng. Lê Hiểm nhận được 7 sắc phong của triều Lê, 3 sắc phong của triều Nguyễn. Lê Hiêu được ban tặng 8 sắc phong (5 của triều Lê, 3 của triều Nguyễn).
Về Tân Phúc (Nông Cống), từ một xã thuần nông giờ đây sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã phát triển đa ngành nghề theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng ngành tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thương mại, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, 100% đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa. có 4/4 thôn đạt danh hiệu “Thôn, làng văn hóa”, các trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia... cuộc sống người dân và thu nhập bình quân đầu người tăng. Tuy nhiên, đến thăm đền thờ Lê Hiểm, Lê Hiêu, chúng tôi không khỏi chạnh buồn. Trên mảnh đất này, từ năm 1554, đền thờ đã được dựng lên theo lối kiến trúc gỗ với nhiều hoa văn chạm trổ độc đáo trong không gian quy hoạch gần 1.500m2. Cùng với sự biến thiên của đời sống xã hội, theo thời gian, đền có lúc được trưng dụng làm sân kho hợp tác, rồi bị phá dỡ nhiều. Đến nay, tất cả những diện tích xung quanh và các vùng phụ cận trước đây đã được UBND xã cấp đất cho các hộ dân sinh sống, không gian của đền đã co hẹp, chỉ còn vỏn vẹn 150m2. “Kể từ khi được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1994, đền thờ mỗi ngày một xuống cấp nghiêm trọng. Mái ngói của đền do bà con “lượm” từ các nhà thờ họ về lợp lại, tránh nắng, tránh mưa nay cũng phải dùng bạt che, toàn bộ cột chống bằng gỗ phía trước mục hỏng nên ban quản lý di tích phải vận động một hộ gia đình cung tiến các cột đá thay thế... Nhiều cột chính trong đền cũng bị mối xông mục ruỗng... Trong đền hiện nay chỉ còn 3 chiếc long ngai và các sắc phong quý”, ông Lê Văn Trắt, người coi đền gần 20 năm nay cho biết. Dù 80 tuổi nhưng 2 ngày một lần ông lại ra đền quét dọn. Ngày rằm, mùng 1 thì mua hương hoa về cầu mong các cụ phù hộ độ trì cho con cháu. “Hằng năm, vào ngày 16 tháng ba (âm lịch) người dân quanh vùng và con cháu họ Lê đều về đây dâng hương tưởng niệm. Đền Lê Hiểm - Lê Hiêu không chỉ có giá trị văn hóa, lịch sử mà còn có giá trị tinh thần rất lớn đối với người dân nơi đây. Tôi chỉ mong trước khi nhắm mắt được thấy các cụ có nơi thờ tự khang trang”, ông Trắt nói thêm.
“Ngoài Lê Hiểm - Lê Hiêu, còn có Lê Phụ, 3 thế hệ họ Lê được thờ phụng trong đền. Đây là niềm tự hào lớn của dòng họ, cũng như của người dân địa phương. Huyện Nông Cống hiện có 78 di tích, trong đó có 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 22 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Di tích lịch sử cấp quốc gia đền thờ Võ Uy cũng trên địa bàn xã Tân Phúc đã được trùng tu tôn tạo khang trang. Ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc (Nông Cống) cho biết: “Nhìn thấy di tích xuống cấp mỗi ngày, chính quyền địa phương đã trích ngân sách và huy động xã hội hóa nhưng chỉ sửa chữa được một số hư hỏng nhỏ. Nhiều năm nay, chúng tôi đều có làm tờ trình đề nghị được trùng tu tôn tạo đền thờ, nhưng vẫn xếp hồ sơ và chờ đợi thôi”.
Bài viết có sử dụng tư liệu của cuốn “35 vị khai quốc công thần Lam Sơn” NXB Thanh Hóa, 2017.