Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột: Nâng tầm càphê Việt thành văn hóa, nghệ thuật thế giới

Tại lễ khai mạc Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 với chủ đề 'Buôn Ma Thuột–Điểm đến của càphê thế giới,' đại diện Tổ chức Càphê Quốc tế sẽ tham dự và công nhận Việt Nam là xứ sở của càphê Robusta.

Hai Đại sứ Truyền thông của lễ hội quảng bá hình ảnh càphê Đắk Lắk. (Ảnh: BTC)

Hai Đại sứ Truyền thông của lễ hội quảng bá hình ảnh càphê Đắk Lắk. (Ảnh: BTC)

Thông qua Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 (diễn ra từ ngày 09/3 đến ngày 13/3), tại thành phố Buôn Ma Thuột, ban tổ chức muốn nâng tầm càphê Việt Nam lên thành văn hóa và nghệ thuật của thế giới.

“Tổng Giám đốc điều hành Tổ chức Càphê Quốc tế, bà Vanusia Nogueira sẽ đến dự lễ khai mạc lễ hội và công nhận chúng ta là xứ sở của càphê Robusta,” Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Trưởng ban tổ chức lễ hội, ông Nguyễn Tuấn Hà chia sẻ tại họp báo công bố sự kiện vừa diễn ra sáng nay, ngày 12/2, tại Hà Nội.

Bác thông tin có “Lễ hội đua Voi”

Qua 8 lần tổ chức, Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột đã trở thành một sự kiện nổi bật của ngành càphê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế.

Đại diện ban tổ chức cho hay Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của càphê thế giới” sẽ có 15 hoạt động chính thức và một số hoạt động hưởng ứng của các địa phương.

“So với lần Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, lễ hội lần này sẽ có các điểm nhấn mới như: Cuộc thi sáng tạo nội dung số tuyên truyền Lễ hội trên môi trường mạng; Lễ khởi công Nhà máy càphê năng lượng Trung Nguyên Legend; Hội trại càphê ‘Đồng hành, chia sẻ’ tại khu di tích lịch sử - văn hóa Đồn điền CADA, huyện Krông Pắc…,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2025, ông Nguyễn Tuấn Hà nói.

 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2025, ông Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại họp báo. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2025, ông Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại họp báo. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, ông Lại Đức Đại thông tin thêm lễ hội lần này còn có Hội chợ triển lãm chuyên ngành càphê và sản phẩm OCOP; Cuộc thi pha chế càphê và các hoạt động trải nghiệm càphê; Hội thảo khoa học về phát triển ngành càphê; Hội nghị giao thương quốc tế - kết nối, nâng tầm càphê Việt; lễ hội đường phố; hội thi nhà nông đua tài…

Ngoài ra, còn có các hoạt động đặc sắc khác như: Lễ hội ánh sáng; Festival các ban nhạc rock; Giải đua xe ô-tô địa hình quốc tế “Thử thách vượt đại ngàn - Buôn Đôn 2025”; Hành trình du lịch: Hội Voi Buôn Đôn, Hội Đua thuyền độc mộc huyện Lắk…

Đặc biệt, đến với lễ hội du khách trong nước và quốc tế sẽ được thưởng thức càphê miễn phí… Theo tiết lộ từ ban tổ chức, hiện đã có hơn 500 quán càphê trên địa bàn tỉnh đăng ký phục vụ càphê miễn phí.

Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có các hành trình du lịch như: “Hành trình càphê,” “Hành trình di sản;” các tour du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch mạo hiểm, trải nghiệm sản phẩm du lịch cộng đồng tại các buôn… Bên cạnh đó, các địa phương cũng sẽ đăng ký các hoạt động về văn hóa, thể thao, du lịch để hưởng ứng lễ hội.

 Các sản phẩm càphê Đắk Lắk giới thiệu tại họp báo. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Các sản phẩm càphê Đắk Lắk giới thiệu tại họp báo. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Đáng chú ý, tại họp báo, ông Lại Đức Đại cũng đính chính việc những ngày qua đã có báo đưa thông tin Lễ hội đua Voi là chưa đúng. Ông khẳng định chỉ có Lễ hội Voi với các nghi thức tôn vinh voi như: Cúng bến nước, cúng sức khỏe voi, tắm voi, trang điểm cho voi để du khách chụp hình với voi, tiệc buffe voi.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk khẳng định lễ hội được tổ chức với mong muốn góp phần nâng cao vị thế ngành càphê Việt Nam trên trường quốc tế và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và du lịch tỉnh Đắk Lắk; tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh càphê; giới thiệu tiềm năng du lịch, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực càphê và các sản phẩm nông nghiệp; giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Điểm đến của “vàng đen” thế giới

Ban tổ chức tiếp tục chọn Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2017, Top 5 Hoa hậu Hoàn Vũ thế giới 2018 H’Hen Niê làm Đại sứ truyền thông Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Bên cạnh đó, Đại sứ lễ hội còn có Hoa hậu Đại sứ Du lịch Việt Nam 2024 Đinh Thị Hoa.

“Đây là năm thứ ba H’Hen Niê giữ vai trò Đại sứ Truyền thông cho Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột. Là người con của quê hương Đắk Lắk, H’Hen mong muốn giúp cộng đồng, du khách cảm nhận được hương vị tuyệt vời của càphê Việt và cùng lan tỏa tình yêu càphê Việt Nam đến bạn bè quốc tế,” Hoa hậu H’Hen Niê chia sẻ.

 Đại diện ban tổ chức giới thiệu về lễ hội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Đại diện ban tổ chức giới thiệu về lễ hội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

“Bông hoa của đại ngàn” cho hay từ nhỏ đã được lớn lên cùng những nương rẫy càphê, sáng nào cùng thưởng thức hương vị càphê rang củi ám mùi khói rất đặc biệt của mẹ làm nên cô cũng mong muốn những người nông dân quê hương mình có thể làm ra những hạt càphê ngày càng chất lượng, để lan tỏa giá trị càphê, góp phần giúp Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của càphê thế giới.

“Mỗi chuyến đi nước ngoài, H’Hen đều mang theo càphê quê hương để giới thiệu với bạn bè thế giới. Với vai trò Đại sứ truyền thông H’Hen sẽ lan tỏa tình yêu càphê Việt Nam, đặc biệt là càphê Đắk Lắk để hương vị độc đáo này sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong khẩu vị mỗi ngày của mỗi người,” H’Hen Niê bày tỏ.

Một điểm nhấn của lễ hội là chương trình khai mạc tối ngày 10/3, tại Quảng trường 10 tháng 3. Đại diện ban tổ chức tiết lộ trong chương trình nghệ thuật này, các nghệ sỹ địa phương sẽ kể câu chuyện về hành trình hạt càphê Robusta của Đắk Lắk đã trở thành “vàng đen” của thế giới như thế nào.

“Hạt càphê đã thực sự góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương, khi Đắk Lắk trước đây có 80% hộ nghèo thì nay con số này giảm chỉ còn 6%. Đáng nói là sản lượng càphê mỗi năm của chúng tôi là do 80% hộ nghèo trước đây sản xuất ra,” Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh./.

 Khách quốc tế thưởng thức càphê tại sự kiện. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Khách quốc tế thưởng thức càphê tại sự kiện. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975-10/3/2025); đây cũng là sự kiện quan trọng, góp phần quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, xây dựng hình ảnh thành phố Buôn Ma Thuột là “Thành phố càphê của thế giới.”

Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “Thủ phủ càphê của Việt Nam,” có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc. Càphê của tỉnh đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/le-hoi-caphe-buon-ma-thuot-nang-tam-caphe-viet-thanh-van-hoa-nghe-thuat-the-gioi-post1011901.vnp