Lễ hội chùa Tây Phương chính thức có tên trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa 'Lễ hội truyền thống Hội Chùa Tây Phương' vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội chùa Tây Phương năm 2024.
Tại quyết định số 324 ngày 19/2/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội truyền thống Hội chùa Tây Phương xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội truyền thống Hội chùa Tây Phương là một hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) và du khách, phật tử thập phương.
Như Pháp luật Việt Nam đã có bài viết, Chùa Tây Phương hay còn gọi là Sùng Phúc tự, tọa lạc trên đỉnh núi Câu Lậu địa phận xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 40km. Chùa Tây Phương nổi tiếng không chỉ ở kiến trúc cổ kính mà còn bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Vị trí tọa lạc của ngôi chùa được coi là nơi hội tụ linh khí của đất trời.
Tương truyền, lịch sử ra đời của ngôi chùa gắn liền với quá trình truyền bá Phật giáo vào Việt Nam. Lại có truyền thuyết khác thì cho rằng bởi vị trí đặc biệt quan trọng của ngọn núi Câu Lậu, nên khi Cao Biền sang làm đô hộ sứ đã cho yểm mạch ở nơi này bằng việc xây dựng một ngôi chùa.

Một góc Tây Phương cổ tự
Theo sử sách ghi lại Tây Phương Cổ Tự là ngôi chùa cổ thứ 2 ở Việt Nam sau chùa Dâu Bắc Ninh. Năm 1632, dưới đời vua Lê Thần Tông, chùa xây dựng thượng điện 3 gian và hậu cung cùng hành lang 20 gian. Khoảng năm 1657 - 1682, Tây Đô Vương Trịnh Lạc cho phá đi chùa cũ, xây lại chùa mới và tam quan. Năm 1794, dưới thời nhà Tây Sơn, chùa được trùng tu hoàn toàn và có tên gọi mới là “Tây Phương Cổ Tự”. Hình dáng bên ngoài và kiến trúc của chùa được giữ lại hoàn toàn như ngày nay.
Đến với chùa Tây Phương, du khách sẽ được đắm mình trong không gian thanh tịnh, yên bình, tránh xa sự ồn ào - dù rằng Thạch Thất là vùng đất của những làng nghề đang phát triển vượt bậc mỗi ngày.
Sau khi bước chân trên 239 bậc thang đá ong, du khách sẽ lên tới đỉnh núi Câu Lậu, bước qua vòm cổng rêu phong, du khách như bước sang một không gian khác, không gian của từ bi, không gian của hỉ xả, không gian của những điều thiện, không gian của văn hóa và niềm tự hào về bản sắc Việt.
Người theo đạo Phật quan niệm rằng khi chết, con người sẽ được vãng sanh về chốn Tây Phương cực lạc, bởi thế, việc đến Tây phương để lễ Phật cầu an là một trong những mong muốn không ai chối từ.
Không chỉ là một điểm đến tâm linh, chùa Tây Phương còn là là nơi khắc ghi nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của người Việt. Đặc biệt hệ thống các pho tượng phật của Chùa Tây Phương đã được đi vào thi ca Việt Nam qua bài thơ Các vị La hán chùa Tây Phương. Hệ thống tượng tại chùa Tây Phương được đánh giá là kiệt tác hiếm có trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo. Tiêu biểu là các pho Tuyết Sơn, Thập bát vị La Hán, Bát Bộ kim cương, có niên đại thế kỷ 18. Ngoài ra còn có nhiều pho tượng nổi tiếng khác, thuộc thế kỷ 19. Các pho tượng của Chùa Tây Phương đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2013.

Các pho tượng phật quý hiếm tại chùa Tây Phương. (Ảnh Loiphong.vn)
Với giá trị đặc biệt của di tích, di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2014; Năm 2015, 34 pho tượng được công nhận là bảo vật quốc gia.
Hàng năm, lễ hội truyền thống chùa Tây Phương thu hút hàng vạn lượt khách thăm quan, chiêm bái. Chính hội chùa Tây Phương vào ngày 6/3 âm lịch, nhưng được diễn ra nhiều ngày trước đó với nhiều sinh hoạt văn hóa mang đậm chất xứ Đoài, đó là kéo co, đánh cờ, vật, chọi gà, rối nước, hát xứ Đoài… cùng với nghi thức cúng Phật trang nghiêm.
Đến với Lễ hội Chùa Tây Phương, ngoài việc lễ Phật, chiêm bái cảnh quan, du khách cũng sẽ được tận hưởng hệ thống sinh thái du lịch của Thạch Thất với chuỗi các nhà hàng, homestay, resort mang phong cách riêng. Trong phạm vi bán kính không tới 10km, du khách sẽ được tham quan những ngôi làng yên bình, thấm đẫm không gian văn hóa của đồng quê Bắc Bộ như Cần Kiệm, Hạ Bằng, tham quan không gian các làng nghề như làng cơ khí Phùng Xá, làng đồ gỗ hiện đại Hữu Bằng, Chàng Sơn, làng mộc truyền thống Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải và thưởng thức những món ăn đặc sản xứ Đoài chỉ có ở Thạch Thất...
Nếu hữu duyên du khách còn được đắm mình trong không gian chợ phiên tại chợ Nủa, chợ Săn, mua sắm cho mình những nông sản do bà con nơi đây sản xuất.