Lễ hội đầu xuân giữ gìn bản sắc, hướng tới người dân
Ngoài việc giữ gìn, bảo tồn các bản sắc, yếu tố truyền thống, có thể nói, các lễ hội đã và đang diễn ra từ đầu năm mới Giáp Thìn 2024 đã chú trọng trong công tác tổ chức để hướng tới phục vụ người dân, du khách tốt hơn.
Ngay trong ngày đầu khai hội Gióng, đền Sóc đã đón nhận hơn 3 vạn người dân và du khách tìm về thăm quan, trảy hội và lễ bái. Trong không khí linh thiêng, 8 thôn, làng hàng năm vẫn tham gia lễ hội của huyện Sóc Sơn thành tâm dâng tiến lễ vật theo nghi thức truyền thống để tưởng nhớ và tri ân công công đức của đức Thánh Gióng, người có công dẹp giặc Ân, đem lại thái bình, an yên cho dân tộc.
Quy định mới về việc tán lộc, phân phát, không để xảy ra tình trạng tranh cướp tiếp tục được duy trì để xây dựng hình ảnh đẹp và văn minh cho lễ hội. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian như đánh đu, xin chữ thầy đồ cũng được tổ chức, tạo không gian vui chơi, thu hút mọi người về với hội Gióng.
Ông Tống Giang Phúc - Phó Trưởng Ban tổ chức Hội Gióng Đền Sóc cho biết: "UBND huyện ban hành kế hoạch rất sớm, đảm bảo công tác chuẩn bị cho lễ hội. Phần lễ đã được đảm bảo duy trì di sản văn hóa phi vật thể đã được Unessoco công nhận, đảm bảo các nghi lễ thực hành được duy trì 100% cho bà con".
Tại huyện Đông Anh, lễ hội đền Cổ Loa đến thời điểm này vẫn diễn ra an ninh, an toàn. Các phần lễ được tổ chức, duy trì và phát huy được yếu tố truyền thống; giữ được các nét đẹp thuần phong, mỹ tục của người dân khu vực Bát xã; Đảm bảo việc tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về truyền thống uống nước nhớ nguồn đồng thời bảo tồn những hoạt động văn hóa di sản xưa của huyện Đông Anh gắn liền với di tích đền Cổ Loa. BTC cũng đã có những điều chỉnh, nhằm thay đổi hình ảnh, diện mạo lễ hội.
Bà Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch UBND Huyện Đông Anh cho biết: "Năm nay, với lễ hội Cổ Loa, chúng tôi đã cho rà soát, bố trí toàn bộ vị trí trông giữ xe, hàng quán là không có, xe cộ để ngoài khu vực quy định lễ hội. Vệ sinh môi trường sạch sẽ, trang trí không gian lễ hội đảm bảo đẹp và văn minh".
Ông Nguyễn Đức Vĩnh - Xã Liên Hà - Huyện Đông Anh cho biết: "Tôi cũng đi lễ hội Cổ Loa trong nhiều năm liền liên tiếp, tôi nhận thấy năm nay về quang cảnh xung quanh rất sạch đẹp, tổ chức quy mô lễ hội so với các năm tiến bộ hơn rất nhiều".
Lễ hội đền Hai Bà Trưng tại huyện Mê Linh năm 2024 tạo điếm nhấn mạnh ngay từ khâu trang trí. Công tác an ninh, phân luồng giao thông được chú trọng, phục vụ người dân về trẩy hội an toàn, vui vẻ. Toàn bộ khuôn viên tổ chức lễ hội được sắp xếp gọn gàng, quy củ. Ngoài phần lễ, các vị trí, không gian phục vụ du khách thăm quan cũng được bố trí hài hòa, đẹp mắt. Năm nay, Chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh” có sự khách biệt lớn khi được dàn dựng, biểu diễn theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại. Với 3 chương với 13 cảnh diễn, chương trình sẽ tái hiện và dẫn dắt người xem tham gia, tương tác vào bối cảnh diễn ra các sự kiện lịch sử của dân tộc nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị hai vị kiệt nữ, Anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị trong lễ hội kỉ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
PGS.TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: "Tôi mong muốn để Hà Nội có thêm nhiều lễ hội mang đậm dấu ấn lịch sử, đưa được yếu tố truyền thống văn hóa của mình, tiếp tục xây dựng công nghiệp văn hóa trên mảnh đất Hà Nội".
Đến thời điểm này, qua gần hai tuần bắt đầu mùa xuân hội 2024, nhìn chung các lễ hội trên địa bàn Thành phố đều diễn ra an toàn, văn minh. Chú trọng việc bảo vệ, giữ gìn các yếu tố, nét đẹp truyền thống. Nhiều lễ hội đã có những đổi mới tích cực trong khâu tổ chức, hướng tới phục vụ người dân, du khách tốt hơn, nhằm xây dựng hình ảnh lễ hội đẹp hơn, thân thiện hơn.