Lễ hội điện Huệ Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội điện Huệ Nam là hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người dân thành phố Huế. Sáng 30/3, tại di tích Nghinh Lương Đình, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội điện Huệ Nam.
Lễ hội truyền thống điện Huệ Nam (tên dân gian là điện Hòn Chén) được tổ chức tại địa điểm chính là điện Huệ Nam tọa lạc tại làng Hải Cát, phường Long Hồ, thành phố Huế. Đây là một lễ hội dân gian nhưng lại pha trộn yếu tố văn hóa cung đình rất độc đáo của xứ Huế.

Lễ hội điện Huệ Nam được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội này đã trải qua quá trình hình thành, phát triển hàng trăm năm và ngày càng thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham dự.
Trong giai đoạn đầu, lễ hội điện Huệ Nam chỉ diễn ra trong phạm vi khu vực điện thờ, về sau có sự tham gia của dân làng Hải Cát và dần dần phổ biến rộng rãi trong nhân dân.
Ngày nay, lễ hội truyền thống điện Huệ Nam mang sắc thái của các Thánh môn đệ tử thờ Mẫu ở Việt Nam, và thực sự trở thành một trong những sản phẩm văn hóa tiêu biểu của vùng đất Huế.

Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội điện Huệ Nam được tổ chức tại Nginh Lương Đình.
Nghệ nhân Ưu tú Lê Văn Ngộ- Trưởng Ban bảo trợ di tích điện Huệ Nam, Chủ tịch Chi Hội di sản văn hóa tín ngường thờ mẫu thành phố Huế cho biết: “Chúng tôi muốn rằng, tất cả những quần chúng cộng đồng theo mẫu phải nhận thức đúng đắn về bản sắc văn hóa của dân tộc Việt và làm thế nào để bảo tồn cho được di sản phi vật thể này”.

Đoàn rước bộ tại lễ hội điện Huệ Nam
Hiện nay lễ hội điện Huệ Nam được tổ chức đều đặn một năm hai lần vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch, với các hình thức quan trọng là lễ cung nghinh Thánh Mẫu và chư vị tại Thánh đường 352 Chi Lăng thông qua nghi lễ rước bằng đường bộ, đường thủy, lễ Cáo yết, lễ Chánh tế tại điện Huệ Nam và đình làng Hải Cát, sinh hoạt tín ngưỡng, thực hiện nghi lễ hầu đồng trên các bằng án.
Lễ hội điện Huệ Nam thể hiện được tầm ảnh hưởng, quy mô với sự tham gia đông đảo cộng đồng Thánh môn đệ tử của Mẫu và du khách thập phương trong và ngoài nước đến tham dự lễ hội.

Đoàn rước trên sông Hương trong Lễ hội điện Huệ Nam
Đây cũng là nét đẹp thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh) được thể hiện một cách độc đáo.

Các hoạt động trong lễ hội điện Huệ Nam
Những hình thức như lễ tế cổ truyền, rước Mẫu, hát văn, hầu đồng được thể hiện trong lễ hội điện Huệ Nam được coi là một bảo tàng sống lưu giữ lịch sử, văn hóa qua thời gian. Đó là kho tàng truyền thuyết, huyền thoại gắn liền với các vị Thánh Mẫu và chư vị trong tín ngưỡng thờ Mẫu, đó còn là môi trường sống của những hình thức tế lễ, diễn xướng với âm nhạc, ca múa, các hình thức, trang trí, các quan niệm nhân sinh, ẩm thực, cách mặc truyền thống của người Việt. Tất cả đã tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội.

Đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam
Ông Phan Thanh Hải, Giám dốc Sở Văn hóa Thể thao thành phố Huế cho biết đây là vinh dự rất lớn, là sự ghi nhận của Nhà nước đối với một tài sản văn hóa của một địa phương; động viên cho cộng đồng nhân dân, những người đang nắm giữ di sản này có thêm động lực, có thêm quyết tâm để gìn giữ, bảo tồn di sản.
"Mặt khác, chúng ta thấy, trong xã hội đương đại với quá trình hội nhập ngày càng nhanh, càng sâu rộng, việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các di sản, biến các di sản thành tài sản, thành nguồn lực cho sự phát triển là điều hết sức quan trọng", ông Hải nhấn mạnh.