Lễ hội giã cốm của dân tộc
Lễ hội Tăm Khảu Mảu tức Lễ hội giã cốm là phong tục tập quán, là nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc Tày. Vừa qua Lễ hội giã cốm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ sung vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Quan niệm của người Tày về Lễ hội giã cốm
Lễ hội giã cốm của dân tộc Tày ra đời, tồn tại gắn liền với truyền thống canh tác ruộng nước. Người Tày quan niệm, vạn vật hữu linh, mỗi loại cây đều có vị thần trú ngụ, đặc biệt là cây lúa. “Thần lúa” hiện diện rõ nét trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào, được đồng bào tôn trọng và cung kính.
Lễ hội giã cốm ra đời trở thành một nhu cầu không thể thiếu sau mỗi mùa lúa chín, in đậm trong văn hóa truyền thống của cộng đồng, là một cách thức biểu đạt sinh động cho ý nghĩa tạ ơn trời đất, thần linh, thần lúa, đất đai, gia tiên tiền tổ đã mang tới cho bản làng một vụ mùa bội thu, mang tới sự no ấm, an vui cho mỗi gia đình. Đây chính là nguồn gốc sâu xa, là cốt lõi của Lễ hội giã cốm cổ truyền của người Tày.
Lễ hội giã cốm của dân tộc Tày được coi như một nghi lễ khép lại một năm cấy cày, gieo trồng. Đây là lễ hội tạ ơn trời, đất, các vị thần linh, “thần lúa”, Mẹ Trăng và gia tiên của các dòng họ, đã phù hộ cho dân bản một vụ mùa bội thu, đồng thời cũng là lễ hội mừng mùa lúa mới tháng Mười, lễ hội mừng trăng (Hội Hai). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn một số địa phương tổ chức Lễ hội giã cốm, chủ yếu tập trung ở các xã: Côn Lôn, Yên Hoa, Thượng Nông, Thượng Giáp (huyện Na Hang); Trung Hà (huyện Chiêm Hóa).
Lễ hội giã cốm thường được tổ chức vào tháng 8, tháng 9 âm lịch hàng năm. Ngày tổ chức lễ hội không quy định cụ thể vào ngày nào, mà do thầy Then xem ngày đẹp thì tiến hành.
Đậm nét văn hóa của người Tày
Theo truyền thống, phần lễ được thực hiện từ chiều hôm trước, thầy cúng chuẩn bị mâm lễ gồm: Gà, xôi, tiền vàng, rượu, nước để xin phép thổ địa, thần linh cho dân làng tổ chức Lễ hội giã cốm. Người dân thực hiện nghi thức rước thần lúa từ ruộng về đàn tế. Thầy cúng thắp hương và thành tâm khấn thần lúa cho dân bản cung kính xin được rước đón thần lúa về dự lễ.
Sau bài khấn của thầy cúng, các chàng trai, cô gái xuống ruộng chọn cắt những bông lúa to đẹp, chắc hạt bó thành cum rước về bản và đặt lên trên đàn tế. Sau khi rước thần lúa về, người dân trong bản mới được xuống ruộng cắt lúa nếp mang về chế biến cốm phục vụ lễ hội.
Bên cạnh nghi thức đón thần lúa thì Lễ hội giã cốm của đồng bào Tày còn có ghi thức đón Mẹ Trăng và 12 nàng tiên. Khi trăng vừa xuất hiện trên bầu trời, Thầy cúng và những người giúp việc chuẩn bị mâm cỗ cúng các vị thần linh và Mẹ Trăng, 12 nàng tiên. Theo quan niệm của đồng bào Tày, sau bài khấn của Thầy cúng thì Mẹ Trăng và 12 nàng tiên sẽ xuống trần gian để dự lễ hội.
Tại đàn tế, Thầy cúng làm lễ dâng rượu, dâng cốm vừa giã xong và Thầy cúng đại diện cho nhân dân các dân có lời thưa gửi tạ ơn trời đất, các bậc thánh thần, đã phù hộ độ trì cho người dân có được mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy bồ, đầy sàn, vật nuôi sinh sôi nảy nở.
Phần hội là phần thi giã cốm của các đội thuộc các thôn tham gia.
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, Trong những năm gần đây, Lễ hội giã cốm được phục hồi ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, một số nghi thức trong phần lễ không được duy trì, số lượng thầy cúng để thực hành các nghi lễ trong Lễ hội giã cốm của dân tộc Tày không còn nhiều, di sản đang có nguy cơ mai một.
Vì vậy, vừa qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành phục dựng Lễ hội giã cốm của dân tộc Tày xã Thanh Tương (Na Hang) nhằm nâng cao nhận thức của xã hội đối với việc bảo tồn những giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc và đã được nhân dân hết sức hưởng ứng.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/le-hoi-gia-com-cua-dan-toc%C2%A0-204777.html