Lễ hội sách kém sắc hậu Covid-19
Sau đại dịch Covid-19, các lễ hội sách đang phải đánh giá lại khả năng tồn tại của mình khi lượng du khách ghé thăm đã sụt giảm đáng kể.
Tờ The Guardian dẫn nhiều đánh giá từ các nhà tổ chức cho biết trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, các lễ hội sách có thể “có nguy cơ bị giảm sức hút”. Một số sự kiện có thể sẽ không tổ chức nữa nếu không đa dạng được lượng khán giả của mình.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, 2022 là năm đầu tiên nhiều lễ hội sách có thể tổ chức chương trình trực tiếp hoàn toàn. Một số lễ hội sách cũng lần đầu tiên được tổ chức lại sau nhiều lần hoãn, hủy vào năm 2020 và 2021.
Hệ lụy từ đại dịch và đời sống khó khăn
Tuy nhiên, sự lo ngại về đại dịch Covid-19 vẫn hiện hữu. Chi phí sinh hoạt tăng lên cũng mang tới nhiều rủi ro cho các lễ hội sách. Tại nhiều sự kiện, số lượng người tham gia đã giảm xuống mức trước đại dịch.
Cristina Fuentes La Roche, Giám đốc quốc tế Lễ hội sách Hay, chia sẻ: "Những lo lắng về đại dịch đã ảnh hưởng đến 'sự háo hức tham gia sự kiện của khán giả'. Số lượng khách mua vé trước thấp hơn hẳn so với thời kỳ trước đại dịch".
Hay, cùng Edinburgh và Cheltenham, ba lễ hội sách lớn của nước Anh, đều ghi nhận số lượng người tham dự năm nay thấp hơn năm 2019 - năm gần đây nhất sự kiện được tổ chức ở quy mô đầy đủ trước khi đại dịch diễn ra.
Lizzie Curle, Giám đốc lễ hội tại Capital Crime (sự kiện sách sẽ được tổ chức vào tháng 9 này), cũng cho rằng các chương trình của giới văn chương đang phải "đối phó với tác động tâm lý" về dịch Covid-19. Để giảm thiểu lo ngại của cộng đồng, chương trình Capital Crime sẽ chuyển từ địa điểm trước đây là Phòng Grand Connaught ở London sang một không gian thoáng hoàn toàn ở công viên Battersea.
Leah Varnell, giám đốc điều hành của lễ hội sách Ways With Words ở Dartington cũng cho biết số lượng khán giả giảm trong mọi hoạt động tại lễ hội sách năm nay. Bà Varnell cho rằng nguyên nhân là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt: “Âm nhạc để tạo không khí cho sự kiện cũng phải hạn chế do chi phí nhiên liệu, thực phẩm đã tăng lên”. “Mọi người đều có cảm giác lo lắng về nguy cơ cuộc sống có thể trở nên đắt đỏ hơn và tình trạng này có thể kéo dài”, bà Varnell cho biết.
Chương trình Ways With Words thậm chí đã phải đối mặt với một "cuộc thảo luận nghiêm túc" về việc "liệu lễ hội kéo dài 10 ngày có khả thi hay không hay cần chuyển sang các hoạt động ngắn và tách ra tổ chức lẻ” - điều có thể là một con đường tốt hơn trong tương lai.
Bà nói thêm: “Khi trò chuyện với các nhà tổ chức lễ hội sách hay các chương trình mùa hè khác, họ cũng đang xem xét về thời gian tổ chức và tìm ra cách để tiếp tục tồn tại. Tôi dự đoán rằng sẽ có một số lượng đáng kể chương trình bị hủy bỏ và có lẽ sẽ dừng lại trong thời gian tới".
Đa dạng đối tượng khán giả
Dù xã hội đang tồn tại nhiều yếu tố bất ổn, vẫn có một số lễ hội sách mới đã diễn ra vào năm nay và thường do các hiệu sách độc lập tại địa phương đứng ra tổ chức. Nhận thức được rằng khán giả truyền thống cho các lễ hội sách, phần lớn là người da trắng ở tầng lớp trung lưu, đang già đi, nhiều lễ hội mới đã tập trung vào việc thu hút khán giả trẻ và cộng đồng yếu thế.
Trong số các sự kiện mới có lễ hội sách Brighton, do Carolynn Bain, chủ sở hữu hiệu sách độc lập Afrori Books và Ruth Wainwright, CEO của Feminist Bookshop, phối hợp tổ chức.
Hai nhà tổ chức này chia sẻ: “Khi bạn nói về sách với nhiều người, họ ngay lập tức nghĩ tới hình ảnh của một ông già da trắng trên chiếc ghế tựa. Do đó, chúng tôi muốn gửi đi thông điệp về sự kiện của mình đây là một lễ hội dành cho mọi người”.
Nhận thức được cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng trong những tháng gần đây, cả Bain và Wainwright cho biết họ hiểu được “đã có những người phải vật lộn để đảm bảo chi phí sinh hoạt trong nhiều thập kỷ qua” và đối với nhiều người ở Brighton, chi phí cho hội sách luôn nằm ngoài tầm với.
“Chúng tôi bắt đầu thu hút những người đó. Những con người đã bị lãng quên, những gia đình và cá nhân đã ‘mất tích’ trong các hội sách trên khắp nước Anh”, đại diện hai nhà tổ chức chia sẻ.
Họ cảm thấy rằng các lễ hội sách truyền thống “có thể tiếp tục bị giảm sức hút nếu vẫn được tổ chức theo kiểu hướng nội và tạo ra một hình ảnh xa cách khiến nhiều người không thể kết nối được”.
Cũng nhắm đến những khán giả từng không tham gia các lễ hội sách, lễ hội Free Books, được dẫn dắt bởi Sofia Akel, người sáng lập chiến dịch Sách Miễn phí, cũng đang thực hiện nhiều chiến lược mới. Lễ hội này, được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 4 ở Peckham, kéo dài trong 2 ngày, giới thiệu nhiều hoạt động miễn phí, trong đó có một cửa hàng sách nơi mọi người có thể “mua” sách miễn phí.
Bà Akel cho biết: “Hội sách Free Books hướng đến đưa văn học vào trái tim của cộng đồng, đặt cộng đồng vào trung tâm của mọi thứ. Không gian sự kiện, các hoạt động và các cuốn sách đều được cung cấp hoàn toàn miễn phí". Cũng theo bà Akel, các sự kiện như lễ hội Sách Free Books sẽ tạo ra “không gian mở, miễn phí và dễ tiếp cận cho những người yêu sách và sáng tạo”.
Như vậy để tiếp tục tạo được sức hút với độc giả, các lễ hội sách cũng cần phải đổi mới về cách tổ chức, bán vé và cả địa điểm diễn ra sự kiện để thu hút thêm những khán giả vốn cảm thấy họ không được hoan nghênh.
Bà Akel cũng cảnh báo: “Nếu các lễ hội sách vẫn chỉ hướng đến phục vụ cho những đối tượng cụ thể và từ chối mở rộng cánh cửa, thì lúc này, họ đã thể hiện rõ lập trường của mình. Đến lúc đó, chúng ta sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều đơn vị tổ chức tuyệt vời khác sẽ tạo ra thêm các không gian mới và bao trùm hơn cho những người yêu thích văn học”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/le-hoi-sach-kem-sac-hau-covid-19-post1346549.html