Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái 2022 dự kiến diễn ra vào đầu tháng 4
UBND TP. Sầm Sơn vừa ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái năm 2022 với nhiều chương trình đặc sắc. Lễ hội dự kiến diễn ra vào đầu tháng 4/2022.

Hòn Trống Mái Sầm Sơn - biểu tượng cho tình yêu vĩnh cửu.
Hòn Trống Mái (một danh thắng nằm trong quần thể Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Trường Lệ) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích, danh thắng cấp quốc gia vào năm 1962.
Lễ hội tình yêu - Hòn Trống Mái được TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) tổ chức lần đầu vào năm 2019, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, truyền thuyết danh thắng Hòn Trống Mái đến người dân trong và ngoài tỉnh; giáo dục tình yêu lứa đôi, hạnh phúc gia đình bền chặt gắn liền với các truyền thuyết, danh thắng và được lưu truyền trong dân gian; quảng bá hình ảnh du lịch Sầm Sơn nói chung và khu danh thắng Hòn Trống Mái nói riêng tạo sức hấp dẫn cho du khách khi về với Sầm Sơn, góp phần xây dựng Sầm Sơn sớm trở thành thành phố lễ hội.
Sự tích Hòn Trống Mái gắn với câu chuyện về mối tình son sắc của chàng Ngư Phủ xứ Thanh với nàng tiên nữ.
Chuyện kể rằng, thuở xa xưa ở vùng Sầm Thôn (Ngày nay là Sầm Sơn) có chàng trai tên Ngư Phủ, khỏe mạnh lại siêng năng. Vào một buổi chiều, khi thuyền đã cập bến trời bỗng nổi cơn giông dữ dội, giữa không trung một cánh cò trắng sức cùng lực kiệt lao xuống vũng Tiên ở khu du lịch Sầm Sơn.
Thấy vậy, chàng Ngư Phủ mang cò về chăm sóc, từ đó cò ở lại cùng chàng. Như mọi ngày, chàng Ngư Phủ ra biển quăng chài; cò ở nhà một mình trong lòng rất vui sướng bởi hôm nay là hết hạn đội lốt cò và được trở về tiên giới; cò trở thành một người con gái nhan sắc tuyệt trần nhưng nàng không trở lại thiên đình làm tiên nữ mà nguyện ở lại trần gian.
Chàng Ngư Phủ đi biển trở về, ngạc nhiên khi thấy nhà cửa gọn gàng, cơm canh đã ở trên mâm mà vắng bóng cò như mọi khi. Chàng buồn rầu, bỗng từ trong liếp nàng bước ra e lệ cúi chào…, cuộc thiên duyên giữa chàng Ngư Phủ và tiên nữ đã trở thành hiện thực.
Chốn thiên đình, hết hạn phải làm kiếp cò mà vẫn chưa thấy con gái trở về, hay tin nàng kết hôn với người hạ giới, Ngọc Hoàng nổi trận lôi đình sai người xuống trừng phạt.
Chàng Ngư Phủ hết lời khuyên nhủ nàng trở về trời, nhưng nàng một mực ở lại cùng chàng. Nàng dùng phép biến vợ chồng thành đôi chim, khi sứ giả bước vào định bắt thì đôi chim non kia biến thành đá đứng trơ trơ.
Phiến đá đó, ngày nay người dân gọi là hòn Trống Mái - biểu tượng của tình thủy chung, là khát khao hạnh phúc, được sống trong tình yêu mà người xưa đã khéo léo gửi gắm vào đất trời nơi đây.
Hòn Trống Mái Sầm Sơn là danh thắng có những đặc điểm riêng biệt. Hàng năm ước tính có khoảng 70 đến 75% khách du khách về Sầm Sơn đều đến tham quan khu danh thắng Hòn Trống Mái. Các cặp đôi trai, gái địa phương và các khu vực lân cận trước khi tổ chức lễ cưới thường đến đây chụp ảnh với mong muốn tình yêu, hạnh phúc gia đình của họ được thủy chung, bền chặt như truyền thuyết về tình yêu vĩnh hằng – Hòn Trống Mái, Sầm Sơn.

Đền Độc Cước - nơi tổ chức Cuộc thi giọng hát hay thành phố Sầm Sơn mở rộng lần thứ nhất với chủ đề “Hát về tình yêu”.
Năm nay, Lễ hội tình yêu hòn Trống Mái được UBND TP. Sầm Sơn dự kiến tổ chức với nhiều chương trình đặc sắc như chương trình nghệ thuật với chủ đề “Vinh danh tình yêu”; cuộc thi giọng hát hay TP. Sầm Sơn mở rộng lần thứ nhất với chủ đề “Hát về tình yêu”; Hội thi mâm cơm gia đình với chủ đề “Gia đình yêu thương”; Hội trại Tình yêu; khai mạc Đại hội thể dục thể thao thành phố lần thứ IX và Hội thao gia đình TP. Sầm Sơn năm 2022…
Hiện UBND TP. Sầm Sơn đang triển khai công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội đảm bảo trang trọng, ấn tượng, phù hợp với thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam; tạo không khí vui tươi lành mạnh, thu hút đông đảo du khách và nhân dân tham gia; đặc biệt bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19.