Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa - Kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai
Hôm nay (24/4), nhằm ngày 16/3 Âm lịch, tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Ban Khánh tiết Đình làng An Vĩnh long trọng tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Đây là nghi lễ truyền thống bao đời nay của các tộc họ trên đảo Lý Sơn, thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ và tri ân các chiến sỹ trận vong đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa. Nghi lễ được tổ chức trang trọng nhằm kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai.
“Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đì thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”...
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là nghi lễ “cúng thế lính” xưa của nhân dân các làng An Hải, An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi để cầu bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Đây là một lễ thức dân gian được các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch hàng năm. Hàng trăm năm trước, những người con ưu tú của quê hương Lý Sơn, tuân thủ lệnh vua đi ra Hoàng Sa, Trường Sa đo đạc hải trình cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật. Nhiều người ra đi không trở về, thân xác họ đã hòa mình vào biển cả mênh mông.
Ông Nguyễn Thành Phương, đại diện Ban Khánh tiết Đình làng An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm để tưởng nhớ, cầu mong cho ngư dân phát triển, làm ăn tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền. Cầu mong ngư dân bình an trở về quê hương.
Ông Phương nói: “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa từ thời ông cha ta đời Minh Mạng đến bây giờ. Ở Lý Sơn này, ông bà theo chân ra Hoàng Sa đánh bắt và bỏ mạng ở Hoàng Sa. Tưởng nhớ công ơn của các vị tiền nhân, ngày 16/3 hàng năm làm lễ Khao lề là giữ nguồn gốc cho con cháu tương lai sau này”.
Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hiện có khoảng 500 tàu thuyền với hàng ngàn người lao động nghề biển, trong đó hơn 100 tàu đánh bắt xa bờ. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là nghi thức tâm linh được truyền từ đời này qua đời khác, các thế hệ trẻ tiếp nối nghề truyền thống của cha ông, tiếp tục vươn khơi bám biển. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngư dân, tiếp tục nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Anh Nguyễn Hùng Vi, ngư dân đảo Lý Sơn cho biết: “Dân ở đây, cả 2 làng làm lễ khao lề cho tốt để nhờ ơn trên phù hộ cho ra khơi gặp nhiều may mắn, giữ đảo cho bình an. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa này, chúng tôi lớp trẻ, đời con đời cháu sau này gìn giữ lễ này cho ngày càng tiến triển hơn và có hình ảnh đẹp hơn quảng bá cho đảo Lý Sơn”.
Năm 2013, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đó đến nay, hàng năm vào dịp Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, đông đảo người dân Lý Sơn đi làm ăn xa tìm về, người dân Quảng Ngãi và du khách cũng đến với Lý Sơn để tìm hiểu, trải nghiệm.
Ông Đinh Anh Dũng, một đạo diễn từ thành phố Hồ Chí Minh cũng tìm về Lý Sơn để tìm hiểu Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa cảm nhận: “Đây là lần thứ 2 tôi dự lễ này và lần nào tôi cũng thấy xúc động. Nhất là khi nghe lời văn đọc về những người đã ra đi. Tôi nghĩ đây là điều rất thiêng liêng và các thế hệ trẻ cần phải biết điều này và chúng ta phải hiểu tận cùng. Đây là 1 lễ hội làm ở trong phạm vi 1 đảo nhưng tôi cho rằng, sự truyền tải cần phải rộng hơn, quảng bá rộng hơn tạo cho các bạn trẻ tinh thần yêu nước, nghĩ về đất nước một cách sâu sắc hơn”.
Ông Nguyễn Minh Trí, Bí thư huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương rất chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Ông Trí nói: “Lý Sơn hiện nay đã được Bộ Chính trị quyết định phát triển trở thành trung tâm du lịch biển đảo. Vừa phát triển Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch hiện đại nhưng vẫn giữ được sự hài hòa với nét hoang sơ và những giá trị lịch sử văn hóa còn lưu giữ lại trên đảo. Những đình làng, miếu, lăng tẩm, lễ hội và đặc biệt giá trị di sản phi vật thể như lễ hội đua thuyền tứ linh, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa phải phát huy. Huyện cũng có kế hoạch có thể sân khấu hóa lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa kết hợp giữa hiện đại với truyền thống”.