'Lên đời' cho thực phẩm bẩn - kỳ 3: Mập mờ nguồn gốc
Thịt heo (lợn), hải sản được pha lóc, sơ chế ngay trên mặt đường; Tiểu thương bày đủ các loại thực phẩm tươi sống nguồn gốc không rõ ràng bán cạnh đống rác hôi thối, nhiều ruồi nhặng, khói bụi… Đây là những cảnh tượng diễn ra mỗi ngày ở không ít khu chợ tự phát xung quanh nhiều chợ đầu mối tại TPHCM.
Sơ chế ngay trên đường
Sáng 12/8, PV Tiền Phong có mặt tại khu chợ đầu mối nông sản Hóc Môn (huyện Hóc Môn). Dọc con đường xung quanh khu vực này như Nguyễn Thị Sóc, một phần Quốc lộ 22 có cả trăm điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm hai bên đường, bày bán đủ các loại thực phẩm, từ trái cây, rau củ đến thịt cá… Nơi đây hoạt động náo nhiệt và cách chợ đầu mối nông sản Hóc Môn chỉ vài chục bước chân.
Trên Quốc lộ 22 thuộc xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn), cả chục điểm kinh doanh thịt heo hoạt động tất bật cả ngày lẫn đêm. Tại đây, thịt được bỏ vào loạt thau nhựa lớn, phơi ngay trên đường cùng với nắng gió, bụi đường. Có thể do đã phơi lâu bên ngoài nên khi chúng tôi đến mua thịt, vừa chạm tay vào đã đụng phải lớp bụi đen nhớp nhúa phủ bên ngoài. Để phân loại xương, thịt, nội tạng động vật, nhiều người xử lý ngay trên nền nhà hoặc để bệt trên vỉa hè, lòng lề đường. Nhiều tảng thịt bị kéo lê, quăng qua lại trên nền vỉa hè cáu bẩn. Nhiều thùng chứa thịt đặt ngay dưới mặt đường, rất mất vệ sinh.
Đường Nguyễn Thị Sóc dẫn vào chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, những sạp hàng tự phát kéo dài cả cây số ngay ngoài đầu đường. Mới 6 giờ, khu chợ này đã bắt đầu nhộn nhịp, đông đúc hơn cả trong các khu nhà lồng ở chợ đầu mối. Mỗi sạp hàng được bày sơ sài trên những tấm bạt bằng nhựa hoặc nilon. Trải tấm nilon cáu bẩn ngay trên đường, một tiểu thương đổ ra những thùng cá, tôm, mực…đã chết ngay trên tấm bạt, gắn thêm bảng giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg và liên tục chào mời khách mua.
Khi biết tôi đang tìm nguồn thủy hải sản để nấu suất ăn công nghiệp, người bán hàng tên Trang đon đả: “Đây là tôm, cá ngộp từ nhiều tỉnh thành chở lên TPHCM nhưng còn rất tươi. Giá này chưa tới phân nửa khi chị vào cửa hàng hoặc siêu thị nên luôn đắt khách. Ngày nào em cũng tiêu thụ cả trăm ký cho khách mua về bán quán ăn, nấu cơm cho xí nghiệp. Chị lựa hàng đi, em để giá làm quen cho. Sau này nếu mua nhiều, trở thành khách mối còn được giảm giá, chiết khấu. Em cũng giao hàng tận nơi, chị có yêu cầu hàng thế nào cứ cho biết, bên em sẽ đáp ứng”.
Sau khi có khách mua, người bán sẽ sơ chế, làm cá trực tiếp ngay trên tấm bạt. Đêm hôm trước trời có mưa nên sáng nay, bùn sình bám đầy trên đường. Nước bẩn còn tràn vào tấm bạt, len lỏi vào mớ cá tôm chất đống khiến ruồi nhặng bâu quanh. Tuy nhiên, người bán hàng không quan tâm mà vẫn vô tư tiếp tục làm mớ cá còn dang dở.
Thủy hải sản đổ đống trên tấm nhựa, đặt ngay trên mặt đường cũng là chuyện diễn ra mỗi ngày tại khu chợ tự phát xung quanh chợ đầu mối Bình Điền (quận 8). Tiếng người bán, người mua í ới tạo thành những thanh âm hỗn loạn. Tại đây, các loại cá, mực, tôm, ốc… đều có giá rất rẻ từ vài chục nghìn đồng đến khoảng 100.000 đồng/kg. Nhiều loại cá, hải sản ở đây bị ươn sình ngâm trong nước đen sì...
Mập mờ nguồn gốc
Quay trở lại khu chợ “chồm hổm” xung quanh chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, nơi đây còn có nhiều sạp hàng bán thịt heo, gà đông lạnh... Dọc theo đường số 10, xã Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn), đập vào mắt chúng tôi là gần chục điểm bày bán các loại heo đông lạnh nhập khẩu với giá cực rẻ. Những chiếc chân giò heo đông lạnh được đổ đống ngay trên tấm bìa carton đặt dưới đất. Một người đàn ông cầm con dao lớn chặt những chiếc chân giò này thành từng khúc, sau đó bỏ vào trong thùng xốp. Xung quanh, nhiều người chen nhau lựa mua.
Sau khi rã đông, nhiều miếng thịt có màu nhợt nhạt, tím tái; dùng tay sờ vào miếng thịt không còn độ đàn hồi, từ lớp da bên ngoài miếng thịt có chất sền sệt, nhầy nhụa chứ không hồng hào như thịt heo “nóng”. Một số sạp bán nội tạng heo, bò đã luộc chín để lẫn vào thịt sống. Nhiều miếng bốc mùi khó chịu, ruồi nhặng bu bám xung quanh. Người bán dùng miếng bìa carton đậy sơ sài lên trên.
Khi chúng tôi yêu cầu mua sườn non, người này chỉ vào bịch nilon màu đen để dưới đất nằm sát gốc cây. Chúng tôi vừa mở ra, luồng hơi lạnh tỏa ra nhưng một mùi hôi ngai ngái xộc thẳng vào mũi. Chúng tôi đang còn chần chừ chưa muốn mua thì một người khách nhanh tay nhặt nhạnh vài ký sườn cho vào bịch. “Cái này hầm nước cũng được. Mùi hôi thì phi hành tỏi cho thơm, nêm nếm gia vị đậm đà cũng trở thành món ngon. Đặc biệt giá chỉ vài chục ngàn đồng, mua ở quầy thịt không thể có giá đó” - người khách nói.
Về nguồn gốc các loại thịt heo đông lạnh, tiểu thương chợ “chồm hổm” quảng cáo, hàng được nhập từ Nga, Mỹ, Đức, Canada, Brazil... Giá cả mặt hàng thịt được giới thiệu “hàng ngoại” này mới khiến chúng tôi bất ngờ nhất: giò heo chỉ 35.000 đồng/kg, móng heo 25.000 đồng/kg...
Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các loại thịt “nhập khẩu” này không có dấu kiểm dịch, không ghi nguồn gốc xuất xứ. Khi chúng tôi đề cập đến chuyện hóa đơn chứng từ, người bán hàng tỏ vẻ khó chịu, không trả lời hoặc xua tay: “Có đủ hết nhưng không đem theo; không mua thì đi chỗ khác…”.
Tại khu chợ tự phát nằm gần Cty PouYuen (quận Bình Tân), những hàng thịt gà, thịt heo được bày bán la liệt hai bên đường. Cứ mỗi buổi chiều khi công nhân tan ca, những quầy hàng này lại đông đúc, nhộn nhịp vì người mua rất đông. Chọn con gà đã được chặt sẵn với giá chỉ tầm 60.000 đồng, chị Lan (công nhân may) nhẩm tính sẽ mua thêm gừng, ớt làm gà kho mặn, ăn trong khoảng 2 ngày cho 2 người ăn.
Theo quan sát của chúng tôi, loại gà này đã được làm sạch, không đầu, không chân, không nội tạng; không có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ và được người bán giới thiệu thịt dai ngon không thua gì gà ta. Trọng lượng mỗi con dao động từ 1,2 - 1,7 kg. Khi chúng tôi thắc mắc vì gà chỉ có phần mình, người bán giải thích chung chung rằng phần đầu và chân đã được cắt bán riêng. “Các mối cung cấp sỉ giao hàng thế nào thì mình bán thế ấy. Chủ yếu là giá rẻ, hợp túi tiền của người lao động có thu nhập thấp. Khi tôi nhận hàng thì tất cả đều đông lạnh. Mình rã đông rồi bán cho người tiêu dùng” - người bán giải thích.
Tại những khu vực xung quanh các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức… dễ dàng thấy các quầy sạp bày bán thịt gà, thịt vịt… chất thành núi. Nhiều người chụm vào lựa chọn những chiếc chân gà, cánh gà mềm nhũn, đổi màu tím tái và còn bốc mùi khó chịu. Những miếng thịt gà, vịt này rỉ nhiều nước, nhân viên bán hàng liên tục lấy miếng giẻ đen sì để thấm nước. Chen vào những người đang mua hàng, chúng tôi vừa lựa chân gà vừa tám chuyện. Một người tên Hoa (ngụ quận 12) cho biết, bà mua về bán quán nhậu. “Mấy cái chân gà, cánh gà này nhìn vậy thôi chứ tẩm gia vị vào, chiên nướng lên là ngon hết chỗ chê” - bà Hoa nói.
Mới đây, ngày 13/8, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 9 phối hợp với UBND phường Bình Chiểu (thành phố Thủ Đức) kiểm tra đột xuất một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm đông lạnh trên địa bàn phường. Qua kiểm tra, đoàn đã tạm giữ 400 kg trường heo, vú heo đông lạnh. Trước đó, vào cuối tháng 7/2024, cũng tại địa bàn phường Bình Chiểu, Đội QLTT số 9 phát hiện 140 kg mề gà, chả cá đông lạnh của một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm đông lạnh. Tất cả số hàng đều trong tình trạng “3 không”: không nhãn mác, không hóa đơn chứng từ, không nguồn gốc, xuất xứ. Số nội tạng này được các đối tượng chia nhỏ, ép thành khối, bọc trong các túi nylon, đóng vào thùng các tông để ngụy trang khi vận chuyển.
Theo Cục QLTT TPHCM, thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ thường không được kiểm soát chất lượng và có thể chứa vi khuẩn, chất bảo quản quá mức, hoặc thậm chí là các chất độc hại. Đây không chỉ là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và xã hội. Do đó, Cục QLTT TPHCM đã tăng cường các biện pháp kiểm soát, giám sát và xử lý vi phạm nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và ổn định thị trường; ngăn chặn hàng hóa đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.