Lên núi khám phá hang động

Vùng đất Thái Nguyên có các dải núi lớn là Tam Đảo, Ngân sơn, Bắc sơn…Trong núi có nhiều hang động ẩn chứa những huyền tích, kỳ bí về sự hiện diện của con người thời tiền sử. Dù đã được các nhà khảo cổ khai quật, nghiên cứu nhưng hang động trong lòng núi còn nhiều điều kỳ thú, hấp dẫn đối với những người thích phiêu lưu, khám phá về một thời đại đá cách nay hàng chục nghìn năm.

Năm 2019, có khoảng 200.000 lượt du khách đến tham quan, khám phá hang Phượng Hoàng, xã Phú Thượng (Võ Nhai).

Năm 2019, có khoảng 200.000 lượt du khách đến tham quan, khám phá hang Phượng Hoàng, xã Phú Thượng (Võ Nhai).

Nhiều nhà khảo cổ học tìm đến các hang động - chủ yếu ở huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ và huyện Phú Lương với mục đích nghiên cứu. Thạc sĩ Bùi Huy Toàn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: ơ huyện Võ Nhai, tại xã Thần Sa có Khu di tích Khảo cổ học hậu kỳ đá cũ, nơi người tiền sử từng sinh sống. Dù đường vào Di tích khó khăn, nhưng từ lâu, đây được coi là điểm đến của nhiều du khách trong nước, quốc tế.

Theo tài liệu của Viện Khảo cổ học: Thái Nguyên là vùng đất sinh tồn và phát triển của con người từ rất sớm. Dấu tích xa xưa nhất của con người trên đất Thái Nguyên được biết đến là những di tích thuộc hậu kỳ đá cũ ở mái đá Ngườm, hang Miệng Hổ, hang Thắm Choong, hang Nà Ngùn, hang ốc, hang Nghinh Tắc, hang Khắc Kiệm, hang Phượng Hoàng… cùng với quần thể cổ sinh thời hậu kỳ Cánh Tân có niên đại ít nhất cách ngày nay khoảng 30.000 năm. Đây là những đại diện tiêu biểu cho 2 truyền thống kỹ thuật chế tác trong thời đại đá Việt Nam, đó là truyền thống kỹ nghệ Ngườm và truyền thống cuội ghè.

Bàn về những phát hiện mới khảo cổ học thời tiền sử ở Thái nguyên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử, Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Giá trị nổi bật của văn hóa kỹ nghệ Ngườm là việc hình thành một cộng đồng cư trú trong các hang động, hoặc dưới mái đá, tiến hành săn bắt, hái lượm trong thung lũng đá vôi Thần Sa, chế tác và sử dụng phổ biến công cụ mảnh tước nhỏ có dấu tu chỉnh, bảo lưu kỹ thuật ghè đẽo công cụ cuội nhưng khác và cổ hơn các văn hóa hậu kỳ đá cũ. Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Miên, Viện Khảo cổ học: Trong dòng chảy văn hóa tiền sử Việt Nam, một trong những đóng góp nổi bật của Thái Nguyên là về thời đại đá cũ. Thời đại đá cũ ở Thái Nguyên gắn liền với nhóm các di tích hang động ở Khu di tích Khảo cổ học Thần Sa. Cụm di tích này nằm ở phần cuối của hệ sơn khối đá vôi Bắc Sơn trong vùng địa hình xen kẽ dày đặc giữa những dãy núi đá vôi và những dải thung lũng hẹp, dọc theo bờ sông Thần Sa.

Là vùng đất nằm trong khu vực sinh tụ của con người thời nguyên thủy, hiện các nhà khảo cổ phát hiện trên địa bàn tỉnh 32 di tích thuộc thời đại đá, trong đó có 30 di tích hang động, 1 di tích thềm sông, 1 di tích ngoài trời. Võ Nhai là địa bàn có số lượng di tích tập trung nhiều nhất, với 23 di tích hang động và thềm sông; huyện Đồng Hỷ 5 di tích, huyện Phú Lương 4 di tích. Hiện nhiều di tích hang động ở huyện Đồng Hỷ và Phú Lương bị tàn phá, hư hại, mới có hang Thần và hang Thủng được các nhà khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học đào thám sát, thông qua địa tầng và di vật trong các hố thám sát, kết luận đây là 2 di tích thuộc hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí.

Trở lại huyện Võ Nhai, vùng núi đá vôi có nhiều hang động rộng rãi, thuận lợi cho người tiền sử chọn làm nơi ở. Dưới chân núi là sông, suối, khe lạch nước chảy quanh năm, là nơi cung cấp nguồn nước, nguồn thức ăn thủy sinh và nguồn nguyên liệu đá cuội dồi dào cho người tiền sử chế tác công cụ. Đi dọc dòng Thần Sa, nhìn dòng nước thượng nguồn háo hức chảy, nghe rì rầm của gió rừng thầm thì như kể chuyện cổ tích về tổ tiên loài người. Bên dòng Thần Sa có hơn 10 di tích hang động. Tại các hang động này, các nhà khảo cổ học đã tìm kiếm được nhiều vỏ nhuyễn thể sông, suối và xương động vật nhỏ. Và phát hiện được các tầng văn hóa kế tiếp nhau từ sớm đến muộn. Các nhà khảo cổ học đã chia những di tích đồ đá ở Thái Nguyên theo 2 thời kỳ là hậu kỳ đá cũ và thời kỳ đá mới. Thạc sĩ Nguyễn Thị Lệ Thu, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Với những kết quả khảo sát, nghiên cứu, Khu di tích Khảo cổ học Thần Sa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Khảo cổ học Quốc gia năm 1998.

Theo Thạc sĩ Lương Thị Duyên, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh: Các di tích thuộc hậu kỳ đá cũ, gồm: Ngườm I, Ngườm II, Miệng Hổ, Thắm Choong, Nà Ngùn, Thẩm Hấu, Nà Khù và di tích thềm sông cổ Thần Sa. Trên cơ sở di vật đá là công cụ mảnh, kỹ nghệ cuội ghè, các nhà nghiên cứu xác định được niên đại cho các di tích này thuộc hậu kỳ đá cũ và tầng văn hóa được hình thành vào giai đoạn cuối hậu kỳ Cánh Tân. Các di tích thuộc sơ kỳ đá mới gồm 20 điểm là các hang: Ốc, Con Hổ, Thần, Thủng, Kim Sơn, Nghinh Tắc, Khắc Kiệm, Nà Cà, Ky, Hạ Sơn I, Hạ Sơn II, Đán Mèo, Cá, Trâu, Nà Vật, Phượng Hoàng, Chùa, Sa Vạ, Khe Sui, và hang Rắn. Tại các hang này chứa nhiều công cụ cuội ghè mang đặc trưng công cụ Hòa Bình - Bắc Sơn, như công cụ hình đĩa, hình bầu dục, công cụ rìu ngắn và rìu mài. Các di tích thuộc hậu kỳ đá mới gồm các hang: Ông Trúc, Suam Sơn, Liên Minh cũng tìm thấy di vật thuộc hậu kỳ đá mới như rìu mài nhẵn và những mảnh gốm thô. Với tầng văn hóa mỏng, hiện vật nghèo nàn, đáng chú ý là có rìu tứ giác mài nhãn và đồ gốm.

Bà Trịnh Thị Cúc, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tôi từng đến thăm một số hang động ở huyện Võ Nhai, trong đó có Mái đá Ngườm, hang Miệng Hổ và dòng sông Thần Sa…, đó là những nơi có cảnh quan đẹp, với các dãy núi đá vôi trùng điệp, muôn hình vạn trạng. Trên núi được phủ xanh bởi các loài cây quý như đinh, lim, sến, táu, nghiến… Trong núi có nhiều hang động, nơi ở của người tiền sử. Dưới chân núi có dòng sông Thần Sa và nhiều khe suối, thác Mưa Rơi… Cảnh quan đẹp, không khí trong lành, hơn nữa, trong các lũng núi và hang động còn chất chứa bao điều kỳ diệu của người tiền sử đang mời gọi du khách thích mạo hiểm, khám phá tìm đến.

Phạm Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/van-hoa/len-nui-kham-pha-hang-dong-268556-98.html