Lên phương án vận tải hành khách bằng đường thủy kết nối TP.HCM với sân bay Long Thành

Trong số ba phương án đề xuất, Sở GTVT TP.HCM đề xuất chọn phương án vận chuyển hành khách bằng tàu cao tốc từ bến tàu Bạch Đằng hiện hữu hoặc từ cầu bến B sẽ tiếp nhận phương tiện thủy sau khi được UBND TP chấp thuận phát triển du lịch đường thủy trên sông Sài Gòn.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đã đề xuất phương án vận tải khách bằng đường thủy kết nối TP.HCM với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai, dự kiến khai thác vào năm 2026. Đề xuất này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách di chuyển từ TP.HCM đến sân bay Long Thành một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Trước đó, Sở GTVT TP.HCM đã giao Phòng Quản lý đường thủy phối hợp với Trung tâm Quản lý đường thủy và Cảng vụ Đường thủy nội địa tiến hành rà soát và đánh giá hiện trạng hạ tầng, luồng tuyến, cảng, bến thủy nội địa và phương tiện thủy. Từ đó, họ đề xuất ba phương án vận tải hành khách bằng đường thủy, kết nối với vận tải đường bộ đến sân bay Long Thành.

Phương án 1: Vận chuyển hành khách bằng tàu cao tốc

Từ bến tàu Bạch Đằng đến bến du thuyền Aqua City (sông Đồng Nai, khu đô thị Aqua City).

Từ bến tàu Bạch Đằng đến bến du thuyền Swan Bay (dự án Hoa Sen Đại Phước, Cù lao Đại Phước, Nhơn Trạch, Đồng Nai).

Từ bến thủy nội địa Phú Xuân – Phước Khánh đến bến du thuyền Swan Bay và bến du thuyền Aqua City.

Từ bến Bạch Đằng đến bến Long Tân.

Phương án 2: Kết nối bằng hình thức khách ngang sông

Từ Bình Khánh (huyện Nhà Bè) qua Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Từ khu đô thị Vinhome Grand Park qua bến du thuyền Aqua City.

Phương án 3: Tăng công suất khai thác phà Cát Lái hiện hữu.

Trong số ba phương án trên, Sở GTVT TP.HCM đề xuất chọn phương án vận chuyển hành khách bằng tàu cao tốc từ bến tàu Bạch Đằng hiện hữu hoặc từ cầu bến B sẽ tiếp nhận phương tiện thủy sau khi được UBND TP chấp thuận phát triển du lịch đường thủy trên sông Sài Gòn.

Lý do chọn phương án này là thời gian di chuyển bằng đường thủy ngắn hơn so với các tuyến đến bến du thuyền Aqua City và bến Long Tân. Thời gian di chuyển bằng đường bộ cũng ngắn hơn so với bến du thuyền Aqua City.

Ngoài ra, đường bộ kết nối đến sân bay Long Thành sẵn có thông qua các tuyến đường Lý Tự Trọng, Nguyễn Hữu Cảnh, ĐT.769C (25B), quốc lộ 51. Trong tương lai, khi đoạn đường vành đai 3 từ cao tốc Long Thành - Dầu Giây qua sông Đồng Nai giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành, thời gian di chuyển sẽ được rút ngắn từ 5-10 phút.

Phương án tiếp theo được chọn là vận chuyển hành khách và ô tô bằng bến khách ngang sông từ Bình Khánh, Nhà Bè qua Nhơn Trạch, Đồng Nai. Việc xây dựng mới cầu bến phía Nhơn Trạch và đầu tư khoảng 500m đường vào bến sẽ giúp người dân sống ở khu vực phía Nam, Đông Nam TP di chuyển thuận lợi hơn. Kết nối đường bộ qua đường Phạm Thái Bường và ĐT.769D (25C) đến sân bay Long Thành sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển xuống còn 25km, thời gian khoảng 40-45 phút.

Cuối cùng, phương án tăng công suất khai thác phà Cát Lái hiện hữu được chọn để giúp người dân khu vực phía Đông TP di chuyển đến sân bay Long Thành trong thời gian chờ xây dựng cầu Cát Lái. Việc kết nối đường bộ qua đường ĐT.769D (25C) sẽ giúp giảm khoảng cách xuống còn 30km, thời gian di chuyển từ 45-50 phút.

Hoàng Anh

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/len-phuong-an-van-tai-hanh-khach-bang-duong-thuy-ket-noi-tphcm-voi-san-bay-long-thanh-c2a75887.html