Khi mùa vàng đã gặt hái xong, ngô, đỗ tương đã đầy bồ, phụ nữ Thu Lao ở thôn Thải Giàng Sán lại cùng nhau tách hạt, bật bông, se sợi, dệt vải…
Vùng đất Tả Gia Khâu quanh năm thiếu nước, cây bông chịu hạn tốt đã bén rễ, mang lại nguồn nguyên liệu quý để người Thu Lao gìn giữ và phát triển nghề dệt truyền thống. Vào độ tháng 3-4 hằng năm, người Thu Lao gieo hạt bông, đến tháng 8-9 sẽ thu hái quả về để phơi khô rồi tách hạt (Trong ảnh: Công đoạn tách hạt bông).
Hạt bông sau khi tách sẽ được cất cẩn thận làm giống cho vụ mùa năm sau.
Bông sau khi bật tơi sẽ được vê thành các gòn dài để se thành những sợi trắng muốt và mỏng. Bàn tay người phụ nữ vùng cao chịu thương, chịu khó vốn thô ráp, chai sần, nhưng khi bắt tay vào những công đoạn dệt vải lại vô cùng tỉ mỉ, khéo léo. (Trong ảnh: Một phụ nữ Thu Lao dùng dụng cụ se sợi, tạo ra những cuộn chỉ bông.)
Nhờ sự khéo léo, kiên trì, từng cuộn chỉ sợi được hình thành.
Phụ nữ Thu Lao dùng 1 dụng cụ đơn giản để quay sợi chỉ thành các cuộn sợi.
Cuộn sợi sẽ được mang đi nấu với nước gạo, tạo hồ và đem phơi khô cho sợi bông được cứng.
Tách sợi bông là công đoạn cần sự kiên trì và mất nhiều thời gian nhất.
Sau khi tách, sợi được se thành những suốt sợi.
Mỗi công đoạn đều chứa đựng tâm huyết, thể hiện tay nghề khéo léo của phụ nữ Thu Lao.
Sau những ngày mùa bận rộn, phụ nữ Thu Lao lại cùng nhau se sợi, dệt vải.
Tấm vải hoàn thành sẽ được đem đi nhuộm màu để may trang phục truyền thống.
Sau khi hình thành bộ trang phục, phụ nữ Thu Lao sẽ khéo léo thêu họa tiết thổ cẩm và đính thêm trang sức bạc giúp bộ trang phục thêm rực rỡ.
Phương Thảo