LHQ: Khủng hoảng khí hậu thúc đẩy sự gia tăng tình trạng bạo lực giới
Một báo cáo mới từ Sáng kiến Spotlight - một sáng kiến của Liên hợp quốc nhằm xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái - phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu đang làm gia tăng căng thẳng về mặt xã hội và kinh tế, thúc đẩy sự gia tăng mức độ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Và nếu không có hành động khẩn cấp, biến đổi khí hậu có thể liên quan đến 10% các trường hợp bạo lực từ bạn tình vào cuối thế kỷ.

Nếu không có hành động khẩn cấp, biến đổi khí hậu có thể liên quan đến 10% các trường hợp bạo lực từ bạn tình vào cuối thế kỷ. Ảnh minh họa: iStocks
Theo báo cáo, thời tiết khắc nghiệt, tình trạng di dời, mất an ninh lương thực và bất ổn kinh tế là những yếu tố chính làm gia tăng tình trạng phổ biến và mức độ nghiêm trọng của bạo lực trên cơ sở giới (GBV). Những tác động này ảnh hưởng nặng nề nhất đến các cộng đồng dễ bị tổn thương - nơi phụ nữ vốn đã phải đối mặt với bất bình đẳng cố hữu và dễ bị tấn công hơn.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng, nhiệt độ toàn cầu cứ tăng mỗi 1°C thì tình trạng bạo lực do bạn tình gây ra (IPV) sẽ tăng 4,7%. Trong trường hợp nhiệt độ tăng 2°C, đến năm 2090, mỗi năm sẽ có thêm 40 triệu phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ phải chịu bạo lực của bạn tình. Với kịch bản nhiệt độ tăng 3,5°C, con số này sẽ tăng gấp đôi.
Một “đại dịch ngầm”
Báo cáo nêu rõ bạo lực giới đã trở thành “một đại dịch toàn cầu”. Hơn 1 tỷ phụ nữ - tức khoảng 1/3 tổng số phụ nữ trên thế giới - đã từng bị lạm dụng về thể chất, tình dục hoặc tâm lý trong suốt cuộc đời. Con số này có thể thấp hơn thực tế, vì chỉ có khoảng 7% những người sống sót nộp báo cáo chính thức cho cảnh sát hoặc các dịch vụ y tế.
Đáng lưu ý, Sáng kiến Spotlight cho biết có sự gia tăng tình trạng bạo lực sau các thảm họa khí hậu.
Chỉ tính riêng năm 2023, có 93,1 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi các thảm họa liên quan đến thời tiết và động đất, và ước tính có 423 triệu phụ nữ phải chịu bạo lực từ bạn tình. Khi các cú sốc về khí hậu trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn, nguy cơ bạo lực được dự đoán sẽ tăng mạnh. Đơn cử như một nghiên cứu được nêu trong báo cáo cho thấy tỷ lệ sát hại phụ nữ tăng 28% trong các đợt nắng nóng.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn kéo theo những hậu quả khác như làm gia tăng tỷ lệ tảo hôn, buôn người và lạm dụng tình dục, đặc biệt là sau khi phải di dời do lũ lụt, hạn hán hoặc sa mạc hóa.
Các cộng đồng dễ bị tổn thương
Gánh nặng của cuộc khủng hoảng này không được phân bổ đồng đều. Phụ nữ và trẻ em gái sống trong cảnh nghèo đói - bao gồm cả những người nông dân sản xuất nhỏ và những người ở các khu định cư không chính thức ở đô thị - phải đối mặt với tình trạng dễ bị tổn thương hơn.
Phụ nữ là người bản địa, khuyết tật, người già hoặc là một phần của cộng đồng LGBTQ+ cũng phải đối mặt với những rủi ro chồng chéo, với khả năng tiếp cận hạn chế với các dịch vụ hỗ trợ, nơi trú ẩn hoặc các biện pháp bảo vệ.
Ở châu Phi cận Sahara, các dự báo cho thấy bạo lực do bạn tình gây ra có thể tăng gần gấp 3 lần từ 48 triệu phụ nữ vào năm 2015 lên 140 triệu vào năm 2060 nếu nhiệt độ tăng 4°C. Tuy nhiên, theo kịch bản giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C, tỷ lệ phụ nữ bị ảnh hưởng có thể giảm từ 24% vào năm 2015 xuống còn 14% vào năm 2060.
Cần tích hợp vấn đề giới vào chính sách khí hậu
Theo thống kê của LHQ, mặc dù vấn đề này rất cấp bách, nhưng chỉ có 0,04% viện trợ phát triển liên quan đến khí hậu tập trung chủ yếu vào bình đẳng giới. Khoảng cách này thể hiện sự thất bại nghiêm trọng trong việc thừa nhận tác động của bạo lực giới đối với khả năng phục hồi của khí hậu.
Từ đó, Sáng kiến Spotlight kêu gọi lồng ghép việc phòng ngừa bạo lực giới vào mọi cấp độ của chính sách khí hậu, từ các chiến lược địa phương cho đến các cơ chế tài trợ quốc tế.
Những chiến lược điển hình từ các quốc gia như Haiti, Vanuatu, Liberia và Mozambique đã chỉ ra cách các chương trình có thể được thiết kế để đồng thời giải quyết bạo lực giới và xây dựng khả năng phục hồi khí hậu. Một số biện pháp có thể được xem xét như đào tạo lại lực lượng nữ hộ sinh, đảm bảo công tác ứng phó thảm họa, bao gồm các dịch vụ ứng phó với bạo lực giới và hỗ trợ các phòng khám y tế lưu động tại các vùng thiên tai.
Báo cáo nhấn mạnh rằng hành động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu phải ưu tiên sự an toàn và công bằng cho phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời thúc đẩy vai trò lãnh đạo của nhóm dân số này.
Rõ ràng, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là một yêu cầu về nhân quyền, mà còn là điều cần thiết để đạt được tương lai công bằng, bền vững và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, Sáng kiến Spotlight khẳng định.