Libya điều tra vì sao lũ lụt làm chết quá nhiều người
Libya điều tra vì sao lũ lụt làm chết quá nhiều người đến vậy, khi theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, thương vong có thể đã giảm thiểu nếu có cảnh báo sớm.
Ngày 14-9, tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Libya cho biết số người chết do lũ lụt ở nước này đã tăng lên hơn 11.300 người, theo hãng tin AP.
Tuy nhiên, việc xác định số người chết thực sự do lũ tại Libya gặp nhiều khó khăn, do tình trạng xung đột trong khu vực và mức độ hủy diệt của thảm họa quá lớn. Do đó, theo các quan chức địa phương, số người chết có thể lớn hơn con số được thông báo, có thông tin lên đến 21.000 người.
Thiếu hệ thống cảnh báo
Vào tuần trước, nhiều khu vực ở Libya hứng lượng mưa lớn chưa từng có và bị ngập lụt nặng. Ngày 10-9, nước lũ đã phá vỡ 2 con đập, đẩy một dòng nước lớn đến thành phố Derna. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người thiệt mạng.
Ngày 14-9, Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya - ông Mohamed al-Menfi cho biết hội đồng tổng thống đã yêu cầu bộ trưởng Bộ Tư pháp nước này vì sao lũ lụt làm chết quá nhiều người đến vậy. Ông Mohamed al-Menfi cho biết những người có liên quan, tắc trách sẽ phải chịu trách nhiệm.
Cũng trong ngày 14-9, Tổ chức Khí tượng (WMO) cho rằng tình trạng lũ lụt như hiện tại ở Libya hoàn toàn có thể ngăn chặn được.
“Nếu có một cơ quan khí tượng hoạt động bình thường, họ có thể đã đưa ra các cảnh báo. Từ đó, các cơ quan khẩn cấp đã có thể sơ tán người dân” - ông Petteri Taalas, Tổng thư ký WMO, nói.
Ông Talaas cho biết WMO đã cố gắng liên lạc với các quan chức Libya để thảo luận về việc cải thiện hệ thống cảnh báo ở nước này, “nhưng vì tình hình an ninh ở nước này rất khó khăn, rất khó để đến được đó”.
Theo hãng tin Reuters, Libya bị chia rẽ về mặt từ năm 2011. Chính phủ Libya được quốc tế công nhận không kiểm soát khu vực miền đông - nơi đang bị lũ lụt ảnh hưởng nặng.
Viện trợ bắt đầu đến
Ngày 14-9, Libya bắt đầu nhận được viện trợ quốc tế. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) cho biết Libya cần ít nhất 71,4 triệu USD để hỗ trợ 884.000 người bị lũ lụt ảnh hưởng.
Tính đến thời điểm hiện tại, lãnh đạo nhiều nước như Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria, Ý, Saudi Arabia cam kết sẽ hỗ trợ Libya. Tuy nhiên, theo đài CNN, tình hình chính trị hiện tại ở Libya có thể gây khó khăn cho quá trình viện trợ đến tay các nạn nhân.
Tổng Giám đốc Tổ chức Thế giới (WHO) - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tổ chức này sẽ chi 2 triệu USD từ quỹ khẩn cấp để hỗ trợ Libya.
Ngày 14-9, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết đã bắt đầu phân phối thực phẩm cho hơn 5.000 gia đình phải sơ tán do lũ lụt tại Libya.
Lãnh đạo chính quyền miền đông Libya - ông Osama Hamad cho biết chính quyền đã phân bổ 10 tỉ dinar Libya (gần 2,1 tỉ USD) từ ngân sách khẩn cấp để hỗ trợ các khu vực bị ảnh hưởng.