Lịch sử sáp nhập tỉnh của Long An và Tây Ninh

Trong lịch sử hình thành, Long An và Tây Ninh từng là một phần của phủ Gia Định. Hiện nay, 2 tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp và nông nghiệp công nghiệp cao.

Long An và Tây Ninh từng là một phần của phủ Gia Định

Trước khi trở thành 2 tỉnh độc lập như ngày nay, trong lịch sử hình thành tỉnh Long An và Tây Ninh đều trải qua nhiều thay đổi về mặt địa giới hành chính.

Theo lịch sử tỉnh Long An, địa phương này từng là địa bàn quan trọng của vương quốc Phù Nam - Chân Lạp. Khi Nguyễn Hữu Cảnh vào khai phá miền Nam, đất Long An thuộc phủ Gia Định.

Đến thời Minh Mạng, đất Long An thuộc tỉnh Gia Định và một phần tỉnh Định Tường. Đầu thời Pháp thuộc, Nam Kỳ được chia thành 21 tỉnh, đất Long An nằm trong địa bàn 2 tỉnh Tân An và Chợ Lớn.

Năm 1976, tỉnh Long An hợp nhất với tỉnh Kiến Tường và 2 quận Đức Hòa, Đức Huệ của tỉnh Hậu Nghĩa thành tỉnh Long An mới và tồn tại cho đến nay.

Bản đồ hành chính tỉnh Long An hiện nay

Bản đồ hành chính tỉnh Long An hiện nay

Còn với tỉnh Tây Ninh, vào năm 1698, qua quá trình kinh lược xứ Đàng Trong của Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, phủ Gia Định được thành lập. Vùng đất Tây Ninh lúc này thuộc huyện Tân Bình, phủ Gia Định, dinh Phiên Trấn.

Năm 1802, vua Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh) đổi phủ Gia Định thành Trấn Gia Định. Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn làm tỉnh, chia toàn Nam kỳ làm sáu tỉnh, gồm: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Vùng đất Tây Ninh thuộc tỉnh Phiên An.

Đến năm 1836 (Minh Mạng thứ 17), tỉnh Phiên An đổi thành tỉnh Gia Định. Phủ Tây Ninh được thành lập trực thuộc tỉnh Gia Định, gồm hai huyện Tân Ninh và Quang Hóa.

Đến năm 1900, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương thành lập tỉnh Tây Ninh gồm có hai quận Thái Bình và quận Trảng Bàng.

Bản đồ hành chính tỉnh Tây Ninh hiện nay

Bản đồ hành chính tỉnh Tây Ninh hiện nay

Đến tháng 5/1951, Trung ương Cục miền Nam chia toàn Nam bộ thành hai Phân Liên khu: Phân Liên khu miền Tây và Phân Liên khu miền Đông, đồng thời sáp nhập một số tỉnh. Tây Ninh cùng hai huyện Hóc Môn, Gò Vấp (tỉnh Gia Định) và hai huyện Đức Hòa Thành, Trung Huyện (tỉnh Chợ Lớn) sáp nhập thành tỉnh Gia Định Ninh. Cũng trong năm này, huyện Dương Minh Châu được thành lập thuộc tỉnh Gia Định Ninh, gồm 5 xã: Ninh Thạnh, Thạnh Bình, Chơn Bà Đen, Định Thành và Phước Ninh.

Sau năm 1975, Tây Ninh có 7 huyện, 1 thị xã với 73 xã, gồm: Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, Phú Khương (Tòa Thánh), Châu Thành, Dương Minh Châu, Tân Biên và Thị xã Tây Ninh. Năm 1989, thành lập thêm huyện Tân Châu trên phần đất 2 huyện: Tân Biên và Dương Minh Châu.

Cùng ưu tiên phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao

Trong những năm qua, Long An và Tây Ninh cũng là “điểm sáng” trong bức tranh tổng thể nền kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam. Tuy không dẫn đầu, nhưng cả hai đều có vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế lớn và những bước đi mạnh mẽ trong việc phát triển hạ tầng, khu công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Với Long An là địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng khi tiếp giáp TP. Hồ Chí Minh về phía Đông, giáp Tây Ninh và Campuchia về phía Bắc và tiếp giáp 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang về phía Tây và Nam. Nhờ nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Long An vừa có điều kiện để phát triển công nghiệp, vừa có thế mạnh phát triển về nông nghiệp.

Một góc khu công nghiệp Đức Hòa 3, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ảnh: TTXVN

Một góc khu công nghiệp Đức Hòa 3, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ảnh: TTXVN

Trong định hướng phát triển bền vững, Long An tập trung vào hai lĩnh vực mũi nhọn: Công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, ngành công nghiệp sẽ chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, sản xuất linh kiện điện tử, dệt may và sản xuất vật liệu xây dựng. Còn với nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh này sẽ chú trọng sản xuất lúa gạo chất lượng cao, rau củ hữu cơ và trái cây xuất khẩu.

Cùng với đó, những năm gần đây, Long An tập trung đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy kết nối vùng và thu hút đầu tư. Hệ thống đường bộ phát triển nhanh với các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, Quốc lộ 62 và tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Bên cạnh đó, tỉnh đang đẩy mạnh đầu tư vào các tuyến đường vành đai cùng với các dự án mở rộng cảng biển và logistics, giúp tối ưu hóa vận chuyển hàng hóa giữa Long An với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Tương tự, tỉnh Tây Ninh cũng có vị trí chiến lược nằm giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đang trở thành một điểm sáng trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.

Nhờ lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt cửa khẩu Mộc Bài – một trong những cửa khẩu quốc tế quan trọng nhất khu vực phía Nam, Tây Ninh đang vươn lên mạnh mẽ trên bản đồ kinh tế Việt Nam.

Một góc khu công nghiệp tại Tây Ninh. Ảnh: Báo Tây Ninh

Một góc khu công nghiệp tại Tây Ninh. Ảnh: Báo Tây Ninh

Nhận thức được vai trò quan trọng của hạ tầng trong thu hút đầu tư, Tây Ninh đã và đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài đang được đẩy nhanh tiến độ, góp phần kết nối tỉnh với các trung tâm kinh tế lớn. Các tuyến quốc lộ 22, 22B và đường vành đai cũng được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và phát triển logistic.

Bên cạnh đó, Tây Ninh và Long An đang tăng cường kết nối hạ tầng giao thông để thúc đẩy giao thương giữa hai tỉnh. Các tuyến đường như ĐT 822, ĐT 823, ĐT 825 đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết Tây Ninh với các huyện Đức Hòa, Bến Lức của Long An. Điều này giúp hàng hóa lưu thông nhanh chóng giữa các khu công nghiệp của hai địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Tây Ninh đặt trọng tâm phát triển vào ba lĩnh vực chính: công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch. Trong đó, công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất linh kiện điện tử, dệt may và năng lượng tái tạo là những ngành mũi nhọn. Trong khi đó, nông nghiệp công nghệ cao tập trung vào cây trồng xuất khẩu như cao su, lúa chất lượng cao và trái cây đặc sản.

Hiện nay, Long An là một trong những địa phương có tốc độ phát triển khu công nghiệp mạnh nhất cả nước với 37 khu công nghiệp và 62 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 15.000 ha, có sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Còn Tây Ninh có 9 khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.500 ha, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu.

Đồng Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lich-su-sap-nhap-tinh-cua-long-an-va-tay-ninh-381154.html