Lịch sử tỉnh Đồng Nai: Những thay đổi về địa giới hành chính qua từng thời kỳ

Đồng Nai sau mỗi lần thay đổi về địa giới hành chính lại được tiếp thêm động lực và không gian phát triển mới, đến nay đã trở thành một trong những tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước.

Đồng Nai là tỉnh thuộc Miền Đông Nam Bộ nước của Việt Nam, có diện tích 5.903,940 km2, chiếm 1,76% diện tích tự nhiên cả nước và chiếm 25,5% diện tích tự nhiên của vùng Đông Nam Bộ. Dân số Đồng Nai là 3.341.716 người tính đến ngày 1/4/2024 theo kết quả điều tra dân số giữa kỳ năm 2024, đứng thứ 5 cả nước.

Tỉnh có 11 đơn vị hành chính trực thuộc gồm: Thành phố Biên Hòa - trung tâm chính trị kinh tế văn hóa của tỉnh; Thành phố Long Khánh và 9 huyện: Long Thành; Nhơn Trạch; Trảng Bom; Thống Nhất; Cẩm Mỹ; Vĩnh Cửu; Xuân Lộc; Định Quán; Tân Phú.

Về vị trí địa lý, Đồng Nai là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có vị trí địa lý khá thuận lợi khi phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận; phía Đông Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng; phía Tây Bắc giáp tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước; phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; phía Tây giáp thành phố Hồ Chí Minh.

Là một tỉnh có hệ thống giao thông thuận tiện với nhiều tuyến đường huyết mạch quốc gia đi qua như quốc lộ 1A, quốc lộ 20, quốc lộ 51; tuyến đường sắt Bắc-Nam; gần cảng Sài Gòn, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế trong vùng cũng như giao thương với cả nước đồng thời có vai trò gắn kết vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên.

 Tỉnh Đồng Nai có mạng lưới giao thông quốc gia, hệ thống đường kết nối liên tỉnh, liên huyện thuận tiện cho phát triển các khu công nghiệp. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Tỉnh Đồng Nai có mạng lưới giao thông quốc gia, hệ thống đường kết nối liên tỉnh, liên huyện thuận tiện cho phát triển các khu công nghiệp. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Lịch sử vùng đất Đồng Nai-Biên Hòa qua từng giai đoạn lịch sử đất nước

Trước năm 1975

Từ trước khi có dấu chân người Việt thì tại đây đã trải qua nhiều biến cố lịch sử gắn liền với các vương quốc Phù Nam và Chân Lạp. Tới khoảng thế kỷ XVII, do chính sách mở rộng lãnh thổ về phía Nam của chúa Nguyễn, đã bắt đầu có những đợt di dân người Việt tới đây.

Năm 1698 được coi là dấu mốc quan trọng khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh (còn có tên Nguyễn Hữu Kính) được chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào kinh lược xứ Đàng Trong đã thành lập dinh Trấn Biên, tiền thân của tỉnh Biên Hòa sau này.

Năm Gia Long thứ 7 (1808), dinh Trấn Biên được đổi thành trấn Biên Hòa, huyện Phước Long thuộc dinh Trấn Biên được nâng lên thành phủ Phước Long, các tổng được nâng lên thành huyện. Trấn Biên Hòa (gồm 1 phủ Phước Long) là một trong 5 trấn dưới thời Gia Long, thuộc Gia Định thành.

Trấn Biên Hòa (1808-1832) hay tỉnh Biên Hòa (1832-1861) có địa giới hành chính rộng lớn, bao gồm vùng đất các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương và một phần của Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, với tổng diện tích lên đến trên 17.000 km².

Vào thời nhà Nguyễn, ban đầu tỉnh Biên Hòa có 2 phủ Phước Long và Phước Tuy. Đến năm 1840 đặt thêm 4 phủ: Tân Định, Tân Bình, Tân Lợi, Tân Thuận và nhiều huyện.

Theo Hiệp ước Nhâm Tuất năm 1862, Biên Hòa bị cắt nhượng cho Pháp cùng với Gia Định và Định Tường.

Vào thời Pháp thuộc, năm 1876, tỉnh Biên Hòa bị Pháp giải thể và trở thành 3 tiểu khu: Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Bà Rịa. Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương, đổi tên tất cả các tiểu khu thành tỉnh. Thời kỳ này, địa giới tỉnh Biên Hòa bao gồm tỉnh Đồng Nai, một phần các tỉnh Bình Phước và Bình Dương hiện tại. Năm 1939, tỉnh Biên Hòa có 5 quận: Châu Thành, Long Thành, Xuân Lộc, Tân Uyên, Núi Bà Rá.

Từ sau cách mạng tháng tám năm 1945 đến năm 1975

Sáng ngày 27/ 8/ 1945, tại Quảng trường Sông Phố, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức. Gần một vạn người từ các nơi kéo về đây trong không khí phấn khởi trào dâng của thắng lợi cách mạng, với cờ hoa, biễu ngữ hào hùng, đầy khí thế hòa chung với niềm vui của nhân dân cả nước. Vùng đất Biên Hòa như được hồi sinh sau 80 năm dài sống trong nô lệ, xiềng xích của chế độ thực dân phong kiến.

Sau thắng lợi của cách mạng tháng tám năm 1945, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được thành lập, chia cả nước làm 3 kỳ là Bắc Bộ, Nam Bộ và Trung Bộ. Để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử, chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh ký sắc lệnh xác định rõ ngày tổng tuyển cử, số đại biểu Quốc hội, đơn vị tuyển cử. Theo đó, Nam Bộ gồm 20 tỉnh và 1 thành phố, trong đó có tỉnh Biên Hòa.

Ngày 22/10/1956, Ngô Đình Diệm ra Sắc lệnh 143-NV chia tỉnh Biên Hòa thành 3 tỉnh gồm Biên Hòa, Long Khánh, Phước Long (có thêm phần đất của tỉnh Thủ Dầu Một).

Ngày 23/1/1959, tách một phần đất quận Tân Uyên, cùng phần đất của các tỉnh khác lập tỉnh Phước Thành. Khi đó tỉnh Biên Hòa phía bắc giáp tỉnh Phước Thành, phía đông giáp tỉnh Long Khánh, phía đông nam giáp tỉnh Phước Tuy, phía tây và tây nam giáp hai tỉnh Bình Dương và Gia Định.

 Quân giải phóng tiến vào Tòa hành chính tỉnh Biên Hòa tháng 4 năm 1975. Ảnh tư liệu

Quân giải phóng tiến vào Tòa hành chính tỉnh Biên Hòa tháng 4 năm 1975. Ảnh tư liệu

Sau năm 1975

Tháng 4/1975 ghi mãi dấu ấn tinh thần kiên cường của quần chúng cách mạng ở Đồng Nai. Kết hợp với đấu tranh vũ trang, nhân dân đã đấu tranh chính trị, bình vận và chớp lấy thời cơ, vùng lên làm chủ, giải phóng xã, ấp. Sau 21 năm kháng chiến, nhân dân Đồng Nai vui mừng trong ngày đất nước được thống nhất, cùng bắt tay xây dựng xã hội mới.

Tháng 2/1976, tỉnh Biên Hòa được sáp nhập với Bà Rịa và Long Khánh thành tỉnh Đồng Nai mới, tỉnh lỵ đặt tại thành phố Biên Hòa.

Năm 1978, chuyển huyện Duyên Hải về Thành phố Hồ Chí Minh và sáp nhập xã Hố Nai 1, Hố Nai 2 vào thành phố Biên Hòa.

Tuy nhiên, đến năm 1991, địa bàn tỉnh Phước Tuy cũ lại được tách ra để tái lập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Hiện nay, địa danh Biên Hòa dùng để chỉ thành phố Biên Hòa, đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Đồng Nai và là tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Nai.

 Nhân dân vui mừng sau khi Biên Hòa hoàn toàn giải phóng năm 1975. Ảnh: tư liệu

Nhân dân vui mừng sau khi Biên Hòa hoàn toàn giải phóng năm 1975. Ảnh: tư liệu

Năm 2003, theo Nghị định số 97/2003/NĐ-CP của Chính phủ, thành lập thị xã Long Khánh và các phường, xã trực thuộc; thành lập các huyện Cẩm Mỹ, Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Từ ngày 21/8/2003, thị xã Long Khánh chính thức được thành lập theo Nghị định 97 của Thủ tướng Chính phủ với 15 đơn vị hành chính.

Năm 2015, theo Quyết định số 2488/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công nhận thành phố Biên Hòa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đồng Nai.

Năm 2016, Thị xã Long Khánh được công nhận là đô thị loại III, tiền đề để Long Khánh tiếp tục tăng tốc phát triển. Năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Long Khánh là thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Nai từ ngày 1/6/2019.

Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định hợp nhất tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước, lấy tên là tỉnh Đồng Nai, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai hiện nay.

 Cách Thành phố Hồ Chí Minh chỉ hơn 100 km, khu du lịch Suối Mơ (xã Trà Cổ, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) nằm ở vùng giáp ranh Đông Nam Bộ với Tây Nguyên. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Cách Thành phố Hồ Chí Minh chỉ hơn 100 km, khu du lịch Suối Mơ (xã Trà Cổ, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) nằm ở vùng giáp ranh Đông Nam Bộ với Tây Nguyên. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Đồng Nai - Vươn mình đứng đầu cả nước về số lượng khu công nghiệp

Đồng Nai là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng khu công nghiệp. Theo thống kê đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 33 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích hơn 10.514ha. Các khu công nghiệp của tỉnh thu hút 44 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với hơn 2.100 dự án.

Tỉnh này cũng đã khởi công Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành hơn 6.000 tỷ đồng và được chấp thuận đầu tư thêm Khu công nghiệp Long Đức 3 với tổng vốn 1.800 tỷ đồng. Đây là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi khi liền kề Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp giáp khu vực Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên. Tỉnh sở hữu hệ thống hạ tầng cơ sở toàn diện, từ mạng lưới giao thông quốc gia đến hệ thống đường kết nối liên tỉnh, liên huyện...

 Dự án khu đô thị Hiệp Hòa nằm ở vị trí đắc địa, tiếp giáp sông Đồng Nai. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Dự án khu đô thị Hiệp Hòa nằm ở vị trí đắc địa, tiếp giáp sông Đồng Nai. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Tháng 3/2025, Đồng Nai nằm trong danh sách các tỉnh được đề xuất sáp nhập theo tiêu chí mới. Theo đó, Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính đề xuất 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc diện sắp xếp; 11 đơn vị không thuộc diện sắp xếp, bám sát 6 tiêu chí đã được Bộ Chính trị xem xét, thống nhất./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lich-su-tinh-dong-nai-nhung-thay-doi-ve-dia-gioi-hanh-chinh-qua-tung-thoi-ky-post1022781.vnp