Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 1)

Trân trọng giới thiệu sách 'Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Bìa sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)”

Bìa sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)”

Kỳ 1:
PHẦN I: THỜI KÌ TIỀN SỬ

CHUƠNG I: XÃ HỘI NGUYÊN THỦY

I: Việt Nam-một trong những cái nôi sinh ra loài người

Giống như lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam cũng bất đầu từ xã hội nguyên thủy (tiền sử-Lịch sử đầu tiên). Theo qui luật chung, xã hội nguyên thủy là hình thái kinh tế xã hội buộc tất cả các dân tộc, các quốc gia lớn, nhỏ trên thế giới phải đi qua. Xã hội nguyên thủy Việt Nam trải qua hàng chục vạn năm, là quảng thời gian cần thiết cho một loài vượn đặc biệt ở Đông Nam châu Á chuyển biến thành Vượn -Người. Rồi từ Vượn-Người tiến hóa lên Người-Vượn (yếu tố người đã nhiều hơn). Người -Vượn phát triển thành người Nê-Ang-đéc tan (người Tinh khôn) và cuối cùng thành Người-Hiện -Đại (Hô-Mô-Sa-Piêng). Quá trình tiến hóa từ vượn thành người đã hoàn thành sau một thời gian dài gần triệu năm.

Dấu vết của sự tiến hóa từ vượn thành người ở Việt Nam còn tìm thấy nhờ khảo cổ học, một bộ môn tìm đọc lịch sử bằng hiện vật dưới lòng đất. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy răng Người Vượn ở Lạng Sơn, hang Thẩm ồm (Nghệ An). Khi còn là Vượn thì tổ tiên của loài người sống thành từng bầy. Cho nên sau khi tiến hóa thành người hiện đại (Hômôsapiêng) con người vẫn sống theo bầy. Một bầy người khoảng từ 10, 20 đến 30 người. Đời sống của họ hết sức thấp kém. Họ cư trú trong các hang động, chưa có quần áo, kiếm ăn chủ yếu bằng phương thức hái lượm, thu nhặt. Hôn nhân được tiến hành ngay trong bầy với nhau (tạp hôn), công cụ lao động bằng đá không được chế tác cho đúng với hình dáng và chức năng của công cụ (thời đại đồ đá cũ). Hình dạng hòn đá như thế nào thì họ cầm lên sử dụng như vậy. Ở giai đoạn bầy người chưa có văn hóa, chưa có phong tục, tập quán, chưa có tôn giáo. Bầy người sống dựa vào hang đá, lùm cây, đi dọc bờ suối, bờ sông tìm kiếm thức ăn bằng cách hái lượm và săn bắt.

Di chỉ khảo cổ học minh chứng cho thời đại đồ đá cũ là Núi Đọ (Thiệu Hóa -Thanh Hóa). Thời kỳ bầy người, xã hội loài người chưa hình thành một cách hoàn chỉnh mà đang trên đường manh nha những nhân tố của nó. Xã hội là sự tổng hòa các mối quan hệ (Các Mác). Ở cộng đồng bầy người các mối quan hệ chưa nhiều và còn lỏng lẻo. Di tích núi Đọ là thuộc thời kỳ tổ chức xã hội đang hình thành, cách ngày nay hàng mấy chục vạn năm .

Sau thời gian hàng mấy chục vạn năm tiến hóa, người nguyên thủy Việt Nam bước sang một cộng đồng mới cao hơn: thời kỳ Công xã thị tộc. Cơ sở của Công xã thị tộc là dựa trên quan hệ cùng huyết thống, máu mủ ruột rà. Thị tộc đầu tiên là thị tộc mẫu quyền (mẫu hệ). Gọi là thị tộc mẫu quyền vì người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hái lượm nên họ giữ vai trò điều hành thị tộc: phân công lao động, phân phối thức ăn. Gọi là chế độ mẫu hệ vì hôn nhân theo chế độ ngoại tộc hôn với hình thức tạp hôn, cùng thị tộc là anh em nên không được hôn nhân với nhau, tập thể nữ của thị tộc này phải hôn nhân với tập thể nam thị tộc kia và ngược lại. Cách thức hôn nhân này làm cho con chỉ biết có mẹ nên phải mang họ của thị tộc mẹ (mẫu hệ). Thời kỳ thị tộc mẫu quyền xã hội loài người đã hình thành, xuất hiện nền văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo với hình thức Tô tem giáo, Bái vật giáo (Vạn vật hữu linh-cho rằng sinh vật và động vật tất cả đều có linh hồn). Con người tìm ra lửa. Lửa làm cho chất lượng cuộc sống con người thay đổi, con người được sưởi ấm, ăn chín uống sôi, thúc đẩy thêm sự tiến hóa của con người về trí tuệ và thể lực. Việc tìm ra lửa là cuộc cách mạng đầu tiên trong cuộc sống con người nguyên thủy. Công cụ sử dụng trong thời kỳ mẫu hệ thuộc thời đại đồ đá giữa (đá được chế tác) và đồ đá mới (đá được chế tác tinh xảo). Di chỉ công cụ của thời kỳ thị tộc mẫu hệ được các nhà khảo cổ học phát hiện ở Hang Hùm (Yên Bái), hang Thung Lang (Ninh Bình). Qua hiện vật ở các di chỉ đã tìm thấy dấu tích con người cùng những động vật cổ hóa thạch. Chứng cớ lịch sử này còn tìm thấy ở di chỉ Bầu Tró (Đồng Hơí́-Quảng Bình) và được phân bố khắp ba miền Bắc-Trung-Nam của đất nước. Có thể thấy công xã thị tộc mẫu hệ Việt Nam có trình độ kinh tế phát triển cao. Con người đã biết nghề nông nghiệp, nghề chăn nuôi, nghề thủ công nghiệp. Ra đời nghề dệt vải, làm đồ gốm, chế tác công cụ sản xuất như rìu, cuốc (Văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn). Người nguyên thủy Việt Nam còn biết nghề đánh cá (Văn hóa Quỳnh Văn-Quỳnh Lưu-Nghệ An). Chủ nhân các nền văn hóa trên đã biết nuôi chó, trồng các cây ăn quả, cây có củ, rau, đậu, dưa. “Việt Nam và Đông Nam Á nói chung là trung tâm phát triển cây trồng của thế giới”. Như vậy thời kỳ thị tộc mẫu hệ, cư dân cổ Việt Nam đã có mặt hầu khắp các địa bàn miền núi, đồng bằng và miền duyên hải. Công xã thị tộc mẫu hệ là đỉnh cao của xã hội nguyên thủy. Thời kỳ này cách ngày nay khoảng 3- 4 vạn năm.

Bên cạnh thị tộc, trong thời kỳ này còn có cộng đồng người liên kết rộng rãi hơn: Bộ lạc. Bộ lạc là sự liên minh giữa hai hay nhiều Thị tộc sống gần gũi nhau, có quan hệ giao lưu mật thiết với nhau trên nhiều lĩnh vực hôn nhân, kinh tế, gần nhau về địa bàn cư trú. Đứng đầu Bộ lạc là Tù trưởng do những thành viên Bộ lạc bầu nên một cách dân chủ.

Giai đoạn cuối cùng của xã hội nguyên thủy Việt Nam là cộng đồng thị tộc Phụ quyền (Phụ hệ). Thời kỳ này kinh tế phát triển, các ngành nghề mới ra đời và được đẩy mạnh, đàn ông đóng vai trò chính trong sản xuất nên nắm vai trò điều hành thị tộc-phụ quyền. Trong thị tộc đã hình thành những gia đình lớn nhiều vợ, nhiều chồng chung nhau, con sinh ra đã biết mặt cha nên con phải mang họ của thị tộc cha-phụ hệ. Thời kỳ này cách ngày nay khoảng 4000 năm. Công cụ sản xuất phát triển mạnh mẽ và phong phú. Ngoài đồ đá mới, cư dân Việt Nam còn có công cụ bằng đồng và bằng sắt, chế tạo cung tên (súng của thời kỳ nguyên thủy và cả của thời kỳ xã hội nô lệ và phong kiến). Sự phát triển của công cụ sản xuất làm cho năng suất lao động nâng cao, sản phẩm dư thừa. Trong hoàn cảnh đó chỉ cần một người đàn ông và một người đàn bà sống với nhau vẫn có thể lao động dư thừa. Xã hội xuất hiện gia đình một chồng một vợ. Các gia đình chiếm đoạt tư liệu sản xuất, ruộng đất của Công xã thị tộc làm của riêng. Xã hội xuất hiện chế độ tư hữu. Chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất làm cho xã hội xuất hiện giàu nghèo: xuất hiện giai cấp. Chế độ tư hữu và giai cấp làm cho xã hội cộng sản nguyên thủy tan rã, loài người bước vào xã hội có giai cấp đầu tiên là xã hội chiếm hữu nô lệ. Theo cách nói của F. AngGhen thì người Việt Nam đã từ thời đại dã man (Nguyên thủy) bước sang thời đại văn minh (xã hội có giai cấp, có nhà nước). Các di chỉ khảo cổ học ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ tương ứng với thời kỳ này là Phùng Nguyên (đầu thời đại đồng thau), Đồng Đậu (giữa thời đại đồng thau), Gò Mun (thời đại đồng thau phát đạt), Đông Sơn (Thanh Hóa) cuối thời đại đồng thau và buớc sang thời đại đồ sắt .

Cũng như lịch sử thế giới, xã hội cộng sản nguyên thủy chiếm một thời gian dài nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây là thời kỳ thơ ấu của dân tộc cho nên là thời kỳ đặt nền tảng cho toàn bộ tính cách, truyền thống, văn hóa nông nghiệp, làng xã của con người Việt Nam. Trên cơ sở vững chắc đó dân tộc ta bước vào xã hội văn minh với biết bao thử thách hiểm nghèo qua các thời đại mà vẫn vững vàng tồn tại chiến thắng và phát triển.

(Còn nữa)

CVL

.

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-1-a17056.html