Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 39)
Trân trọng giới thiệu sách 'Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.
Kỳ 39.
Vào những năm 30 thế kỷ XX, tại Pháp, Đảng cộng sản làm nòng cốt đoàn kết các lược lượng dân chủ, thành lập Mặt trận bình dân, đập tan âm mưu nắm chính quyền của tổ chức phát xít Pháp “Chữ thập lửa”. Năm 1936 Mặt trận bình dân Pháp thắng cử trong cuộc bầu cử Nghị viện và lên nắm chính quyền, thành lập chính phủ Mặt trận bình dân do Lêông Blum đứng đầu. Chính phủ Mặt trận bình dân đã thi hành nhiều chính sách tự do, dân chủ. Chính sách này phần nào được áp dụng ở các thuộc địa Pháp. Tình hình chính quốc có ảnh hưởng lớn đến các thuộc địa. Đông Dương trong hoàn cảnh bị đàn áp khủng bố sau cao trào 1930-1931 rất cần thiết đấu tranh đòi quyền dân chủ, mục tiêu này phù hợp với hoàn cảnh nước Pháp và thế giới.
Mặt trận Dân chủ Đông Dương và phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ. Ảnh: Cuộc mít tinh ở khu Đấu xảo (Hà Nội)
Tháng 7 năm 1936, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Hồng Phong chủ trì họp tại Thượng Hải (Trung Quốc) đề ra đường lối và phương pháp đấu tranh trong tình hình mới. Hội nghị nhận định kẻ thù cụ thể trước mắt của nhân dân Đông Dương không phải là thực dân Pháp nói chung mà là thực dân phản động không chịu thi hành chủ trương chính sách của Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp được áp dụng ở Đông Dương. Đảng nhìn thấy nguy cơ Nhật xâm lược Trung Quốc, đe dọa an ninh của toàn châu Á, trong đó có Đông Dương. Đảng chủ trương thành lập “Mặt trận dân chủ Đông Dương” đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và phản động thuộc địa, giành quyền dân chủ, cải thiện dân sinh, góp phần chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ hòa bình thế giới. Để phục vụ cho đường lối chính trị trên và động viên nhân dân tham gia đấu tranh, Đảng đưa ra khẩu hiệu "Đánh đổ bọn phản động thuộc địa”, "Tự do cơm áo, hòa bình”, tạm gác khẩu hiệu “Đánh đổ đế quốc Pháp”, "Tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày”, "Đông Dương hoàn toàn độc lập”. Đây không phải là từ bỏ nhiệm vụ chống đế quốc, chống phong kiến, đây chỉ là sự thay đổi về sách lược trong một thời kỳ nhất định. Sách lược này này nhằm đoàn kết tất cả các lược luợng có thể đoàn kết được, cô lập cao độ kẻ thù chính trước mắt để đánh đổ chúng. Về hình thức và phương pháp đấu tranh, Đảng chủ trương lợi dụng khả năng hợp pháp, nửa hợp pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức, giáo dục quần chúng để mở rộng phong trào, chủ trương đưa quần chúng đấu tranh từ thấp lên cao, từ chưa giác ngộ đến giác ngộ chính trị, giành quyền dân chủ theo mục tiêu đã đề ra.
Giữa năm 1936, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào phát triển mạnh mẽ. Trước hết là phong trào “Đông Dương đại hội”, quần chúng đưa yêu sách, đưa nguyện vọng đòi chính phủ Mặt trận bình dân pháp thực thi các quyền tự do, dân chủ ở thuộc địa, đòi thả hết tù chính trị, thi hành luật lao động, cải thiện đời sống nhân dân. Tiếp đó là phong trào xuất bản báo chí công khai. Các tờ “Tiền phong”, “Dân chúng”, “Lao động”, “Thời thế”, “Bạn dân”, “Nhành lúa”, “Tiếng nói chúng ta”, “Tập hợp”, “Tiến lên”, “Tin tức”, “Lời thề”. Trong đó có nhiều tờ báo của Đảng, của Mặt trận dân chủ Đông Dương, của những nhóm trí thức tiến bộ. Ngoài báo chí, còn xuất bản sách giới thiệu kiến thức về Đảng, về chủ nghĩa Mác-Lê nin, trong đó cuốn “Vấn đề dân cày” của Qua Ninh-Vân Đình được giới thiệu rộng rãi. Trong thời kỳ này, dòng văn học lãng mạn bị phân hóa, văn học hiện thực, văn học cách mạng phát triển mạnh mẽ. Ngoài hai phong trào trên còn phong trào đấu tranh nghị trường, vận động đưa người của Đảng, của Mặt trận dân chủ vào các “Hội đồng quản hạt Nam kỳ”, “Viện dân biểu Bắc kỳ”, “Đại hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương”. Mặt trận dân chủ Đông Dương sử dụng những diễn đàn này tố cáo chính sách phản động của chính quyền thuộc địa, hạn chế tác hại của chúng, bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao động. Mặt trận dân chủ Đông Dương đã giành được những thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Hội đồng dân biểu Bắc Kỳ năm 1938, trong cuộc bầu cử Hội đồng dân biểu Trung Kỳ và bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Mặt trận tăng cường đoàn kết công nông với các tầng lớp khác. Phong trào bãi khóa, mít tinh, bãi công diễn ra khắp nước. Từ tháng 1 đến tháng 11 năm 1938 bùng nổ 135 cuộc bãi công của công nhân và 125 cuộc đấu tranh của nông dân. Chủ tư bản nhà máy sợi, nhà máy rượu Nam Định phải tăng lương cho công nhân. Lần đầu tiên ngày 1 thánh 5 năm 1938 được công nhân Việt Nam kỷ niệm khắp nơi với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, dương cao khẩu hiệu đòi tự do nghiệp đoàn, lập hội ái hữu, đòi triệt để thi hành luật lao động, đòi tăng lương, giảm sưu, thuế, chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ hòa bình, ủng hộ Liên Xô, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Trung Quốc chống phát xít Nhật xâm lược, ủng hộ nhân dân Tây Ban Nha chống phát xít Phơ răng cô, chống phát xít Đức, Italia. 25.000 người mít tinh tại nhà Đấu Xảo (nay là Cung văn hóa công nhân) với khẩu hiệu “Đi tới Mặt trận dân chủ Đông Dương”, “Ủng hộ Mặt trận bình dân Pháp ”, “Tự do nghiệp đoàn”, “Trường học cho mọi người”, “Chống nạn thất nghiệp”, “Chống phát xít”, “Chống chiến tranh”, “Chống giá cả sinh hoạt đắt đỏ”. Tất cả đều nói lên tiếng nói đoàn kết với Mặt trận dân chủ Đông Dương.
Vào năm 1938, tình hình thế giới ngày càng xấu đi. Chính phủ Pháp ngày càng thiên về xu hướng phản động. Tháng 3 năm 1939, Đảng chỉ thị bộ phận công khai phải rút vào bí mật. Thời kỳ Mặt trận dân chủ đông Dương kết thúc. Cao trào cách mạng 1936-1939 để lại nhiều bài học kinh nghiệm. Ở một nước thuộc địa phải lợi dụng khả năng hợp pháp để động viên, tổ chức quần chúng đấu tranh, kết hợp đấu tranh hợp pháp với nửa hơp pháp, kết hợp đấu tranh bí mật với đấu tranh công khai. Muốn xây dựng Mặt trận đoàn kết dân tộc thống nhất vững mạnh phải dựa trên nền tảng công-nông liên minh. Kinh nghiệm xác định kẻ thù cụ thể trước mắt nhằm phân hóa cô lập, đấu tranh đánh đổ chúng. Với tất cả ý nghĩa và bài học kinh nghiệm đó, cao trào cách mạng 1936-1939 là cuộc tổng diễn tập thứ hai cho cách mạng tháng Tám.
(Còn nữa)
CVL
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-39-a17492.html