Liên đoàn Phật giáo cứu quốc Nam bộ

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Cùng với niềm vui của cả nước, Mặt trận Việt Minh thành lập các đoàn thể tôn giáo, phụ lão, thanh niên, phụ nữ, nhi đồng, công nhân… hoạt động xung quanh chính quyền

LIÊN ĐOÀN PHẬT GIÁO CỨU QUỐC NAM BỘ

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Cùng với niềm vui của cả nước, Mặt trận Việt Minh thành lập các đoàn thể tôn giáo, phụ lão, thanh niên, phụ nữ, nhi đồng, công nhân… hoạt động xung quanh chính quyền. Ở miền Nam, thành phố Sài Gòn đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh. Khu vực trung tâm thành phố giữ độc lập được 21 ngày, các tỉnh lỵ khác có nơi giữ được 100 ngày, có nơi giữ được 150 ngày.

Sau đó liên quân Pháp – Anh trở lại tái chiếm Nam Bộ. Các Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Hành chính đổi tên thành Ủy ban Kháng chiến – Hành chánh rồi rút vào bưng biền hoạt động.

Ở Nam Bộ lúc bấy giờ từ cấp xã, quận, tỉnh đều có hội đoàn Phật giáo, đa số tập trung ở nông thôn. Trước tình hình nói trên, các hội đoàn Phật giáo này đều đổi tên thành Hội đoàn Phật giáo cứu quốc cho phù hợp.

1. Thành lập Liên đoàn Phật giáo cứu quốc Nam Bộ

Đến đầu năm 1947, Hòa thượng Pháp Long (trụ trì chùa Tiên Châu ở Vĩnh Long, ở tù Khám Lớn 1940 – 1945) và cư sĩ Lê Hoằng Minh (ở Gò Công) thỉnh sư Tam Không (tức Hòa thượng Thích Minh Nguyệt) ra chiến khu. Lúc bấy giờ có một bài thơ kêu gọi Tăng, Ni tòng quân cứu nước:

Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi,

Xếp áo nâu sòng, mặc chiến y

Quốc biến thất phu thân hữu trách,

Ra đi cứu khổ hỡi Tăng Ni.

Bài thơ này được chỉnh sửa làm bài thơ xướng, gởi đến các chùa chiền với giọng điệu rất hăng hái:

Xếp áo từ bi, mặc chiến bào,

Đạo đời hai ngả, khác gì nhau,

Mõ chuông gác lại, trừ hung bạo,

Chuỗi hột Bồ đề chống súng dao.

Hưởng ứng bài thơ này, nhiều Tăng Ni, cư sĩ trẻ đã xếp áo cà sa, hăng hái lên đường tòng quân cứu nước. Nhưng cũng có một số Tăng, Ni tự hỏi: “Áo cà sa tượng trưng cho lòng từ bi thì tại sao phải xếp lại?”. Thế nên vẫn có nhiều Tăng, Ni ở lại hậu phương vận động tài lực, vật lực chống 3 thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc xâm lăng. Nên có bài thơ họa lại:

Mặc áo từ bi, khoác chiến bào,

Đạo đời là một, khác gì nhau

Mõ chuông tụng niệm trừ hung bạo

Chuỗi hột Bồ đề chống súng dao.

Đến đầu năm 1949, để chuẩn bị cho lệnh tổng phản công, diễn ra Đại hội thành lập Liên đoàn Phật giáo cứu quốc Nam Bộ tại chùa Ô Môi (chùa Thanh Long) tại xã Mỹ Quý, Cao Lãnh. Ban chấp hành Lâm thời Liên đoàn Phật giáo cứu quốc Nam Bộ gồm có:

– Chánh Hội trưởng: sư Tam Không (tức Hòa thượng Thích Minh Nguyệt);

– Phó Hội trưởng: Hòa thượng Thích Huệ Thành (Biên Hòa), ông Cò Minh Hải (cư sĩ Bạch Liên);

– Tổng Thư ký: ông Đào Không Không (bí danh);

– Ủy viên Tuyên huấn: cư sĩ Lê Hoằng Minh (Gò Công);

– Ủy viên Thủ quỹ: Thượng tọa Bửu Thiện;

– Ủy viên Xã hội: cư sĩ Thiện Sĩ (Cai Lậy);

– Ủy viện Kiểm soát: cư sĩ Huệ Phương; Hòa thượng Thích Pháp Tràng (Cai Lậy);

– Ủy viên Liên lạc: cư sĩ Thiện Lý.

– Đại diện 21 tỉnh: tỉnh Gia Định (Hòa Thích Pháp Dõng, hy sinh 1949), tỉnh Thủ Dầu Một (Hòa Thích Minh Tịnh); tỉnh Chợ Lớn (Hòa Thích Bửu Ý); tỉnh Vĩnh Long (Hòa Thích Pháp Long, gốc người Hóc Môn, tù Khám Lớn 1940 – 1945); tỉnh Gò Công (Hòa thượng Thích Pháp Hoa, hy sinh cuối năm 1949); tỉnh Mỹ Tho (Hòa thượng Thích Tứ Long ở chùa Vĩnh Tràng và Ni sư Thích Nữ Hồng Quang làm Thư ký, mất năm 1949)…

2. Báo Tinh Tấn

Liên đoàn Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ xuất bản tờ Tinh Tấn với các chức danh: Chủ nhiệm là sư Tam Không, chủ bút là giáo sư Lê Văn Đông tức Trọng Thư La Kim Trọng. Ban biên tập đặt tại chùa Ô Môi (xã Mỹ Quý, Cao Lãnh), in tại nhà in Trí Thiền – Nguyễn Văn Đồng, bên cạnh Tổ đình Bửu Lâm (chùa Tổ Cái Bèo), xã Bình Hàng Trung, Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Tờ Tinh Tấn là tờ tin tức thời sự, trong đó có tin tức thời sự Phật giáo, đặc biệt có sư Tâm Trí (Trương Văn Tự) viết bài nhắc lại việc chấn hưng Phật giáo trước đó. Cư sĩ Bạch Liên viết bài về giáo lý căn bản Phật giáo. Ngoài ra còn có các cây bút như: Lam Giang, Duyên Giác, Giác Ngộ…

Sư Tam Không là nhà thơ từng viết bài Cách mạng tháng Tám, Mấy lời tâm huyết:

Hỡi Tăng già, nung sôi bầu nhiệt huyết

Lòng lợi tha đâu tiếc chí hy sinh

Phải xả thân vì công lý, hòa bình,

Là hạnh nguyện, là từ bi, là cứu khổ…

Hòa thượng Quảng Ân, chùa Linh Phước (Mỹ Tho) nhận xét: “Sau khi đọc Mấy lời tâm huyết, tôi thiết tưởng nó là một hồi chuông cảnh tỉnh Phật giáo đồ thực hành ngay bản nguyện “lợi sanh” của chư Phật. Sứ mạng của Tăng già trong giai đoạn này là diệt trừ bọn tàn ác xâm lăng, đem lại hòa bình, tự do cho dân tộc. Tôi mong sao bài thơ này đủ hiệu lực rền vang cùng chuông khánh mõ kinh mà phấn khởi tất cả Tăng Ni đang ẩn khuất trong chốn thị thành đứng lên kháng chiến” .

Quân viễn chinh Pháp liên kết với liên quân Anh – Ấn đánh vào căn cứ kháng chiến. Hòa thượng Pháp Dõng hy sinh tại An Phú Đông (Gia Định), Hòa thượng Pháp Hoa hy sinh tại Gò Công. Căn cứ Tháp Mười bị địch tấn công nhiều phía. Đến cuối năm 1949, từ hướng Cao Lãnh, Pháp đánh vào Cái Bèo, chùa Tổ và chùa Ô Môi bị hư hại nặng. Yết Ma Linh Chiểu – Gia Định (?) và Giáo thọ Ánh (chùa Giác Viên/chùa Đức Lâm, Chợ Lớn) hy sinh ở Tháp Mười vào khoảng năm 1951. Nhiều học Tăng “cởi áo cà sa khoác chiến bào” hy sinh hoặc bị bắt tù đày.

Cuộc chiến đấu ác liệt. Đến khoảng giữa năm 1951, Mặt trận Việt Minh đổi tên thành Mặt trận Liên Việt. Các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh phải chuyển hướng hoạt động. Thế nên, Liên đoàn Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ phải tuyên bố giải tán, chỉ để lại hai đại diện trong Mặt trận Liên Việt.

* * *

Như vậy, Liên đoàn Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ là một tổ chức Phật giáo thành lập sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, có nhiệm vụ vận động nhân lực, tài lực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp. Các hoạt động thường xuyên của Liên đoàn là tham gia phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ, vận động lạc quyên cứu tế đồng bào bị nạn chiến tranh. Đặc biệt là các cuộc vận động quyên góp đồng sắt phế liệu cho cho công binh xưởng và quyên góp nhu yếu phẩm cho bộ đội và nuôi dưỡng con em tử sĩ.

TRƯƠNG NGỌC TƯỜNG

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lược sử đấu tranh của Phật giáo Nam Kỳ

2. Biên niên sử Phật giáo Sài Gòn – Gia Định – TP.HCM (1600 – 1992), Huỳnh Ngọc Trảng chủ biên, Nxb TP.HCM, 1992.

3. Tinh Tấn, năm thứ 1 (1949), số 2 (Đặc san kỷ niệm Phật đản); số 3 (Đặc san kỷ niệm quốc khánh).

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phat-giao-cuu-quoc-nam-bo-1.html