Liên hoan ban nhạc toàn quốc 2024: 'Sân chơi' chuyên nghiệp cho các ban nhạc Việt
Diễn ra từ ngày 31/10 đến ngày 2/11 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao, thị xã Sơn Tây (Hà Nội), 'Liên hoan ban nhạc toàn quốc 2024' lần đầu tiên quy tụ các nhóm nhạc chuyên nghiệp và không chuyên trên khắp cả nước. Hy vọng đây sẽ là 'sân chơi' mới, chuyên nghiệp và đầy sức hấp dẫn cho các ban nhạc.
Sự kiện âm nhạc ý nghĩa
"Liên hoan ban nhạc Toàn quốc 2024" do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Hội Âm nhạc Hà Nội và UBND thị xã Sơn Tây tổ chức. Đây là sự kiện âm nhạc ý nghĩa trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Tham gia Liên hoan là những tác phẩm có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu, lao động, xây dựng và phát triển. Ưu tiên nội dung gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Theo Ban tổ chức, các đơn vị trình diễn trực tiếp trên sân khấu, nội dung đăng ký tham gia Liên hoan theo hình thức ban, nhóm tập thể. Mỗi ban nhạc không quá 10 người (bao gồm cả ca sĩ) trình diễn 4 tiết mục, trong đó có 2 tiết mục hòa tấu (được sử dụng 1 tác phẩm nước ngoài) và 2 ca khúc (trong đó phải có 1 ca khúc về Hà Nội). Tổng thời gian cho 4 tiết mục của mỗi ban nhạc không quá 22 phút.
Liên hoan chia làm 2 bảng: Bảng A dành cho các ban, nhóm nhạc thuộc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài công lập. Bảng B dành cho các ban, nhóm nhạc không chuyên, các ban, nhóm nhạc tư nhân hoặc thuộc các tổ chức xã hội khác. Với các phong cách trình diễn Pop, Rock, Jazz hoặc thể loại phức hợp mới kết hợp khai thác hiệu ứng công nghệ khác. Các ban nhạc có thể sử dụng chất liệu âm nhạc và nhạc cụ truyền thống để kết hợp cùng các nhạc cụ khác biểu diễn. Ca sĩ có thể là thành viên hoặc cộng tác viên của ban nhạc trong chương trình. "Cầm cân nảy mực" tại Liên hoan là những nhạc sĩ tên tuổi, có nhiều kinh nghiệm ở vị trí giám khảo tại các cuộc thi, liên hoan như NSND Quang Vinh, NSND Phạm Ngọc Khôi, các nhạc sĩ Giáng Son, An Hiếu, Tiến Mạnh…
Ngoài giải Nhất, Nhì, Ba tại mỗi bảng, Ban tổ chức sẽ trao tặng các giải chuyên đề, giải khuyến khích cho tập thể và các cá nhân thành viên ban nhạc có trình độ chuyên môn cao và có kỹ năng biểu diễn xuất sắc. Dự kiến, vào tối 2/11, Ban tổ chức công diễn các tiết mục đặc sắc tại sân khấu chính tại phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Lễ công bố trao giải sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng HTV và các nền tảng mạng xã hội khác như TikTok, YouTube…
Trả lời câu hỏi tại sao Ban tổ chức lại chọn thị xã Sơn Tây là nơi tổ chức "Liên hoan ban nhạc toàn quốc 2024" thay vì các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Nhạc sĩ Giáng Son, Phó giám đốc Trung tâm Âm nhạc trẻ (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) cho biết: Liên hoan lần này là một trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, cũng tròn 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây (1924 - 2024). Vì vậy, thị xã Sơn Tây mong muốn có một hoạt động âm nhạc ý nghĩa, mang đến cho đông đảo quần chúng những chương trình hòa tấu âm nhạc phong phú, đa dạng, có chất lượng nghệ thuật cao nhằm duy trì, phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật trong cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục và lan tỏa hình ảnh về tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam trong thời đại mới. Điều này cũng góp phần mở rộng "không gian âm nhạc" tới nhiều địa phương, thay vì tập trung ở các thành phố lớn như trước đây.
Liên hoan Ban nhạc còn là dịp để các nghệ sĩ đến từ mọi miền đất nước quy tụ gặp gỡ, giao lưu học hỏi, chia sẻ và trao đổi những kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật, nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, tiếp tục tạo ra những sản phẩm nghệ thuật có chất lượng phục vụ xã hội. Từ đây, các nghệ sĩ có cơ hội tỏa sáng và đến gần với công chúng hơn.
Để các ban nhạc Việt đi đường dài…
Theo nhạc sĩ Giáng Son, đến thời điểm này có 12 ban nhạc xác nhận tham gia Liên hoan. Trong đó, có các ban nhạc chuyên nghiệp và không chuyên, đại diện cho các vùng miền trong cả nước cũng như đủ các phong cách âm nhạc: dân gian, Pop, Rock, Jazz… như Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, Trưng Vương band, Viuband, Sandbox, Quân đội 1, Quân đội 2, Nắng mới, Blue more... Tuy nhiên, nhạc sĩ Giáng Son cũng thừa nhận số lượng 12 ban nhạc là ít ỏi trong tình hình đời sống âm nhạc khá sôi động hiện nay.
Nói về nguyên nhân, nhạc sĩ Giáng Son cho biết, Ban tổ chức đã gửi thông tin mời, động viên, khuyến khích tới các đơn vị, các ban, nhóm nhạc tuy nhiên thời điểm này nhiều lễ kỷ niệm các sự kiện quan trọng, nhiều cuộc thi, hoạt động âm nhạc tổ chức nên nhiều ban nhạc không tham gia được. Có ban nhạc vừa tham gia hoặc đang chuẩn bị dự thi cuộc thi, Liên hoan khác nên dù rất muốn cũng không thu xếp được thời gian, không xin được kinh phí. "Thời điểm tổ chức là một vấn đề mà Ban tổ chức sẽ phải tính toán lại ở các kỳ Liên hoan sau" - Nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ.
Sự góp mặt của ban, nhóm nhạc là yếu tố quan trọng làm nên sự sôi động và những giá trị cho đời sống âm nhạc. Đã từng có thời điểm khán giả yêu nhạc chứng kiến "hoàng kim" với sự xuất hiện của nhiều ban nhạc Việt. Nhiều ban nhạc thần tượng để lại dấu ấn trong lòng khán giả như "Bức Tường", "3A", "Ba con mèo", "Tam ca áo trắng", "Con gái", "Mắt ngọc", "365", "Monstar"… Sau này, khi dòng nhạc Indie - xu hướng âm nhạc độc lập phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam - thì những cái tên như "Ngọt", "Cá Hồi Hoang", "Chillies", "Lộn xộn band", "Da Lab"… khiến không ít khán giả trẻ phát cuồng. Tuy nhiên, cùng với thời gian, nhiều ban nhạc Việt tan rã. Mới đây nhất, sự tan rã khiến khán giả tiếc nuối phải kể tới những trường hợp như của "Cá Hồi Hoang", "Ngọt"…
Theo thống kê, tuổi thọ trung bình của nhóm nhạc Việt là khoảng 6 đến 8 năm, trụ được hơn 10 năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân tan rã thì có nhiều. Tuy nhiên, tập trung chủ yếu vào vấn đề tài chính, các thành viên có hướng đi riêng… Các ban nhạc được thành lập khi tuổi đời các thành viên thường khá trẻ. Nhưng bước vào ngưỡng cửa 28 - 30 tuổi, phải đối mặt với nhiều áp lực cuộc sống với những lo lắng riêng khiến cho các thành viên khó có thể toàn tâm, toàn ý với âm nhạc. Tài chính vẫn là một vấn đề mà các nhóm nhạc phải đối mặt. Với đa số thành viên các ban nhạc, họ phải làm thêm những công việc khác nhau để nuôi dưỡng đam mê âm nhạc. "Cái khó bó cái khôn", việc ra sản phẩm mới hay đầu tư cho những dự án mới lại càng khó khăn hơn.
Nhiều ban nhạc Việt ra đời với việc học hỏi theo mô hình Kpop từ chiến lược quảng bá tới đào tạo nhưng rồi cũng "sớm nở tối tàn". Quan trọng nhất vẫn là thiếu cách thức hoạt động phù hợp với thị trường nhạc Việt và thiếu màu sắc riêng biệt. Để hâm nóng hoạt động các ban nhạc, thời gian gần đây, một số gameshow ca nhạc truyền hình như tìm kiếm tài năng Rock Việt (có sự tham gia của 20 ban nhạc) hay cuộc thi "Ban nhạc Việt"... nhưng rồi ngay cả những ban nhạc thành công từ các cuộc thi đó muốn đi đường dài với âm nhạc vẫn là một câu chuyện dài.
Từng là thành viên của một ban nhạc nổi tiếng, "chinh chiến" ở nhiều sân khấu lớn, nhỏ, nhạc sĩ Giáng Son rất chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn mà các ban nhạc trẻ gặp phải. Theo nhạc sĩ Giáng Son, hình thức ban nhạc, nhóm nhạc luôn được các bạn trẻ yêu âm nhạc theo đuổi. Đam mê âm nhạc là điều đầu tiên gắn kết họ với nhau nhưng để chuyên nghiệp còn nhiều yếu tố. Trong đó, vai trò của người quản lý, thủ lĩnh nhóm vô cùng quan trọng. Họ không chỉ cần giỏi chuyên môn mà còn phải biết gắn kết các thành viên với nhau. "Mới đây, tôi là giám khảo cuộc thi Ban nhạc trẻ mà các đối tượng dự thi từ 10 đến 18 - 20 tuổi. Các em đều rất tài năng, mang trong mình niềm đam mê âm nhạc thực sự. Tuy nhiên, phía sau các em đều có sự ủng hộ, hỗ trợ từ phía gia đình".
Rõ ràng, để trụ lại trên thị trường âm nhạc thì ngoài chuyên môn, các ban nhạc cần nhiều yếu tố như sự định hướng, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sự khác biệt, bản sắc riêng. Hy vọng rằng, cùng với ý thức sáng tạo, sự chuyên nghiệp của mỗi cá nhân, ban nhạc thì việc tạo ra những sân chơi thường xuyên, cởi mở như "Liên hoan ban nhạc toàn quốc" sẽ là động lực để có thêm nhiều ban nhạc chất lượng.