Liên hoan truyện tranh quốc tế PICOF: Truyện tranh Việt Nam khởi sắc
Ngày 5 và 6-7-2025, Liên hoan truyện tranh quốc tế Philippine International Comics Festival 2025 (PICOF) sẽ diễn ra tại Philippines - là một liên hoan uy tín, quy tụ hơn 100 họa sĩ, nhà xuất bản và đại diện ngành truyện tranh đến từ khắp Đông Nam Á và thế giới. Công ty sách Du Bút (Việt Nam) sẽ chính thức tham dự.
Khẳng định vị thế
Tại PICOF 2025, ngoài mang theo những ấn phẩm truyện tranh Việt đầy màu sắc để giới thiệu đến bạn bè quốc tế, đại diện của Du Bút còn được mời phát biểu và chia sẻ trong tọa đàm chuyên đề truyện tranh Đông Nam Á. Có thể nói, đây là cột mốc quan trọng đánh dấu hành trình vươn ra thế giới của truyện tranh Việt Nam và cũng là lần tiếp theo Du Bút “xuất ngoại” sau những chuyến đi đến Thái Lan, Malaysia, Pháp trước đây.

Chương trình ra mắt bộ tác phẩm kinh điển về truyện tranh “Giải mã truyện tranh” và “Sáng tác truyện tranh” nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Ảnh: DU BÚT
Cách đây không lâu, một ấn phẩm do Du Bút đầu tư thực hiện là Vạn nhân ký - Noãn vừa nhận được giải đồng của cuộc thi Truyện tranh Manga quốc tế Nhật Bản (International Manga Award) lần thứ 18, do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tổ chức với mục tiêu vinh danh các tác phẩm truyện tranh xuất sắc trên toàn thế giới. Cuộc thi năm nay đã nhận được 716 tác phẩm dự thi đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ, có tổng cộng 15 tác phẩm đoạt giải. Đây không phải là lần đầu tiên một tác phẩm truyện tranh mang thương hiệu Việt Nam được vinh danh tại giải thưởng uy tín này. Trước Vạn nhân ký - Noãn, Việt Nam từng có một số tác phẩm truyện tranh đoạt giải này như: Điệu nhảy của vũ trụ (2023); Bẩm thầy Tường, có thầy Vũ đến tìm (2022); Địa ngục môn (2016); Long thần tướng (2015); Đất Rồng (2012)…
Điều này một lần nữa cho thấy dù có thể chưa bắt kịp một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc…, nhưng truyện tranh Việt Nam vẫn đang có một vị thế nhất định. Như ông Ono Masuo, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM, chia sẻ trong lễ trao giải cuộc thi Truyện tranh Manga quốc tế Nhật Bản lần thứ 18, khi Việt Nam có tới 8 lần được trao giải: “Điều này thể hiện sự phong phú và tiềm năng của văn hóa truyện tranh Việt Nam đối với thế giới”.
Tiềm năng lớn
Cuộc thi Sáng tác truyện tranh lần thứ 2 do Viện Pháp tại Việt Nam và NXB Kim Đồng phối hợp tổ chức vừa hết hạn nhận tác phẩm vào cuối tháng 6 năm nay. Ở mùa giải đầu tiên, cuộc thi quy tụ nhiều họa sĩ trẻ tài năng, trong đó giải nhất được trao cho Trần Khắc Khoan (sinh năm 1990, Lâm Đồng) với tác phẩm Bài văn về trứng vịt lộn, giải nhì trao cho Cao Hoàng Anh Thư (1999, TPHCM) với Bút chì đỏ, giải ba trao cho Trần Thảo Nguyên (1996, TPHCM) với Lockdown xứ người. Hai giải khuyến khích thuộc về Tiệm thuê truyện của nhóm Ngô Thị Ngọc Anh và Vương Nhiên Khang, Bọ/Finding Evergreen của nhóm Nguyễn Hải Nam và Đỗ Đình Cương. Đặc biệt, các tác phẩm đoạt giải đều được NXB Kim Đồng in thành sách và phát hành rộng rãi trên thị trường.
“Trong những năm gần đây, thị trường truyện tranh của Việt Nam có nhiều khởi sắc và đang có những tín hiệu cho sự phát triển. Trong suy nghĩ của những phụ huynh thuộc thế hệ trước, truyện tranh chỉ dành cho trẻ con, nhưng hiện tại, sự thừa nhận về thể loại này đã tốt hơn rất nhiều. Truyện tranh hiện nay đã đề cập đến những đề tài, vấn đề ngang với tiểu thuyết hay phim ảnh”, tác giả Trần Khắc Khoan chia sẻ.
Với giải nhất ở mùa đầu tiên, tác giả Trần Khắc Khoan đã được đài thọ tham dự Liên hoan Truyện tranh Angoulême, sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn nhất dành cho truyện tranh tại Pháp vào đầu năm 2025. Trở về từ chuyến đi, anh cho biết: “Ở Pháp, người lớn mua và đọc truyện tranh rất nhiều. Họ đầu tư và khai thác thể loại này rất tốt, bởi truyện tranh có thể nói về mọi thứ, chứ không chỉ dành cho trẻ con. Tôi hy vọng thị trường truyện tranh của Việt Nam trong thời gian tới có thêm nhiều khởi sắc, có nhiều cuộc thi để các tác giả có “đất dụng võ”, theo đuổi đam mê của mình”.
Hiện tại, ở Việt Nam có một số đơn vị chuyên tổ chức và thực hiện các ấn phẩm truyện tranh như Comicola, Du Bút, Sky Comics... Đây chính là nơi đã trao cơ hội để nhiều tác giả trẻ được thể hiện và khẳng định mình với thể loại truyện tranh như Phan, Hoàng Tường Vy, Linh - Thạch, Lê Thư, Can Tiểu Hy, LinhRab, Lâm Hoàng Trúc…
Là đơn vị đã có 10 năm tham gia vào thị trường truyện tranh Việt, anh Trần Duy Nguyễn, Giám đốc Công ty Du Bút, chia sẻ: “PICOF là một không gian nơi những người sáng tạo nội dung và nhà phát hành truyện tranh từ khắp khu vực cùng nhau chia sẻ những gì đang xảy ra ở các quốc gia của họ. Chúng tôi thực sự tin tưởng vào sức mạnh của truyện tranh Việt Nam. Nhưng chúng tôi cũng tin rằng, để đi xa, chúng ta cần đi cùng nhau. Đông Nam Á là một khu vực gần gũi và đa dạng, và chúng ta đang bắt đầu thu hút được sự chú ý hơn trên quốc tế”.