Ươm mầm dân ca ví, giặm

Phát huy vai trò là những hạt nhân trong bảo tồn, gìn giữ di sản, nhiều nghệ nhân trên địa bàn Hà Tĩnh đã tình nguyện tham gia, mở các lớp học miễn phí để truyền dạy dân ca cho các em học sinh.

 Lớp học dân ca ví, giặm do Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Thanh Minh tổ chức tại nhà

Lớp học dân ca ví, giặm do Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Thanh Minh tổ chức tại nhà

Gần một tháng nay, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Thanh Minh và Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thế Nhuần ở xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên cũ) luôn náo nhiệt, sôi động bởi sự có mặt của đông đảo các em học sinh.

Dù ở nhiều lứa tuổi khác nhau, có những em đang là học sinh tiểu học, trung học cơ sở, cũng có những em còn ở độ tuổi mầm non, nhưng khi tìm đến ông, bà tất cả đều chung một tình yêu cho câu dân ca ví, giặm. Từ sự hướng dẫn tỉ mỉ của vợ chồng nghệ nhân nhiều em đã thành thục một số làn điệu, tự tin thể hiện các tiết mục. “Bốn năm nay, hè nào em cũng đến nhà ông bà Minh, Nhuần để học hát. Hiện nay em đã biết hát khá nhiều làn điệu ví, giặm và tham gia biểu diễn tại các sự kiện ở trường cũng như ở thôn, xóm.”- em Lưu Giang Mi, xã Cẩm Duệ, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.

Những năm gần đây, cứ mỗi dịp hè về, vợ chồng nghệ nhân Thanh Minh, Thế Nhuần lại mở lớp chiêu sinh các em nhỏ khắp các vùng, miền về tại nhà riêng của mình để dạy hát dân ca. Chồng đệm đàn, vợ tỉ mỉ sửa cho các cháu từ tiết tấu, nhịp điệu cho đến những câu luyến láy, nhả chữ. Ở nhiều độ tuổi khác nhau, khả năng tiếp nhận của các em cũng có sự khác biệt… thế nhưng bằng tâm huyết, nhiệt tình và tình yêu đặc biệt cho dân ca ví, giặm vợ chồng nghệ nhân Minh, Nhuần đã truyền được cảm hứng đến cho các em trong từng buổi học.

Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Thanh Minh cho biết: “Mùa hè này đối tượng chúng tôi hướng đến đó là các em ở độ tuổi từ 5-15. Với đối tượng này thì cách dạy cũng khác hơn, chúng tôi đi trực tiếp vào dạy cụ thể từng bài với các chủ đề gần gũi như quê hương, đất nước, Bác Hồ, tình mẫu tử… để các em dễ tiếp nhận hơn. Sau gần một tháng triển khai, hiện đã có hơn 20 em theo học. Đó là động lực rất lớn để chúng tôi nỗ lực hơn nữa”.

Điều tuyệt vời nhất là các em tìm đến lớp học đều say mê và có ý thức rất cao. Nhiều em dù mới được tập luyện trong thời gian ngắn nhưng đã có thể nắm giữ được nhiều làn điệu hò, ví, giặm của dân ca xứ Nghệ. Sau một vài buổi học, các em đã tự tin đứng trên sân khấu, đưa dân ca ví, giặm đến với công chúng qua các phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương.

 Các em học sinh tham gia biểu diễn tại lễ đón nhận bằng công nhận khu dân cư kiểu mẫu ở xã Cẩm Mỹ (cũ). Ảnh tư liệu

Các em học sinh tham gia biểu diễn tại lễ đón nhận bằng công nhận khu dân cư kiểu mẫu ở xã Cẩm Mỹ (cũ). Ảnh tư liệu

Cũng là một trong những người nặng lòng với công tác gìn giữ, truyền dạy, đưa các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh đến gần hơn với công chúng, hơn một tháng nay, đều đặn vào tối thứ 3 và thứ 5 hằng tuần, nghệ nhân Trần Văn Sang lại có mặt tại lớp học dân ca của CLB Dân ca ví, giặm trẻ Hà Tĩnh do Tỉnh đoàn tổ chức tại Trường Mầm non quốc tế Nguyễn Du Plus.

Say sưa, miệt mài trong từng bài luyện thanh, chú trọng lựa chọn các làn điệu, tổ khúc có nội dung sao cho dễ hiểu, gần gũi và phù hợp với từng lứa tuổi, từ niềm đam mê cháy bỏng của mình, nghệ nhân Văn Sang đã dồn hết trong từng câu hát để góp phần truyền ngọn lửa yêu văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân dân gian Trần Văn Sang, Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm trẻ Hà Tĩnh chia sẻ: “Tại lớp học này chúng tôi vừa hướng dẫn cho các em thực hành các làn điệu, vừa tập luyện thanh để có giọng hát tốt hơn. Đồng thời cũng đào tạo thêm về kỹ năng biểu diễn, dàn dựng các tiết mục góp phần giúp các bạn trẻ vừa rèn luyện vừa lan tỏa giá trị di sản trong đời sống hiện đại”.

 Lớp học thu hút gần 50 học sinh với sự hướng dẫn của Nghệ nhân dân gian Trần Văn Sang và các nghệ sĩ

Lớp học thu hút gần 50 học sinh với sự hướng dẫn của Nghệ nhân dân gian Trần Văn Sang và các nghệ sĩ

Các buổi học không chỉ thu hút sự tham gia đông đảo của các em học sinh, mà rất nhiều phụ huynh cũng say sưa tập luyện cùng con trẻ. Có những người dù phải vượt quãng đường xa để đưa con đến lớp học, nhưng từ khi bắt đầu khóa học đến nay hầu như chưa vắng mặt buổi nào.

“Từ nhà đến lớp học khá xa nhưng thấy con yêu thích thực sự nên tôi cũng cố gắng chở cháu đi. Đến với lớp học các con thực sự rất vui, rất hào hứng, bản thân tôi cũng bị cuốn hút theo các làn, điệu và cũng say sưa hát theo các con luôn” - chị Võ Thị Hồng Duyên, phường Thành Sen phấn khởi chia sẻ.

 Phụ huynh hòa cùng câu ví, giặm...

Phụ huynh hòa cùng câu ví, giặm...

Từ những buổi học đầu tiên với số lượng từ 15 đến 20 học viên, hiện nay, lớp đã có gần 50 bạn nhỏ từ khắp các địa bàn trong tỉnh về theo học. Dù nhiều bạn hát chưa thực sự hay, luyến láy chưa thành thục nhưng trong mỗi lời ca, tiếng hát đều toát lên tình yêu với quê hương, niềm tự hào với di sản của cha, ông.

“Trước đây chưa có lớp học này em thường ở nhà tự tập. Từ hôm đến đây được các thầy cô hướng dẫn cho thêm nhiều làn, điệu, sửa cho em nhiều lỗi sai, giúp em thấy tự tin hơn khi hát rất nhiều” - em Trần Huyền Anh, phường Thành Sen cho biết.

 Chăm chú trong từng tiết học

Chăm chú trong từng tiết học

Rèn dũa từng lời hát, uốn nắn từng giọng ca… cùng hòa mình trong từng làn điệu. Trong những lớp học, khoảng cách giữa người học và người dạy dường như xóa mờ. Những lớp nghệ nhân đi trước vẫn cháy hết mình trong từng câu ví, điệu giặm, nỗ lực trao truyền, bồi đắp cho lớp trẻ thêm yêu câu ví giặm quê hương.

Giữa guồng quay của cuộc sống hiện đại, vẫn có những con người thầm lặng cống hiến để gìn giữ tinh hoa cho những giá trị nghệ thuật truyền thống. Với những họ đó không chỉ là lòng nhiệt huyết, niềm đam mê, mà còn là sứ mệnh giữ lửa cho di sản quê hương.

 Dân ca Nghệ Tĩnh đang được trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, đời này đến đời khác không hề bị đứt nối.

Dân ca Nghệ Tĩnh đang được trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, đời này đến đời khác không hề bị đứt nối.

“Một tín hiệu đáng mừng là thời gian gần đây các bạn trẻ tham gia thực hành diễn xướng ví, giặm rất đông. Cùng với nỗ lực của các nghệ nhân, lớp trẻ đang ngày càng có ý thức trong việc gìn giữ di sản của dân tộc.

Điều này cũng chứng minh dân ca Nghệ Tĩnh đang được trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, đời này đến đời khác không hề bị đứt nối” – bà Phan Thị Thư Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh phấn khởi chia sẻ”.

Video: Một buổi học dân ca với làn điệu xẩm thương "Thập ân phụ mẫu

Thanh Huyền

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/uom-mam-dan-ca-vi-giam-post291064.html