Liên hoan văn nghệ dân gian góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống

Các hoạt động giàu bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số được tái hiện qua các kỳ liên hoan văn hóa, văn nghệ dân gian góp phần khẳng định sức sống mãnh liệt của văn hóa các dân tộc qua thời gian và không gian. Trong sự giao thoa và biến đổi, trong xu thế hội nhập hiện nay thì văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ là bản sắc quý giá của văn hóa tộc người mà còn là tài nguyên du lịch, là hành trang để cộng đồng các dân tộc các huyện miền núi xứ Thanh vững tin trên con đường hội nhập, phát triển.

Tái hiện “Chuyện tình Pha Dua” tại Liên hoan văn nghệ dân gian “Chuyện tình Pha Dua - Phiên chợ vùng cao” năm 2022 do Sở VH,TT&DL phối hợp với huyện Quan Sơn tổ chức.

Ấn tượng liên hoan văn nghệ dân gian “Chuyện tình Pha Dua”

Còn nhớ vào cuối tháng 11-2022, Liên hoan văn nghệ dân gian “Chuyện tình Pha Dua - Phiên chợ vùng cao” được tổ chức tại huyện vùng cao Quan Sơn đã thu hút đông đảo Nhân dân, du khách về tham dự. Liên hoan do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp với huyện Quan Sơn tổ chức nhằm giới thiệu quảng bá thế mạnh về văn hóa, phong tục, tập quán, ẩm thực và các sản phẩm đặc sản của đồng bào vùng cao xứ Thanh, thúc đẩy hoạt động thương mại, phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số xứ Thanh.

Tại liên hoan, các đại biểu, Nhân dân và du khách có dịp thưởng thức chương trình nghệ thuật “Chuyện tình Pha Dua” sinh động, ấn tượng về câu chuyện tình tha thiết yêu thương, cảm động của nàng Lá Nọi, chàng Lá Li thuở nào dưới chân núi Pha Dùa ở đất Mường Xia (Quan Sơn) được lưu truyền đã làm lay động bao đời của đồng bào vùng cao xứ Thanh. Liên hoan còn là dịp để những chàng trai, cô gái duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; được đắm mình trong không gian “Phiên chợ vùng cao” rực rỡ sắc màu, thưởng thức những món ăn, mua sắm những sản vật tiêu biểu ở các huyện miền núi, vùng cao. Liên hoan văn nghệ dân gian “Chuyện tình Pha Dua - Phiên chợ vùng cao” được nhiều người ví như một bức tranh đa sắc màu về đời sống văn hóa - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số xứ Thanh. Bức tranh ấy cần phải được bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị trong đời sống xã hội hiện nay.

Góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống

Khu vực đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa tự hào là nơi phát tích của sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”, lễ hội Pôồn Pôông, Séc Bùa của người Mường, lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, múa Cá Sa, múa sạp, múa xòe, điệu khặp, khua luống của người Thái, múa chuông, múa rùa, múa bát của người Dao, khèn bè, đàn môi của người Mông... Đó là sự kết tinh của đất, của trời, của văn hóa vùng miền do người dân tần tảo tạo nên và đến nay vẫn còn lưu giữ trong khắp mường trên, bản dưới. Những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương và người dân vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang nỗ lực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, thông qua các cuộc thi, hội diễn, liên hoan văn hóa - văn nghệ dân gian là giải pháp quan trọng góp phần để bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số xứ Thanh được nhiều người biết đến, là niềm tự hào của mỗi người dân, từ đó thêm yêu và tiếp tục gìn giữ.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa Nguyễn Thị Mai Hương cho biết: Những năm qua trung tâm đã tổ chức thành công nhiều hội thi, liên hoan, chương trình giao lưu văn hóa - văn nghệ nhằm khai thác, lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc trong tỉnh. Các kỳ liên hoan được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú và luôn có sự đổi mới linh hoạt về nội dung, hình thức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân trong tỉnh. Chuyển tải có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Đồng thời khai thác, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh, phát triển lực lượng văn nghệ trẻ tiêu biểu của các dân tộc, từ đó có hướng giúp đỡ, bồi dưỡng trở thành hạt nhân nòng cốt trong việc giữ gìn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trung tâm cũng đã phối hợp với các địa phương lựa chọn những hạt nhân văn nghệ nòng cốt tại cơ sở, xây dựng chương trình thành lập các đội văn nghệ quần chúng tham gia các hội diễn, liên hoan, sự kiện toàn quốc và đã mang về nhiều phần thưởng. Thông qua đó các nghệ nhân đã được giao lưu, học hỏi, đồng thời đem những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình quảng bá, giới thiệu đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế, từ đó có thêm động lực để tiếp tục gìn giữ và trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống cho các thế hệ sau.

Một số liên hoan diễn ra với quy mô lớn, tạo hiệu ứng tốt, được các cấp, các ngành đánh giá cao như Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa được tổ chức 2 năm/1 lần; Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Thanh Hóa (1 năm/lần); Liên hoan tuyên truyền, cổ động tỉnh Thanh Hóa (1 năm/lần); Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Thanh Hóa (1 năm/lần); Lễ hội văn hóa hương sắc vùng cao của 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa (2 năm/lần); Liên hoan văn nghệ dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, Liên hoan văn nghệ dân gian năm 2022 với chủ đề “Chuyện tình Pha Dua - Phiên chợ vùng cao” được tổ chức nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa - nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030”. Tiếp nối thành công của chương trình liên hoan văn nghệ dân gian “Chuyện tình Pha Dua - Phiên chợ vùng cao” tại huyện Quan Sơn, trong những năm tiếp theo Sở VH,TT&DL, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tiếp tục đấu mối, phối hợp, xây dựng kế hoạch triển khai liên hoan tại các huyện miền núi, vùng cao tỉnh Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/lien-hoan-van-nghe-dan-gian-gop-phan-bao-ton-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong/182637.htm