Liên Hợp Quốc: AI tác động tới 40% việc làm toàn thế giới
Báo cáo mới từ Liên Hợp Quốc cho biết 40% việc làm trên toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong thập kỷ tới…

AI giúp gia tăng năng suất nhưng cũng dẫn đến nguy cơ mất việc làm.
Báo cáo mới từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tác động đến 40% việc làm trên toàn thế giới, điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng năng suất chung nhưng cũng khiến nhiều lao động rơi vào cảnh thất nghiệp.
Báo cáo được công bố đầu tuần này nhấn mạnh AI có thể tác động đến việc làm theo bốn cách chính: thay thế hoặc bổ sung cho công việc của con người, tăng cường tự động hóa và tạo ra việc làm mới, chẳng hạn như trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc phát triển AI.
Báo cáo cũng chỉ ra một số ít công ty hiện dẫn đầu về tiến bộ AI trên thế giới "thường ưu tiên vốn hơn lao động", điều này đồng nghĩa là AI có nguy cơ "làm giảm lợi thế cạnh tranh" của lực lượng lao động giá rẻ từ nhóm các nước đang phát triển.
Bà Rebeca Grynspan, Tổng thư ký UCTAD, chia sẻ trong tuyên bố rằng cần phải có sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn để chuyển trọng tâm "từ công nghệ sang con người".
100 CÔNG TY CHIẾM MỘT NỬA ĐẦU TƯ VÀO AI CỦA THẾ GIỚI
Báo cáo dự kiến AI sẽ mang lại giá trị thị trường đạt 4,8 nghìn tỷ USD vào năm 2033 nhưng nhóm đối tượng hưởng lợi vẫn rất tập trung.
Chỉ 100 công ty, chủ yếu có trụ sở tại Hoa Kỳ và Trung Quốc, chiếm gần một nửa chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển AI trên thế giới.
Hai quốc gia Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng cho ra đời ⅓ các bài nghiên cứu được bình duyệt và ⅔ bằng sáng chế AI, cho thấy vị thế "thống trị về kiểm soát kiến thức" trong lĩnh vực.
Báo cáo lưu ý một số gã khổng lồ công nghệ như Apple, NVIDIA và Microsoft, tất cả đều có trụ sở tại Hoa Kỳ, sở hữu giá trị thị trường khoảng 3 nghìn tỷ USD, ngang bằng nền kinh tế của toàn bộ lục địa châu Phi.
Amazon và Alphabet, công ty mẹ của Google, có giá trị ít nhất 2 nghìn tỷ USD.
Báo cáo nhận định "sự thống trị thị trường, ở cả cấp độ quốc gia và doanh nghiệp, có thể làm gia tăng khoảng cách công nghệ, khiến nhiều quốc gia đang phát triển có nguy cơ bỏ lỡ những lợi ích của công nghệ trí tuệ nhân tạo".
EU đã tiến hành điều tra chống độc quyền đối với đa số công ty nêu trên.
Nghiên cứu cũng đánh giá mức độ cạnh tranh của các quốc gia trong nhiều ngành công nghệ tiên phong khác. Nghiên cứu phát hiện Hoa Kỳ có lợi thế về nhóm công nghệ kỹ thuật số như AI, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, blockchain và in 3D. Ngược lại, Trung Quốc lại dẫn đầu trong phát triển mạng di động 5G, máy bay không người lái và quang điện mặt trời (PV).
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có khả năng cạnh tranh trong nhóm lĩnh vực này, cùng với công nghệ nano và phát triển robot.
Liên Hợp Quốc chỉ ra 118 quốc gia, chủ yếu nằm ở Nam Bán cầu, không được nhắc đến trong các cuộc thảo luận về vấn đề quản lý AI.
CHUẨN BỊ CHO 'CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ NĂM'
AI sử dụng máy học để xác định câu chuyện và mối quan hệ từ lượng dữ liệu khổng lồ, đồng thời hiệu suất sẽ được cải thiện theo thời gian. Theo báo cáo, điều này đồng nghĩa là hệ thống không bị giới hạn ở thói quen và nhiệm vụ có cấu trúc như công nghệ tự động hóa trước đây.
Kết quả là, về mặt lý thuyết, hệ thống AI có thể trở nên vượt trội hơn hẳn hầu hết hệ thống máy móc cũ, thậm chí sánh ngang với hiệu suất con người, đặc biệt trong các nhiệm vụ đòi hỏi kỹ năng cao.
Tác động của AI đối với lực lượng lao động phụ thuộc vào mối quan hệ giữa tự động hóa, vị trí việc làm tăng cường và vị trí mới.
UNCTAD khuyến nghị các nước đang phát triển cần đầu tư vào kết nối internet đáng tin cậy, xây dựng bộ dữ liệu chất lượng cao nhằm đào tạo hệ thống AI cũng như cập nhật hệ thống giáo dục cung cấp kỹ năng số cần thiết cho người lao động.
Để thực hiện tầm nhìn lớn, UNCTAD đề xuất xây dựng cơ sở chung toàn cầu nhằm chia sẻ công cụ AI và sức mạnh tính toán một cách công bằng giữa các quốc gia.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/lien-hop-quoc-ai-tac-dong-toi-40-viec-lam-toan-the-gioi.htm