Liên hợp quốc công bố hệ thống phát hiện khí methane dựa vào vệ tinh

Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) ngày 11/11 đã cho ra mắt Hệ thống Ứng phó và cảnh báo methane (MARS) một hệ thống phát hiện khí thải methane dựa trên những dữ liệu thu thập từ vệ tinh.

Hệ thống Ứng phó và cảnh báo methane (MARS) trên đã được giới thiệu tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), đang diễn ra tại thành phố duyên hải Sharm el-Sheikh của Ai Cập.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đây được xem là một phần trong những nỗ lực nhằm giảm tác nhân chính gây ra hiện tượng Trái Đất ấm lên.

UNEP cho biết, MARS sẽ sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh để lập bản đồ toàn cầu về những "điểm nóng" methane, cũng như nguyên nhân xuất hiện những địa điểm này.

Thông qua những kết quả có được, UNEP sẽ thông báo tới các chính phủ và các công ty về lượng khí thải "để các đơn vị chịu trách nhiệm có giải pháp phù hợp".

Khí methane được xem là tác nhân âm thầm gây biến đổi khí hậu. Chúng được sản sinh từ các nhà máy hoạt động bằng nhiên liệu hóa thạch, các hố chôn rác hay hoạt động chăn nuôi gia súc của con người. Theo đánh giá của các chuyên giakhoa học, khí methane gây ra khoảng 30% sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu cho đến nay.

Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen cho biết, việc giảm lượng khí thải methane có thể tạo ra sự khác biệt lớn và nhanh chóng, do thời gian khí này tồn tại trong bầu khí quyển ít hơn nhiều so với CO2.

Còn đặc phái viên của Mỹ về vấn đề khí hậu John Kerry cho biết việc giảm khí methane là "cách nhanh nhất" giúp thế giới đạt được mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Cũng tại COP27, các nước, trong đó có Đức, Nhật Bản và Canada, ủng hộ kế hoạch gồm 25 “Hành động Ưu tiên” dự kiến sẽ được công bố tại hội nghị COP28 diễn ra ở Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) vào năm tới. Thông qua việc nhất trí một loạt biện pháp giảm khí thải, những nước này hy vọng có thể phát đi tín hiệu rõ ràng về định hướng chính sách để thúc đẩy các nhà đầu tư và công ty hành động.

Khởi đầu được thiết lập là “Chương trình nghị sự đột phá” tại hội nghị COP26 ở Glasgow (Anh) năm ngoái, kế hoạch “Hành động Ưu tiên” còn bao gồm các lĩnh vực sản xuất hydro và nông nghiệp.

Cụ thể, ở lĩnh vực nông nghiệp, 13 quốc gia đã nhất trí đẩy nhanh hành động, chẳng hạn tăng cường đầu tư để tạo ra các giải pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu và thích ứng với các tác động do biến đổi khí hậu gây ra.

Dự kiến vào năm 2023, các lĩnh vực xây dựng và sản xuất xi măng sẽ được bổ sung vào kế hoạch. Các công ty cũng sẽ tham gia từng lĩnh vực và do một nhóm nòng cốt dẫn dắt cũng như được các nhóm công nghiệp và tài chính hỗ trợ.

Nhà vận động chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc Nigel Topping cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ để đạt mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 1,5 độ C vào giữa thế kỷ này theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

“Chương trình nghị sự đột phá” là nỗ lực phối hợp lớn nhất từ trước đến nay nhằm giảm chi phí kiểm soát khí thải trong các lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, sản xuất thép và hydro, hướng tới mục tiêu nói trên.

Theo nhà vận động chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, ông Mahmoud Mohieldin, đây là một kế hoạch quốc tế cụ thể nhằm loại bỏ carbon trong các ngành có lượng khí thải cao và giúp các nước đang phát triển nắm bắt cơ hội tăng trưởng kinh tế carbon thấp đi cùng với thích ứng biến đổi khí hậu.

Nhật Minh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/lien-hop-quoc-cong-bo-he-thong-phat-hien-khi-methane-dua-vao-ve-tinh-218356.html