Liên kết doanh nghiệp-Hợp tác xã: 'Chìa khóa' cho vùng nguyên liệu bền vững

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt và yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm ngày càng khắt khe, việc đảm bảo một vùng nguyên liệu ổn định và chất lượng cao trở thành yếu tố sống còn đối với nhiều doanh nghiệp. Thay vì đơn độc tìm kiếm và quản lý nguồn cung, liên kết doanh nghiệp với các HTX đang nổi lên như một giải pháp chiến lược, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên và góp phần xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững.

Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, dược phẩm, hay thậm chí là các ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu thô từ nông nghiệp, việc duy trì một dòng chảy nguyên liệu ổn định về số lượng và đảm bảo về chất lượng là yếu tố then chốt để vận hành sản xuất liên tục, đáp ứng đơn hàng và xây dựng uy tín thương hiệu.

Doanh nghiệp "khát" nguồn cung

Tuy nhiên, việc tự mình xây dựng và quản lý vùng nguyên liệu thường đòi hỏi nguồn lực lớn về vốn, nhân lực và thời gian. Doanh nghiệp có thể gặp phải nhiều thách thức như biến động thị trường, rủi ro thời tiết, khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng trên diện rộng và thiếu sự gắn kết chặt chẽ với người sản xuất.

Ông Nguyễn Việt Cường, Công ty LQC-Textile, chuyên về lĩnh vực dệt may cho biết từ những năm 2000, Việt Nam đã có chính sách phát triển ngành cotton thông qua chính sách nhằm phát triển ngành trồng bông. Mục tiêu của điều này là giúp Việt Nam tự chủ nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may. Quyết định 17/2002/QĐ-TTg về định hướng và giải pháp phát triển cây bông công nghiệp giai đoạn 2001-2010 đã đặt ra mục tiêu cụ thể về diện tích và sản lượng bông, kỳ vọng đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, việc phát triển cây bông ở Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn như năng suất, chất lượng thấp; tính cạnh tranh với cây trồng khác kém; liên kế giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo; đầu tư hạn chế; biến đổi khí hậu..., dẫn đến tình trạng không đủ nguyên liệu cho ngành dệt may.

Lá dứa là nguyên liệu dồi dào phục vụ ngành dệt may.

Lá dứa là nguyên liệu dồi dào phục vụ ngành dệt may.

Do không đủ nguyên liệu nên ngành dệt may khó phát triển. Điều này buộc một số doanh nghiệp, trong đó có LQC-Textile phải tìm nguyên liệu từ cây dâu tằm, dứa, chuối... Theo ông Nguyễn Việt Cường, việc bông hóa bằng cách tìm những nguyên liệu từ nông nghiệp thay thế cotton là tốn kém. Như đơn vị của ông cần đến 120 tấn nguyên liệu từ nông nghiệp/tháng.

Hiện, Việt Nam có khoảng 50.000ha dứa, 154ha chuối... là vùng nguyên liệu lớn của ngành dệt may. Điều này cũng giúp ngành dệt may Việt Nam đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, giảm sự phụ thuộc vào một loại nguyên liệu duy nhất và phù hợp với xu hướng sản xuất xanh, tuần hoàn. Nhưng để sản xuất ổn định từ những nguyên liệu này, ông Nguyễn Việt Cường cho rằng vấn đề liên kết với HTX, người dân vẫn còn chưa thuận lợi và lỏng lẻo.

Doanh nghiệp dệt may cần nguồn cung thân cây chuối, lá dứa... đều đặn về số lượng và chất lượng. Nếu liên kết chưa chặt chẽ với nông dân và HTX khiến doanh nghiệp khó có kế hoạch sản xuất phù hợp, không đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho nhà máy.

Trong khi đó, HTX với vai trò là tổ chức kinh tế tập thể của những người nông dân, sở hữu lợi thế về quỹ đất, kinh nghiệm sản xuất, sự am hiểu địa phương và khả năng tập hợp lực lượng lao động. Các HTX có tiềm năng lớn trong việc tổ chức sản xuất theo quy trình, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, nhiều HTX vẫn còn đối mặt với những hạn chế về vốn đầu tư, công nghệ chế biến, khả năng tiếp cận thị trường và quản lý chuyên nghiệp. Sự liên kết với doanh nghiệp sẽ giúp HTX giải quyết những bài toán này, mở ra cơ hội phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Hòa Đông (Tiền Giang) cho biết HTX kinh doanh giống dứa, sản xuất xơ sợi từ lá dứa để cung ứng cho doanh nghiệp. Sắp tới, HTX tiến tới sản xuất dứa hữu cơ. Tuy nhiên, vấn đề liên kết với doanh nghiệp, mở rộng sản xuất của HTX cũng gặp không ít khó khăn, nhất là vấn đề vốn. Hiện, HTX tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng rất khó vì thủ tục rườm rà, quy trình chặt chẽ. Trong khi HTX không có tài sản thế chấp, hoặc có tài sản nhưng bị định giá thấp.

Cái bắt tay đôi bên cùng có lợi

Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và HTX tạo ra một mối quan hệ cộng sinh, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Tuy nhiên, theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&MT), cả nước hiện có khoảng 32.000 HTX, nhưng tỷ lệ HTX có liên kết chuỗi giá trị không nhiều, chỉ khoảng 4.000 HTX. Điều này cho thấy tỷ lệ HTX có liên kết chuỗi với doanh nghiệp ước tính chỉ khoảng 12-13%. Còn nhiều doanh nghiệp hiện đã có hợp đồng liên kết với HTX, nhưng thực chất chỉ hợp đồng thu mua sản phẩm đơn thuần chứ không phải là liên kết chuỗi giá trị bền vững. Do đó, tỷ lệ diện tích, sản lượng nông sản của Việt Nam có liên kết theo chuỗi giá trị cũng chưa cao.

Chỉ khoảng 37% sản lượng nông sản của Việt Nam được sản xuất và tiêu thụ theo các hình thức liên kết chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ. Dù có sự tăng trưởng so với những năm trước, con số này vẫn cho thấy sự khiêm tốn nhất định.

Theo các chuyên gia, việc liên kết để phát triển vùng nguyên liệu cũng như chuỗi giá trị nông sản ở Việt Nam còn nhiều nút thắt do thị trường nông sản không ổn định. Cả doanh nghiệp, HTX đều thiếu vốn. Trong khi nhiều nông dân, thành viên HTX ngại thay đổi, không tuân thủ hợp đồng. Ngược lại, có những doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết nhưng không đầu tư ứng trước cho nông dân, HTX nên không mang lại lợi ích bền vững cho hai bên. Từ đó dẫn đến thiếu niềm tin giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân.

Ông Nguyễn Ngọc Thành cho rằng vẫn còn tình trạng cả thành viên HTX và doanh nghiệp thiếu niềm tin về đối tác do nhận thức chưa đầy đủ về hợp đồng liên kết, chuỗi giá trị dẫn đến việc muốn thông qua thương lái cho tiện.

Do đó, để mối liên kết giữa doanh nghiệp và HTX thực sự hiệu quả và bền vững, cần có sự tin tưởng, minh bạch và cam kết lâu dài từ cả hai phía thông qua việc xây dựng hợp đồng minh bạch, hỗ trợ lẫn nhau và xây dựng mối quan hệ đối tác bình đẳng. Tránh tình trạng doanh nghiệp áp đặt hoặc HTX phụ thuộc hoàn toàn.

Còn ông Nguyễn Việt Cường cho rằng, tỷ lệ HTX có liên kết chuỗi với doanh nghiệp trên cả nước hiện nay còn tương đối thấp, nhưng đây là một xu hướng tất yếu và đang được đẩy mạnh để nâng cao hiệu quả và giá trị cho khu vực kinh tế tập thể, HTX và cũng là nền tảng để doanh nghiệp đảm bảo sản xuất ổn định. Do đó, phía doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và các đơn vị liên quan để có thể liên kết với các HTX, nông dân một cách thuận lợi, bền vững từ đó mới đảm bảo được vùng nguyên liệu ổn định.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/lien-ket-doanh-nghiep-hop-tac-xa-chia-khoa-cho-vung-nguyen-lieu-ben-vung-1106781.html