Liên kết hội viên, phụ nữ cùng phát triển trồng nấm
Tiên phong đưa nấm sò về trồng tại thị trấn Quang Bình (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang), chị Hoàng Thị Hiền không chỉ tập trung phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân mà còn liên kết, tập huấn cho các hộ gia đình khác để phát triển nghề trồng nấm tại địa phương.
PV: Lý do nào chị lại chọn đưa nấm sò về trồng tại một huyện vùng cao như Quang Bình?
Chị Hoàng Thị Hiền: Hai vợ chồng tôi vốn xuất thân từ cán bộ nhà nước. Ngoài công việc chuyên môn, chúng tôi cũng dành thời gian tìm hiểu để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế gia đình. Tôi chọn những sản phẩm có vòng thu hồi vốn nhanh, chu kỳ sản xuất ngắn để đầu tư khởi nghiệp.
Qua tìm hiểu thị trường, tôi thấy, các loại nấm bán trên địa bàn đều là nấm không rõ nguồn gốc. Vì vậy, tôi mong muốn có thể sản xuất nấm sạch phục vụ người dân trên địa bàn. Mặt khác, nấm là loại cây thích hợp với khí hậu lạnh ở vùng cao. Vì vậy, từ năm 2018, tôi bắt đầu trồng nấm.
PV: Khởi nghiệp với một nghề chưa có ở địa phương, chị gặp phải những khó khăn gì?
Chị Hoàng Thị Hiền: Nấm là loại cây trồng mẫn cảm với thời tiết. Nếu nhiệt độ nóng quá sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển, còn lạnh quá thì nấm bị biến dạng, không mọc được.
Trong quá trình khởi nghiệp của mình, tôi đã gặp phải không ít thất bại. Tôi còn nhớ, năm 2020, tôi đã bị hỏng hơn 5.000 bầu nấm vì có bọ xâm nhập. Hay như đầu năm nay, tôi cũng đã phải bỏ hơn 1.000 bầu bị hỏng do thời tiết.
PV: Chị đã rút ra kinh nghiệm gì sau những thất bại đó?
Chị Hoàng Thị Hiền: Tôi nghiên cứu kiến thức qua tivi, sách báo và học qua chính thực tế công việc. Vừa làm, vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, hiện trại nấm của tôi có hơn 20.000 bầu chuẩn bị cho thu hoạch. Một vụ nấm thường kéo dài từ tháng 8 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Mọi công đoạn nuôi trồng, chăm sóc đều phải được thực hiện theo quy trình khép kín để đảm bảo chất lượng. Một lứa nấm từ lúc bắt đầu sàng ủ đến khi thu hoạch là 2 tháng. Tôi trồng các lứa gối nhau để sản lượng thu hoạch ổn định, đảm bảo nguồn cung đều đặn. Từ trồng nấm, sau khi trừ các loại chi phí, tôi thu được lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/vụ.
PV: Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị còn tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương và liên kết, hỗ trợ các hộ gia đình khác phát triển kinh tế. Chị có thể chia sẻ kỹ hơn về điều này?
Chị Hoàng Thị Hiền: Vào những đợt sản xuất cao điểm như đóng bầu, cấy giống, trại nấm cần nhiều nhân công, tôi đã huy động lực lượng lao động tại chỗ. Các chị em được trả công 200.000 đồng/ngày. Tôi cũng lập Tổ liên kết sản xuất nấm sạch, hỗ trợ bầu nấm cho các thành viên tham gia.
Mỗi hộ đăng ký tôi hỗ trợ 2.000 bầu nấm, hướng dẫn, tư vấn để các chị chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ. Sản phẩm nấm sạch của chúng tôi không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn huyện Quang Bình mà còn ở các huyện lân cận, tỉnh Yên Bái…
PV: Trên hành trình khởi ngiệp của mình, chị đã nhận được những hỗ trợ gì từ các cấp Hội?
Chị Hoàng Thị Hiền: Hội LHPN huyện đã truyền cho tôi động lực để khởi nghiệp. Các cán bộ Hội đã động viên tôi tham gia cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" do dự án "Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam" (tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam) tổ chức.
Xưởng sản xuất nấm và phôi nấm của gia đình tôi là 1 trong 7 mô hình khởi nghiệp được dự án hỗ trợ tư liệu sản xuất. Đó là máy đóng bầu, giúp tiết kiệm thời gian và công sức, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hội cũng hỗ trợ tôi tham gia các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng, kết nối tiêu thị sản phẩm.
Tôi đang có kế hoạch mở rộng nhà xưởng, trang trại nấm cũng như phát triển kênh phân phối trên các nền tảng bán hàng online để tiêu thụ sản phẩm cho trang trại của mình và các hộ gia đình trong tổ liên kết.
Bạn đọc quan tâm sản phẩm có thể liên hệ chị Hoàng Thị Hiền, Tổ trưởng tổ sản xuất nấm, địa chỉ: Tổ 1 thị trấn Yên Bình, tỉnh Quang Bình, tỉnh Hà Giang. ĐT: 0919065268.