Liên kết thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh tại các khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông

Ngày 12/12, tại Quảng Ninh, diễn đàn khu công nghiệp (KCN) trục cao tốc phía Đông với chủ đề 'Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh' được tổ chức. Diễn đàn là cầu nối, tạo cơ hội để các KCN tại các tỉnh trong khu vực cao tốc phía Đông kết nối hiệu quả với những chuỗi cung ứng sản xuất thông minh, nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường quốc tế.

Liên kết thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất

Sáng kiến kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông nhằm hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, tạo không gian phát triển mới, khai thác tối đa lợi thế của 4 tỉnh, thành phố dọc trục cao tốc phía Đông. Thỏa thuận hợp tác giữa bốn tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên không chỉ đơn giản là sự kết nối địa lý mà còn là sự phối hợp nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế riêng của từng khu vực.

Mỗi địa phương đều có các thế mạnh khác nhau, và việc hợp tác giữa các tỉnh này giúp tạo ra một không gian phát triển chung, giúp các tỉnh dọc trục cao tốc phía Đông trở thành những cực tăng trưởng mới cho khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Các tỉnh dọc trục cao tốc phía Đông đang dần trở thành những cực tăng trưởng mới cho khu vực Đồng bằng sông Hồng. Ảnh Đ.P

Các tỉnh dọc trục cao tốc phía Đông đang dần trở thành những cực tăng trưởng mới cho khu vực Đồng bằng sông Hồng. Ảnh Đ.P

Vào ngày 28/7/2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng với bốn tỉnh, thành phố nằm dọc trục cao tốc phía Đông, gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên, đã chính thức ký kết Thỏa thuận hợp tác kết nối kinh tế cao tốc phía Đông. Đây là một sáng kiến quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng thời mở ra cơ hội kết nối các khu công nghiệp (KCN) của các tỉnh này với chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu.

Thỏa thuận này đã xác định tám lĩnh vực ưu tiên để tăng cường liên kết, bao gồm xúc tiến thương mại và đầu tư, phát triển giao thông và logistics, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển du lịch và dịch vụ, và đặc biệt là thúc đẩy sự hợp tác trong chuỗi cung ứng sản xuất, nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Những lĩnh vực này đều có sự tác động mạnh mẽ đến việc tăng cường phát triển kinh tế khu vực, đồng thời thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ trong và ngoài nước.

Sau hai năm triển khai, các địa phương này đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Dù phải đối mặt với những biến động không nhỏ từ nền kinh tế toàn cầu và tác động của thiên tai, nhưng tốc độ phát triển kinh tế tại các tỉnh dọc cao tốc phía Đông vẫn duy trì ổn định và đạt được nhiều chỉ số ấn tượng.

Cụ thể, Quảng Ninh, mặc dù chịu ảnh hưởng của các trận bão lớn, vẫn ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 8,42%, đứng thứ 6 trong khu vực đồng bằng sông Hồng và thứ 20 cả nước. Thành công này phần lớn đến từ việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 2 tỷ USD, giữ vững vị trí là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút FDI trong cả nước.

Hải Phòng cũng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng khi GRDP ước tính tăng 11%, đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp đạt mức tăng trưởng hai con số. Thành phố cảng này đã thu hút khoảng 4,7 tỷ USD vốn FDI, vượt 235% so với kế hoạch đề ra. Đây là kết quả của việc triển khai các chính sách phát triển khu công nghiệp, cảng biển và hạ tầng logistics đồng bộ.

Tỉnh Hải Dương cũng không kém cạnh khi ước tính GRDP tăng trưởng 10,02%, vượt mục tiêu đề ra. Tốc độ phát triển này cho thấy sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, khi nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, nông sản và công nghệ cao, có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Hưng Yên, mặc dù đối mặt với những thách thức về cơ sở hạ tầng, nhưng cũng đạt được kết quả đáng chú ý với mức tăng trưởng GRDP 8,17%, vượt chỉ tiêu đề ra là 7,5%-8%. Bên cạnh đó, tỉnh đã thu hút FDI lên tới 1,4 tỷ USD, cùng với nguồn vốn đầu tư trong nước đạt 25.751 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết: "Hiện Hội đồng kết nối kinh tế tiểu vùng trục cao tốc phía Đông (VEHEC) đang dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, với các dự án lớn từ Samsung, LG, Foxconn, và các tập đoàn đa quốc gia khác. Môi trường đầu tư ngày càng minh bạch và thuận lợi, đặc biệt nhờ vào các chính sách cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp".

Triển vọng và thách thức

Những thành tựu đáng kể mà các tỉnh dọc trục cao tốc phía Đông đã đạt được trong hai năm qua là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của việc kết nối kinh tế và hợp tác phát triển trong khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức phía trước, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với những biến động lớn và các yếu tố tác động như thiên tai, biến đổi khí hậu, và những vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn chia sẻ: Chuyển dịch chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ và ngày càng hướng đến công nghệ cao, sản xuất thông minh, trong khi Việt Nam tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn, là một trung tâm sản xuất mới ở châu Á. Việc chủ động tham gia chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu, tối ưu hóa chuỗi sản xuất và cung ứng là điều thiết yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của các khu công nghiệp.

Quang cảnh Diễn đàn KCN Trục cao tốc phía đông 2024: Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh. Ảnh T.D

Quang cảnh Diễn đàn KCN Trục cao tốc phía đông 2024: Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh. Ảnh T.D

"Với sự phát triển của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, những mô hình truyền thống không còn đáp ứng được, cần phải thay đối tư duy từ sản xuất đơn lẻ sang phát triển hệ sinh thái liên kết, chia sẻ thông tin và nguồn lực, cần phải xây dựng các chuỗi cung ứng thông minh, giúp giảm thiểu chi phí, tăng tính linh hoạt và cải thiện chất lượng sản phẩm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện khả năng cạnh tranh công nghiệp và đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững" - ông Ấn khẳng định

Hay như tại Hưng Yên, theo ông Vũ Quốc Nghị, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên chia sẻ: "Mặc dù Hưng Yên có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống giao thông khá thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật KCN đồng bộ, cùng với kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thủ tục hành chính nhanh gọn; nhưng việc thu hút các dự án có quy mô vốn lớn, các dự án đầu tư sản xuất công nghệ và hàm lượng giá trị tri thức cao, xanh thông minh còn khá khiêm tốn".

Để duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được, các địa phương cần tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế. Đồng thời, cần có những chính sách hợp lý để tăng cường sự thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp thông minh và tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Trong tương lai, các tỉnh, thành phố dọc trục cao tốc phía Đông sẽ cần tiếp tục phát huy thế mạnh về logistics, công nghiệp chế biến, công nghệ thông tin, và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Việc duy trì đà tăng trưởng bền vững sẽ là yếu tố quyết định trong việc xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Tại Diễn đàn, VCCI cũng công bố “Báo cáo kinh tế tiểu vùng Trục cao tốc phía Đông”. Báo cáo kinh tế tiểu vùng trục cao tốc phía Đông cung cấp một phân tích toàn diện về tình hình kinh tế, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, và các nỗ lực phát triển bền vững của khu vực VEHEC; mà trong những năm gần đây, tầm quan trọng chiến lược của khu vực bốn tỉnh thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên đã được nâng cao, khi khu vực định hướng trở thành trung tâm công nghiệp, logistics và phát triển xanh, phù hợp với các ưu tiên quốc gia về tăng trưởng bền vững và toàn diện.

Tiến Dũng - Thế An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lien-ket-thuc-day-chuoi-cung-ung-san-xuat-thong-minh-tai-cac-khu-cong-nghiep-truc-cao-toc-phia-dong-166216.html