Liên minh cà phê Việt Nam - Brazil: Biến thách thức thành cơ hội

Đề xuất lịch sử về liên minh cà phê Việt Nam - Brazil mở ra cơ hội nâng tầm thương hiệu, song giới chuyên gia và doanh nghiệp chỉ ra nhiều rào cản, đòi hỏi một chiến lược khôn ngoan để biến thách thức thành cơ hội.

Trong bối cảnh mới của kinh tế toàn cầu, khi chuỗi cung ứng đang được định hình lại và các tiêu chuẩn về phát triển bền vững ngày càng khắt khe, ngành cà phê Việt Nam đứng trước một bước ngoặt quan trọng.

Đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc hình thành một liên minh chiến lược với Brazil, quốc gia sản xuất cà phê số một thế giới tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Brazil gần đây, đã mở ra một chương thảo luận sôi nổi trong ngành.

Đây vừa là một cơ hội chưa từng có để học hỏi, hợp tác, vừa là lời nhắc nhở về vị thế và những thách thức nội tại của một cường quốc xuất khẩu cà phê Robusta hàng đầu nhưng vẫn loay hoay với bài toán thương hiệu và giá trị gia tăng.

Liên minh chiến lược

Ý tưởng về một liên minh giữa hai nhà sản xuất cà phê lớn nhất hành tinh ngay lập tức tạo ra một làn sóng kỳ vọng. Về mặt vĩ mô, đây là một tuyên bố mạnh mẽ, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chính phủ.

Đại diện cho tiếng nói của ngành hàng, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ trương này. Ông xem đây là cơ hội để hai cường quốc có thể hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển sản xuất bền vững và ổn định thị trường, hướng tới lợi ích chung cho người nông dân.

"Việc cà phê Việt Nam hợp tác với Brazil, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nông nghiệp tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính, là vô cùng cần thiết. Đây là cơ hội để chúng ta học hỏi kinh nghiệm từ một nền nông nghiệp tiên tiến, từ đó nâng cao năng lực sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường thế giới" - ông Hải nhận định.

 Liên minh Cà phê Việt Nam - Brazil có thể hướng đến hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển sản xuất bền vững. Ảnh: QH

Liên minh Cà phê Việt Nam - Brazil có thể hướng đến hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển sản xuất bền vững. Ảnh: QH

Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng đó, góc nhìn từ các chuyên gia lại có phần thận trọng hơn. Chuyên gia cà phê Nguyễn Quang Bình đã đưa ra một phân tích thẳng thắn, cho rằng về bản chất, cà phê Việt Nam và Brazil vẫn là hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp. "Việc ngồi lại nói chuyện là tốt, nhưng trên thương trường, khi Mỹ áp thuế, 'anh nào lo thân anh nấy chạy', sự cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn" - ông Bình phân tích.

Đặc biệt, ông Bình ý tưởng về một sàn giao dịch cà phê chung rất gian nan. Ông giải thích cặn kẽ rằng một sàn giao dịch muốn tồn tại không chỉ cần hàng hóa cơ sở, mà cần một yếu tố sống còn là sức thanh khoản khổng lồ từ các quỹ đầu tư tài chính.

"Ngay cả sàn giao dịch cà phê BMF của Brazil cũng có thanh khoản rất yếu ở mảng cà phê. Singapore hay Trung Quốc đã thử và thất bại. Đồng tiền của Brazil có tính quốc tế hóa cao mà họ còn làm không nổi, thì cà phê Việt Nam sẽ rất rất khó" - ông Bình chia sẻ.

Giải pháp nào cho cà phê Việt vươn tầm?

Cuộc thảo luận về liên minh với Brazil, dù còn nhiều quan điểm, đã có một tác động tích cực lớn: buộc ngành cà phê Việt Nam phải nhìn lại chính mình và nghiêm túc tìm kiếm lời giải cho bài toán phát triển bền vững. Các chuyên gia và hiệp hội đều đồng thuận rằng, đã đến lúc phải có những hành động quyết liệt để thay đổi.

Dưới góc độ của Vicofa, Chủ tịch Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh rằng mục tiêu chiến lược của ngành không chỉ là sản lượng mà phải là gia tăng giá trị và phát triển bền vững.

Ông Hải chỉ ra ba hướng đi cốt lõi. Thứ nhất, đẩy mạnh tái canh, phát triển các vùng trồng chất lượng cao, áp dụng quy trình sản xuất có chứng nhận. Thứ hai, tập trung vào công nghiệp chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là cà phê rang xay và hòa tan tinh chế, để tăng tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ 10% hiện nay lên 25-30% trong những năm tới.

 Mục tiêu chiến lược của ngành cà phê Việt không chỉ là sản lượng mà phải là gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Ảnh: QH

Mục tiêu chiến lược của ngành cà phê Việt không chỉ là sản lượng mà phải là gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Ảnh: QH

Thứ ba, và cũng là cấp bách nhất, là thích ứng với các quy định mới của thị trường, điển hình là Quy định không gây mất rừng của EU (EUDR). Ông Hải cho biết: "Vicofa đang tích cực làm việc với các bộ ngành và đối tác quốc tế để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đảm bảo 100% cà phê xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của EU. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để chúng ta tái cấu trúc ngành hàng theo hướng minh bạch và có trách nhiệm hơn".

Bổ sung cho định hướng này, chuyên gia Nguyễn Quang Bình cũng khẳng định: "Chúng ta không thể đua với Brazil về sản xuất đại trà giá rẻ. Con đường của chúng ta là cà phê đặc sản, là chất lượng, là câu chuyện đằng sau hạt cà phê."

Như vậy, để vươn tầm thương hiệu, một chiến lược tổng thể cần được thực thi. Chính phủ cần đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ đăng ký và bảo hộ các chỉ dẫn địa lý quan trọng như "Cà phê Buôn Ma Thuột" trên trường quốc tế.

Các chương trình xúc tiến thương mại cần được thiết kế lại, không chỉ quảng bá "cà phê Việt Nam" một cách chung chung, mà phải kể được những câu chuyện hấp dẫn về vùng trồng, về văn hóa cà phê phin độc đáo, về nỗ lực phát triển bền vững của người nông dân.

 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê mang về giá trị hơn 5,4 tỉ USD, tăng mạnh hơn 67% so với cùng kỳ năm 2024. Ảnh: QH

6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê mang về giá trị hơn 5,4 tỉ USD, tăng mạnh hơn 67% so với cùng kỳ năm 2024. Ảnh: QH

Doanh nghiệp cần chủ động đầu tư vào R&D, liên kết chặt chẽ với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao, đáp ứng các đơn hàng khó tính nhất.

Đề xuất liên minh Việt Nam - Brazil có thể xem như một "phép thử" cho tham vọng của ngành cà phê Việt. Thay vì kỳ vọng vào một sự hợp tác toàn diện vốn khó thành hiện thực, chúng ta nên xem đây là một chất xúc tác mạnh mẽ để tự cải cách. Con đường phía trước không phải là dựa dẫm vào một "người khổng lồ" khác, mà là tự mình vươn lên để trở thành một "người khổng lồ" thực sự trên bản đồ cà phê thế giới, không chỉ bằng sản lượng, mà bằng thương hiệu, chất lượng và giá trị bền vững.

Xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2025 đã vượt kỷ lục cả năm

Ngành cà phê Việt Nam đã thiết lập một kỷ lục lịch sử mới ngay trong 6 tháng đầu năm 2025. Theo thống kê, lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt khoảng 954.000 tấn, mang về giá trị hơn 5,4 tỉ USD, tăng 5% về khối lượng nhưng tăng đột biến 67,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, chỉ trong nửa năm, kim ngạch thu về đã chính thức vượt qua con số kỷ lục của cả năm 2024 (5,48 tỉ USD).

Mức tăng trưởng ấn tượng này chủ yếu nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng tới 59%, đạt 5.708 USD/tấn. Đức, Italia và Tây Ban Nha tiếp tục là các thị trường tiêu thụ hàng đầu.

Các chuyên gia góp ý Liên minh cà phê Việt Nam - Brazil cần chú trọng ổn định thị trường vì lợi ích chung cho người nông dân trồng cà phê. Ảnh: QH

Động lực mới cho thị trường đến từ thông tin Mỹ có thể sẽ áp mức thuế đối ứng hợp lý cho nông sản Việt. Mức thuế này được kỳ vọng sẽ thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh chính là Brazil và Colombia, giúp nâng cao vị thế của cà phê Việt. Hiệu ứng tích cực từ tin tức này đã giúp giá cà phê nội địa và giá Robusta thế giới bật tăng trở lại vào đầu tháng 7, sau chuỗi hơn hai tháng giảm sâu.

Với đà tăng trưởng hiện tại và những lợi thế cạnh tranh mới, dự báo giá trị xuất khẩu cà phê cả năm 2025 cầm chắc mốc 7,5 tỉ USD.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/lien-minh-ca-phe-viet-nam-brazil-bien-thach-thuc-thanh-co-hoi-post860032.html