Bộ Công Thương sẽ sát cánh cùng địa phương thực hiện chính quyền 2 cấp và phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Bộ Công Thương cam kết đồng hành cùng các địa phương để thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Phân cấp, phân quyền ngành Công Thương đạt hiệu quả cao

Phát biểu tại Hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, các dự án giao thông trọng điểm và Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã kịp thời tham mưu, ban hành hai nghị định (139 và 146), qua đó 208/401 nhiệm vụ (tương đương 52%) thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ đã được phân cấp cho địa phương.

Đồng thời, 150/486 thủ tục hành chính (chiếm 30,86%) đã được đơn giản hóa, đáp ứng mong muốn của chính quyền địa phương bấy lâu nay. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn khi thực hiện công tác phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị sáng 13/7 (Ảnh: Thừa Ngọc)

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị sáng 13/7 (Ảnh: Thừa Ngọc)

Trước đó, để công tác thực hiện đạt hiệu quả cao, Bộ Công Thương đã gấp rút ban hành các thông tư hướng dẫn và tổ chức tập huấn toàn quốc vào ngày 27/6, trước thời điểm sáp nhập tỉnh, thành ngày 1/7. Song song, Bộ luôn túc trực, duy trì đường dây nóng để hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương thực hiện vấn đề phân cấp nêu trên.

Vì vậy, tới nay, lĩnh vực Công Thương chưa ghi nhận vướng mắc lớn. Song, Bộ vẫn cam kết tiếp tục đồng hành để địa phương vận hành mô hình này cho thuần thục, chủ động.

Bên cạnh đó, về nhiệm vụ cung ứng điện cho các công trình giao thông trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định đã hoàn thành tốt hai nhiệm vụ được giao, đó là bảo đảm cung ứng điện phục vụ cả trong giai đoạn thi công và khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Đồng thời, việc di dời các công trình điện (chủ yếu là đường dây và trạm biến áp) hiện cơ bản hoàn tất, chỉ còn 3 điểm dự kiến sẽ được hoàn thành trước ngày 30/9, giải quyết công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho các công trình trọng điểm.

Cam kết sát cánh cùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Đối với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh đây là quyết sách rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhằm nâng cao giá trị ngành lúa gạo, cải thiện thu nhập, đời sống người dân và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đánh giá về sự thành công của đề án, Bộ trưởng nhận định kết quả phụ thuộc rất lớn vào vai trò chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương.

"Chính phủ hay các bộ, ngành chỉ đứng bên cạnh các đồng chí. Nếu thoát ly sự chỉ đạo của cấp ủy chính quyền, khó đạt kết quả tối ưu trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng. Thực tế là thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành rất nhiều chiến lược cho đến đề án và kế hoạch, cũng như là chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan đề xuất cơ chế chính sách", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận.

Trong đó, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ phối hợp phát triển ngành công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ. Thời gian qua, Bộ đã tham mưu Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030, tầm nhìn 2050; sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý (Nghị định 107 sang Nghị định 01 năm 2025) và sẽ tiếp tục sửa trong vài tuần tới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines để thúc đẩy quan hệ thương mại, hợp tác phát triển thị trường cho các mặt hàng nông sản, đặc biệt là hợp tác thương mại gạo

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines để thúc đẩy quan hệ thương mại, hợp tác phát triển thị trường cho các mặt hàng nông sản, đặc biệt là hợp tác thương mại gạo

Bộ còn tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường bằng việc ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) và tiến tới ký Hiệp định thương mại gạo với một số thị trường tiềm năng. Đặc biệt, trong chuyến công tác của Thủ tướng tại BRICS vừa qua, Bộ Công Thương đã kịp thời triển khai gửi công hàm và điều khoản dự thảo tham chiếu cho 5 nước là Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore và Brazil.

Điều thuận lợi là cả 5 nước này đã có phản hồi tốt, dự kiến tháng 7 và tháng 8, Bộ sẽ lập đoàn công tác để khởi động các đàm phán hiệp định, sau khi đã ký kết MOU. Ở chiều ngược lại, đối với một số thị trường đang khai mở khác, ví dụ ở khu vực châu Phi, hiện tồn tại không ít, nổi trội là vấn đề bảo đảm tiêu chuẩn xanh, bền vững vì các thị trường này có giá trị cao nhưng cũng rất khó tính.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diễn cho hay, để thực hiện tốt Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ đề nghị các bộ ngành, địa phương, phối hợp, tập trung thực hiện một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo, từ khâu quy hoạch đến tổ chức sản xuất; điều chỉnh cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng cơ giới, cải tiến công nghệ sau thu hoạch. Phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất để tiêu thụ; tạo nguồn hàng ổn định và chất lượng cao để xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đã ký.

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ dư lợi thuốc bảo vệ thực, hướng đến nền nông nghiệp xanh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường kiểm soát yếu tố đầu vào, từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm, quy trình canh tác để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu. Tiếp tục hoàn thiện phương thức tổ chức sản xuất và hệ thống cơ sở dữ liệu để truy xuất nguồn gốc; đầu tư phát triển các giống lúa chịu hạn, chịu mặn và các giải pháp công nghệ nông nghiệp thông minh, để đảm bảo nguồn cung ổn định cho các thị trường.

Thứ ba, tiếp tục đa dạng hóa công tác xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm và tiếp thị theo đặc thù thị hiếu, nhu cầu của từng thị trường. Xây dựng và quảng bá thương hiệu gạo Việt, đặc biệt là thương hiệu đã được thế giới ghi nhận, như ST25. Đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao vào thị trường có sức mua lớn, kết hợp khai thác các thị trường truyền thống và khai mở các thị trường mới, ở khu vực châu Phi, Trung Đông, Nam Á, Đông Bắc Á, Đông Âu, Nam Mỹ.

Bộ Công Thương đề nghị mỗi địa phương chỉ nên tiếp cận với 1 hoặc 2 thị trường. Mỗi thị trường cũng chỉ nên giao cho một vài địa phương. Có như vậy mới có thể gắn trách nhiệm của địa phương trong việc chỉ đạo xây dựng thương hiệu và duy trì vị thế sản phẩm.

Bộ Công Thương đề nghị mỗi địa phương chỉ nên tiếp cận với 1 hoặc 2 thị trường. Mỗi thị trường cũng chỉ nên giao cho một vài địa phương. Có như vậy mới có thể gắn trách nhiệm của địa phương trong việc chỉ đạo xây dựng thương hiệu và duy trì vị thế sản phẩm.

"Trước mắt, các tỉnh cử đoàn công tác phối hợp cùng Bộ Công Thương để làm việc với các thị trường như vừa nêu", Bộ trưởng cho hay.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đề nghị mỗi địa phương chỉ nên tiếp cận với 1 hoặc 2 thị trường. Mỗi thị trường cũng chỉ nên giao cho một vài địa phương. Có như vậy mới có thể gắn trách nhiệm của địa phương trong việc chỉ đạo xây dựng thương hiệu và duy trì vị thế sản phẩm.

"Nói một cách hình ảnh, chiếm thị trường đã khó, nhưng giữ thị trường khó hơn nhiều", Bộ trưởng nhận định và cho biết, Bộ Công Thương trong quá trình ký kết hiệp định thương mại nông sản hay lúa gạo với các thị trường sẽ mời từng địa phương tham gia với phương án cụ thể.

Hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm và Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm và Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ tư, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí vận chuyển, chế biến gạo và nâng cao năng lực logistics. Chú ý việc khai thác hạ tầng giao thông đồng bộ, từ hàng hải, hàng không, đường sắt tốc độ cao trong tương lai.

Thứ năm, phát huy vai trò đặc biệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Thực tế cho thấy, các vùng, khu vực trong nước từ lâu đều quan tâm đến tăng trưởng nhanh, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, còn lĩnh vực nông nghiệp gần như phó mặc cho địa phương.

Để phát huy được tiềm năng của các tỉnh trong khu vực thì các chỉ đạo trong lĩnh vực quy hoạch, tổ chức sản xuất và xây dựng thương hiệu chiếm lĩnh thị trường, duy trì thị trường cần phải thuộc trách nhiệm chính của các cấp ủy, chính quyền.

Cùng với đó, các hiệp hội, như Hiệp hội lương thực, xuất nhập khẩu cần nâng cao trách nhiệm, tăng cường đóng góp trong việc xây dựng, phản biện cơ chế chính sách về khai mở và nắm giữ thị trường.

Cuối cùng và cũng quan trọng nhất, các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long sau khi hợp nhất, cần đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương và khuyến khích đầu tư đồng bộ, để khai thác thế mạnh của các không gian phát triển mới, nhằm thực hiện hiệu quả đề án 1 triệu ha lúa.

"Bộ Công Thương cam kết sẽ đồng hành cùng các địa phương để thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những nội dung nêu trên", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Việt Anh - Thừa Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-se-sat-canh-cung-dia-phuong-thuc-hien-chinh-quyen-2-cap-va-phat-trien-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-410321.html