Liên minh châu Âu đề xuất gói trừng phạt mới đối với Nga
Hôm thứ Tư (4/5), Liên minh châu Âu (EU) đã công bố đề xuất cấm nhập khẩu dầu từ Nga và nhắm mục tiêu vào ngân hàng lớn nhất cũng như các hãng truyền thông lớn của nước này trong gói trừng phạt thứ 6 liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.
Cấm dầu của Nga vào cuối năm nay
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, lệnh cấm mạnh mẽ này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các sản phẩm dầu của Nga, “từ đường biển và đường ống cho đến dầu thô và tinh chế”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: AP
Lệnh cấm vận sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, với dầu thô bị cấm trong vòng 6 tháng và dầu tinh chế vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, EU vẫn cần phải thảo luận thêm và cần được cả 27 nước thành viên thông qua để đề xuất này có hiệu lực.
Ở một số quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, có sự miễn cưỡng ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn mà không có các giải pháp thay thế khả thi. Động thái này diễn ra trong một cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt đã khiến lạm phát trong khu vực đồng euro tăng tới khoảng 7,5% vào tháng 4 so với một năm trước đó.
Các nhà lập pháp châu Âu dù ủng hộ các biện pháp mới song vẫn cảnh báo rằng khối này cần phải giải quyết các tác động kinh tế và xã hội từ cuộc xung đột và các lệnh trừng phạt.
Esther de Lange, một chính trị gia người Hà Lan từ Đảng Nhân dân châu Âu trung hữu cho biết: “Chúng ta cần giải quyết những hậu quả đối với các gia đình, một số thậm chí không dám bật máy sưởi vì họ không còn đủ khả năng để làm như vậy”.
Trong khi đó, Luis Garicano, một thành viên Nghị viện Châu Âu người Tây Ban Nha, lập luận rằng lệnh cấm cần được đưa ra ngay lập tức, khi tính toán rằng kể từ đầu năm, “EU đã gửi cho Nga 52 tỷ euro”, con số này có thể tăng lên 100 tỷ euro vào cuối năm nay.
Các biện pháp trừng phạt khác
Trước áp lực kinh tế, Ủy ban châu Âu đã cam kết bơm thêm tiền vào nền kinh tế và nhanh chóng tìm kiếm các nhà cung cấp năng lượng mới. Hôm thứ Tư, EU đã thông qua một chương trình trị giá 11 tỷ euro của Đức để hỗ trợ các công ty bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Một giàn khoan dầu của Nga gần thị trấn Usinsk, cách thủ đô Moscow 1500 km về phía đông bắc. Ảnh: AP
Các số liệu của ngành công nghiệp Đức cảnh báo vào hôm thứ Tư rằng cuộc khủng hoảng năng lượng và các đợt phong tỏa Covid-19 ở Trung Quốc đang càng làm gián đoạn các chuỗi cung ứng chính trên toàn cầu.
Xuất khẩu của Đức giảm 3,3% trong tháng 3 so với tháng 2, trong bối cảnh các lô hàng đến Nga giảm 62,3%. Tuy nhiên, xuất khẩu đã tăng 8,8% so với tháng 3 năm ngoái.
“Những đám mây đen đang phủ bóng lên nền kinh tế Đức do xung đột Ukraine và chiến lược Không Covid của chính phủ Trung Quốc”, Joachim Lang, giám đốc điều hành của Liên đoàn Công nghiệp Đức, cho biết.
Gói trừng phạt mới được đề xuất cũng sẽ nhắm vào các quan chức quân sự Nga có liên quan đến các hoạt động trực tiếp tại Ukraine. Bà Von der Leyen đã công bố kế hoạch loại bỏ thêm nhiều ngân hàng Nga khỏi mạng SWIFT, bao gồm cả Sberbank, ngân hàng lớn nhất của nước này. Ngoài ra, 3 đài truyền hình nhà nước của Nga sẽ bị cấm phát sóng trên lãnh thổ các quốc gia EU.
Hoàng Anh (theo AP, SCMP)