Liên thông trong đào tạo: Tuyển sinh thế nào?

Theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, tuyển sinh liên thông được thực hiện theo một trong hai hình thức...

Sinh viên ngành Dược, Trường CĐ Y Hà Nội. Ảnh: INT

Sinh viên ngành Dược, Trường CĐ Y Hà Nội. Ảnh: INT

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân nếu được thông qua sẽ giúp hoạt động liên thông nói chung, tuyển sinh nói riêng được thực hiện chặt chẽ hơn và bảo đảm chất lượng.

2 hình thức tuyển sinh

Theo dự thảo, tuyển sinh liên thông được thực hiện theo một trong hai hình thức. Thứ nhất là tuyển sinh chung; được áp dụng cho tất cả thí sinh đáp ứng đủ điều kiện theo quy định đối với từng cấp học, trình độ và hình thức đào tạo. Thứ hai là tuyển sinh riêng; áp dụng cho những thí sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục ở cấp học, trình độ đào tạo cao hơn yêu cầu đầu vào tối thiểu của chương trình giáo dục dự kiến tuyển sinh.

Điều kiện, yêu cầu để cơ sở giáo dục tổ chức tuyển sinh riêng cũng được quy định rõ. Theo đó, đối tượng tuyển sinh là thí sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục ở cấp học hoặc trình độ đào tạo cao hơn yêu cầu đầu vào tối thiểu của chương trình giáo dục. Cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo (đối với các trình độ của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học) được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng còn hiệu lực.

Trong 3 năm gần nhất, số lượng tuyển mới vào chương trình giáo dục luôn đạt trên 50% chỉ tiêu đối với hình thức giáo dục, đào tạo dự kiến tuyển sinh riêng. Phương thức tuyển sinh, các tiêu chí đánh giá kiến thức, năng lực phải phù hợp với đối tượng tuyển sinh và yêu cầu của chương trình, đồng thời đảm bảo công bằng giữa các nhóm tuyển sinh. Cơ sở giáo dục đã ban hành, công bố quy định chi tiết về công nhận kết quả học tập trong chương trình giáo dục, phù hợp với các quy định...

Liên quan đến nội dung này, thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị quan tâm đến điểm mới khi dự thảo Nghị định quy định, người tốt nghiệp cao đẳng (CĐ), nếu chưa có bằng tốt nghiệp THPT thì được dự tuyển vào học liên thông theo các chương trình, ngành đào tạo thuộc cùng nhóm ngành nghề ở trình độ đại học (ĐH) theo các phương thức tuyển sinh chung như học sinh tốt nghiệp THPT.

Trước đây, nhiều trường ĐH không tuyển sinh đối tượng liên thông là người có bằng trung cấp, CĐ nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT. Nếu Nghị định này được ban hành, trường ĐH sẽ phải tiếp nhận người học như đã nói ở trên.

“Có ý kiến băn khoăn về việc thí sinh chưa có bằng tốt nghiệp THPT mà đã học ĐH. Tuy nhiên, thực chất các em đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định.

Nghị định cũng nêu rõ muốn liên thông lên ĐH, học sinh sẽ đăng ký dự thi các môn nằm trong tổ hợp của ngành tại trường mà mình muốn liên thông. Điều này có thể sẽ khó đối với các em, tuy nhiên, từ cái khó đó, các trường trung cấp, CĐ phải chú trọng đào tạo và giảng dạy các môn văn hóa chất lượng hơn”, thầy Lê Văn Hòa chia sẻ.

Nhận định dự thảo Nghị định đưa ra cơ chế liên thông rõ ràng với quy định cụ thể giúp học sinh dễ dàng học chuyển tiếp, thầy Lê Văn Hòa cho rằng, học sinh sẽ có nhiều cơ hội hơn để nâng cao trình độ học vấn; đồng thời khuyến khích các em vừa học văn hóa vừa học nghề, rút ngắn thời gian học tập để sớm tham gia thị trường lao động.

Điều này cũng tháo gỡ băn khoăn, nỗi lo cho phụ huynh học sinh khi quyết định cho con em đi học các trường nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Khi đối tượng được mở rộng, số lượng tuyển sinh học ĐH theo hình thức liên thông sẽ tăng lên, học sinh sau THCS vào học trung cấp, CĐ nghề nhiều hơn vì các em được học liên thông lên ĐH. Đây là điều kiện thuận lợi để trong tương lai các trường trung cấp, CĐ nghề tuyển sinh được nhiều học sinh hơn.

 Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú

Bảo đảm chất lượng tuyển sinh

Khẳng định ban hành Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân là cần thiết, TS Phạm Kim Thư - Hiệu trưởng Trường CĐ Hữu Nghị đồng thời lưu ý, công tác tuyển sinh cần đảm bảo linh hoạt, công bằng, công khai và chất lượng.

Cụ thể, các cơ sở giáo dục cần xây dựng và công bố công khai đề án tuyển sinh. Đề án cần quy định rõ: Đối tượng tuyển sinh, tiêu chuẩn đầu vào, yêu cầu kinh nghiệm làm việc (nếu cần); phương thức tuyển sinh, thời gian xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh, chương trình học, thời gian đào tạo, học phí, cơ hội nghề nghiệp.

Đề án tuyển sinh cũng cần rõ các quy định liên quan đến chuyển đổi tín chỉ, số tín chỉ tối đa có thể được công nhận từ chương trình đào tạo đã tốt nghiệp của thí sinh, học phần được phép công nhận, loại học phần không được chuyển đổi để đảm bảo chất lượng và bản sắc của cơ sở đào tạo (như các học phần thuộc khối kiến thức chuyên ngành…).

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) thì cho rằng, để đảm bảo chất lượng của quá trình liên thông, cần tiếp tục rà soát đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh với quy trình rõ ràng, minh bạch, đảm bảo chất lượng, sự công bằng giữa các nhóm đối tượng, năng lực thực đạt ở trình độ đào tạo trước đó.

Đồng thời, công tác đánh giá cần tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, cốt lõi là bộ công cụ đánh giá năng lực phải được xây dựng trên cơ sở khoa học, phù hợp với từng ngành, trình độ đào tạo, để tránh việc tuyển sinh hình thức, cảm tính, chủ quan, không dựa trên việc đánh giá đúng năng lực của người học.

Việc công nhận tín chỉ học phần hiện còn nhiều bất cập, chưa thống nhất giữa các cơ sở giáo dục. Để có thể thực hiện liên thông, theo PGS.TS Trần Thành Nam, cần có quy trình rõ ràng, minh bạch về xét công nhận tín chỉ, học phần, dựa trên chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Vì vậy, cần có những hội đồng chuyên môn đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo tín chỉ, học phần được công nhận tương đương về nội dung và khối lượng kiến thức trước khi ban hành.

“Nghị định khi ra đời sẽ đặt vai trò của công tác tư vấn hướng nghiệp vào vị trí đặc biệt quan trọng. Vì vậy, cần phải chuẩn bị lực lượng và nâng cao năng lực đội ngũ. Người làm công tác tư vấn hướng nghiệp cần được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn sâu về các chương trình đào tạo, quy tắc liên thông, đặc điểm năng lực phẩm chất người học và xu thế vận động của thị trường lao động, thế giới nghề nghiệp để tư vấn, định hướng người học lựa chọn chương trình phù hợp với năng lực, sở thích và mục tiêu nghề nghiệp”, PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý thêm.

Nghị định nếu được ban hành sẽ tạo sự thông thoáng, giúp giải quyết các điểm nghẽn về đào tạo liên thông mà thực tế đang vướng mắc. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể để kiểm soát chất lượng đầu vào, đầu ra và tăng mức tự chủ tài chính đối với các trường trung cấp, CĐ nghề. Từ đó, tự thân các trường phải khẳng định được chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động và học tập của người dân. - Thầy Lê Văn Hòa (tỉnh Quảng Trị)

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lien-thong-trong-dao-tao-tuyen-sinh-the-nao-post715534.html