Liên tiếp ngộ độc thực phẩm, phải xử lý nghiêm mới đủ tính răn đe

Hàng quán 'bu' trước cổng trường khi năm học mới bắt đầu, nhiều thực phẩm, nước uống không rõ nguồn gốc, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn được bày bán. Trên cả nước thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, khiến nhiều người lo ngại về an toàn thực phẩm (ATTP) tại các bếp ăn tập thể cũng như hàng rong trên đường phố. Đặc biệt, gia tăng ngộ độc bởi vi khuẩn nguy hiểm Salmonella, tụ cầu, E.coli.

Vừa vào năm học mới, liên tiếp ngộ độc thực phẩm

Vừa vào năm học mới, các hàng quán xung quanh trường học lại tái diễn bùng nổ, đặc biệt là thức ăn nhanh bán rong bu quanh cổng trường vào giờ tan học. Một tốp học sinh vừa tan trường sà vào xe đẩy rong bán các đồ xiên nướng đứng ở dưới lòng đường Núi Trúc, ăn ngay tại chỗ. Các xe thức ăn nhanh rong này không hề có gì che đậy để tránh bụi bẩn từ đường phố, từ hàng nghìn người qua lại. Thực khách thì vô tư ăn uống mà không biết những loại xiên nướng này có nguồn gốc từ đâu. Vừa không đảm bảo chất lượng, lại mất an toàn thực phẩm khi bán rong, song do giá rẻ, nên được tiêu thụ rất chạy.

Năm học mới chưa được một tháng, song thời gian qua, liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm, nhiễm vi khuẩn gây bệnh tiêu hóa lại xảy đến với học sinh. Mới đây nhất, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho biết, trong 2 ngày 21 và 22/9, tại địa phương đã ghi nhận 30 học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú và THCS Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, xuất hiện triệu chứng ngộ độc sau khi uống một loại nước ngọt có chữ nước ngoài mua ở cổng trường. Các em sau khi uống loại nước trên có triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy… Những học sinh này mua nước ngọt ở cổng trường, đóng trong chai dung tích 245ml, không rõ nguồn gốc, nhãn ghi chữ nước ngoài. 20 phút sau uống loại nước trên, các em đều có biểu hiện ngộ độc. Một số em nhẹ vào điều trị tại Trạm Y tế xã Cốc Pàng, còn trường hợp nặng phải đưa lên Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc.

Học sinh Trường mầm non Ban Mai (TP Hà Tĩnh) nhập viện sau bữa ăn bán trú.

Học sinh Trường mầm non Ban Mai (TP Hà Tĩnh) nhập viện sau bữa ăn bán trú.

Hiện, cơ quan chức năng của huyện Bảo Lạc vẫn chưa có kết quả xét nghiệm mẫu nước trên. Trước đó, 25 học sinh của Trường Tiểu học Việt Chu, xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang (Cao Bằng) cũng bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn kẹo, uống nước ngọt, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mua ở cổng trường.

Không chỉ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố, mà năm học vừa bắt đầu, đã có học sinh bị ngộ độc từ chính bữa ăn bán trú tại trường và nhiễm vi khuẩn E.coli. Vào các ngày 15-17/9, tại các Trạm Y tế và Trung tâm Y tế huyện Hải Hà (Quảng Ninh) tiếp nhận 30 học sinh, giáo viên Trường mầm non Quảng Thịnh nhập viện với biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, sốt. Qua xét nghiệm, phân tích, đánh giá của Trung tâm Y tế huyện Hải Hà và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh, các ca bệnh bị rối loạn tiêu hóa do nhiễm vi khuẩn E.coli và vi khuẩn Shigella. Các vi khuẩn này gây bệnh đường tiêu hóa, lây lan từ người sang người, chủ yếu qua đường phân và miệng, có thể gián tiếp hoặc trực tiếp. CDC Quảng Ninh và chính quyền xã Quảng Thịnh phải tiến hành phun khử khuẩn tại khu vực trường học, gia đình có ca bệnh để hạn chế lây lan.

Gần đây, theo phản ánh của nhiều phụ huynh có con theo học tại Trường mầm non Ban Mai, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh, sau bữa ăn bán trú ở trường về, con có triệu chứng buồn nôn, nôn liên tục, đau bụng, mệt mỏi. Đến đêm, có 12 học sinh phải nhập viện điều trị nghi ngộ độc. Theo BS Hoàng Thị Ái Vân, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, 6 trường hợp là học sinh mầm non vào viện với các triệu chứng nôn ói, đau bụng, đây là những triệu chứng phổ biến của ngộ độc. Sau điều trị, các cháu đã ổn định. Đến nay, vẫn chưa có kết luận của vụ ngộ độc trên.

Cần xử lý nghiêm vi phạm

Không chỉ ngộ độc thực phẩm liên quan đến trường học, mà thời gian qua, liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xuất hiện. Điển hình là vụ ngộ độc thực phẩm tại một đám cưới ở huyện Lạc Dương, Lâm Đồng khiến 78 người phải nhập viện vào tháng 8 vừa qua. Ngày 11/9, tại Quảng Nam lại xảy ra vụ ngộ độc bánh mì Phượng khiến 313 người bị ngộ độc (có 103 người nước ngoài), trong đó có 273 người phải nhập viện. Theo kết luận của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam, thức ăn gây ngộ độc là thịt heo, xá xíu, rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo (những thành phần trong ổ bánh mì Phượng) có vi khuẩn Salmonella.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, vi khuẩn Salmonella là thủ phạm thường thấy trong các vụ ngộ độc thực phẩm có quy mô lớn. Tại nước ta đã ghi nhận nhiều vụ ngộ độc tập thể do vi khuẩn Salmonella gây ra. Năm 2022, vi khuẩn này đã gây ra vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Tiểu học-THCS-THPT Ischool Nha Trang khiến 1 học sinh tử vong, hơn 600 học sinh phải nhập viện cấp cứu. Đây là vi khuẩn nguy hiểm trong số các vi khuẩn đường ruột gây ngộ độc thực phẩm. Có tới 8% các trường hợp vi khuẩn đi sâu vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và dễ tử vong, đặc biệt khi vi khuẩn quá nhiều, cơ thể yếu… Theo cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ, tỷ lệ tử vong của ngộ độc này khoảng 1%, đó là điều kiện ở nước phát triển.

BS Nguyên cho biết, ngày nào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận các trường hợp ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc tập thể hầu như năm nào cũng xảy ra, nhiều vụ có quy mô lớn như bếp ăn tập thể ở công ty, xí nghiệp, trường học, hội nghị… “Muốn biết thực phẩm có an toàn hay không phải đảm bảo kiểm soát trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến đến lên bàn ăn, rồi ngay cả nơi chế biến như bếp, phòng ốc, các vật dụng chế biến như dao, thớt, vật dụng chứa đựng (khay, hộp), bề mặt chế biến, nguồn gốc thực phẩm, bàn tay, sức khỏe người chế biến, côn trùng, chuột, nhà vệ sinh… Nếu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của các điều kiện trên, vi khuẩn từ nguyên liệu thực phẩm, từ các môi trường chế biến như trên hoặc từ người chế biến mang mầm bệnh theo vào bữa ăn”, BS Nguyên cảnh báo.

Để đảm bảo an toàn, BS Nguyên kiến nghị: Nhà nước đã có nhiều quy định liên quan đến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, tuy nhiên cần phải giám sát thật chặt tất cả các khâu trong chuỗi thực phẩm. Khi phát hiện các vi phạm, cơ quan chức năng cần xử lý thật nghiêm, đủ tính răn đe. Bếp ăn tập thể phải đảm bảo thực hiện các điều kiện quy định chặt chẽ về đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống như: Nguồn nguyên liệu thực phẩm, nơi chế biến, cơ sở chế biến, thực tế việc triển khai chế biến và bảo quản thực phẩm.

T.Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/lien-tiep-ngo-doc-thuc-pham-phai-xu-ly-nghiem-moi-du-tinh-ran-de-i708456/