Liên tục thua lỗ trong 3 năm, doanh nghiệp bỗng lãi hàng chục tỷ sau khi bán sách giáo khoa xã hội hóa

CTCP Đầu tư Xuất bản và Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) thua lỗ liên tục trong 3 năm từ 2017-2019. Ngay khi bắt đầu chuyển sang bán sách giáo khoa xã hội hóa, lợi nhuận của VEPIC tăng hàng chục tỷ đồng.

Sách giáo khoa xã hội hóa có giá tăng gấp 2,6 lần liệu có thỏa đáng?

Trước khi bước vào năm học mới 2023 - 2024, một lần nữa câu chuyện về giá của những cuốn sách giáo khoa (SGK) xã hội hóa lại trở nên nóng hơn bao giờ hết. Cái tên được nhắc đến nhiều trong những ngày qua đó là bộ SGK Cánh Diều của CTCP Đầu tư Xuất bản và Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC), khi mà có nhiều ý kiến cho rằng, giá SGK của đơn vị này đang cao hơn so với của chương trình cũ nhiều lần.

Cụ thể, bộ SKG trọn bộ cho học sinh lớp 4 Cánh Diều đang được bán với giá 230.000 đồng/bộ. Trong khi bộ SGK chương trình cũ của Nhà xuất bản Giáo dục chỉ có giá 87.000 đồng/bộ. Như vậy, giá của bộ sách Cánh Diều đang cao hơn 2,6 lần so với bộ SGK theo chương trình cũ.

 Có ý kiến cho rằng bộ Sách giáo khoa xã hội hóa Cánh Diều (bên phải) đang có giá cao hơn so với sách giáo khoa cũ.

Có ý kiến cho rằng bộ Sách giáo khoa xã hội hóa Cánh Diều (bên phải) đang có giá cao hơn so với sách giáo khoa cũ.

Trong khi đó, bộ SGK Cánh Diều dành cho học sinh lớp 4 có 13 cuốn còn ở chương trình cũ chỉ có 9 cuốn. Giá trung bình cho các đầu sách của bộ Cánh Diều là 17.600 đồng/cuốn, còn sách giáo khoa chương trình cũ có giá trung bình thấp hơn nhiều với 9.600 đồng/cuốn.

Về vấn đề này, ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch HĐQT của VEPIC đã từng giải thích rằng do giá nguyên liệu, công in, nhuận bút, chi phí quảng cáo, tập huấn giáo viên đều cao hơn trước. Thêm vào đó, bộ sách Cánh Diều in ở giấy khổ to hơn 1,3 lần so với SGK cũ, in 4 màu, chất lượng giấy tốt hơn nên giá cũng có thể sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, khi đến một số nhà sách trên địa bàn TP HCM, phóng viên của Báo Nhà báo và Công luận ghi nhận thực tế rằng, không chỉ có giá cao hơn bộ SGK cũ mà bộ Cánh Diều thậm chí còn có giá cao hơn so với SGK mới cùng loại.

 Giá sách Tiếng Việt Lớp 4 - Tập 1 của bộ Cánh Diều là 26.000 đồng, cao hơn so với sách cùng loại của bộ Chân Trời Sáng Tạo, chỉ 22.000 đồng.

Giá sách Tiếng Việt Lớp 4 - Tập 1 của bộ Cánh Diều là 26.000 đồng, cao hơn so với sách cùng loại của bộ Chân Trời Sáng Tạo, chỉ 22.000 đồng.

Đơn cử như cuốn sách Tiếng Việt lớp 4 - Tập một của bộ Cánh Diều đang có giá 26.000 đồng trong khi sách Tiếng Việt lớp 4 - Tập một của bộ Chân Trời Sáng Tạo chỉ có giá 22.000 đồng. Cuốn Khoa học lớp 4 của bộ Cánh Diều đang có giá 19.000 đồng, trong khi sách Toán tập một của bộ Chân Trời Sáng Tạo có giá chỉ 17.000 đồng.

Như vậy thì không chỉ so với các bộ SGK cũ mà ngay cả khi so sánh với các bộ SGK cùng loại hiện nay, bộ Cánh Diều của VEPIC cũng đang có giá cao hơn từ 12% đến 18%. Đó cũng là lý do khiến nhiều phụ huynh có ý kiến thắc mắc về mức giá của bộ SGK này.

Kinh doanh 3 năm liền thua lỗ cả chục tỷ đồng, bất ngờ tăng lãi hàng chục tỷ sau khi bán sách giáo khoa

Về tình hình kinh doanh của VEPIC, theo ghi nhận trên báo cáo tài chính các năm từ 2017 - 2022 thì kết quả kinh doanh của đơn vị này thể hiện 2 sắc thái rõ rệt từ trước và sau khi được bán SGK xã hội hóa.

Từ năm 2017 đến năm 2019, trước khi được bán SGK xã hội hóa, VEPIC liên tục ghi nhận thua lỗ với khoản lỗ tăng dần theo từng năm. Trong đó, năm 2017 công ty đạt doanh thu 5,8 tỷ đồng, lỗ 1,9 tỷ sau thuế. Sang năm 2018, doanh thu giảm còn 5 tỷ đồng, lỗ sau thuế tăng vọt lên 10,4 tỷ đồng. Đến năm 2019, doanh thu sụt giảm tiếp còn 4,1 tỷ, lỗ sau thuế tăng lên đỉnh điểm 14,4 tỷ đồng.

Sang năm 2020, ngay khi bộ SGK xã hội hóa Cánh Diều ra đời, từ mức doanh thu 4,1 tỷ đồng, VEPIC ghi nhận doanh thu tăng vọt tới 46 lần, lên 188,2 tỷ đồng. Lợi nhuận của công ty từ vị thế thua lỗ 14,4 tỷ liền chuyển thành lãi 22,5 tỷ đồng. Điều này tương ứng với việc lãi sau thuế của VEPIC tăng tới 36,9 tỷ đồng so với năm trước. Đây là "bước chuyển mình" đáng kinh ngạc mà bất kỳ một đơn vị xuất bản giáo dục nào cũng phải mơ ước.

Trong 2 năm tiếp theo, VEPIC ghi nhận doanh thu tăng lên 317,1 tỷ tại năm 2021, đạt đỉnh ở 615,7 tỷ đồng ngay trong năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của 2 năm này cũng lần lượt ghi nhận ở mức 29,6 tỷ và 46 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý đó là lợi nhuận gộp trong năm 2022 của VEPIC là 211,7 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp ghi nhận ở mức 35%. Mức biên lợi nhuận gộp này cũng tương đối cao nếu so sánh với các đơn vị xuất bản giáo dục khác trong cùng ngành. Ví dụ như CTCP Bản đồ và Tranh ảnh Giáo dục (EIC) với 25,5% hay như CTCP Sách và thiết bị Giáo dục Miền Bắc (NBE) chỉ 13,8%.

Tổng tài sản tăng gần 6 lần kể từ khi làm sách giáo khoa xã hội hóa

Kết quả kinh doanh khởi sắc của VEPIC còn được thể hiện thông qua biến động về tổng tài sản của đơn vị này. Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của VEPIC đạt 672,3 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với thời điểm đầu năm. Trong khi tại cuối năm 2019, tổng tài sản của VEPIC chỉ đạt 116,4 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy rằng trong 4 năm bán SGK xã hội hóa, quy mô tổng tài sản của VEPIC đã phình to ra tới gần 6 lần.

Trong cơ cấu nguồn vốn của VEPIC, một phần rất lớn đến từ việc vay nợ với nợ phải trả chiếm 77,5% tương ứng 521,1 tỷ đồng. Các khoản nợ ngắn hạn của công ty cũng đã tăng từ 185,5 tỷ đồng lên 381,9 tỷ đồng tại cuối năm 2022.

Và mặc dù ghi nhận có lãi hàng chục tỷ đồng tại năm 2022 nhưng báo cáo lưu chuyển dòng tiền của VEPIC lại âm tới 113,4 tỷ đồng. Trong năm 2021 trước đó, công ty cũng âm tới 154,3 tỷ đồng trong năm 2021.

Trang Thu

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lien-tuc-thua-lo-trong-3-nam-doanh-nghiep-bong-lai-hang-chuc-ty-sau-khi-ban-sach-giao-khoa-xa-hoi-hoa-post255923.html