Liệu đồng đô la yếu có châm ngòi chiến tranh tiền tệ?
Sự suy yếu của đồng đô la Mỹ đang gây áp lực phá giá tiền tệ ở các nước phụ thuộc vào xuất khẩu nhằm duy trì tính cạnh tranh. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng các nước sẽ tạm thời không hành động như vậy để tránh gây bất ổn thêm cho nền kinh tế toàn cầu.

Trong năm nay, đô la Mỹ giảm giá mạnh so với các ngoại tệ chủ chốt khác. Ảnh: Reuters
Đồng đô la Mỹ đang trượt dốc, kéo theo một làn sóng hỗn loạn trên thị trường tiền tệ toàn cầu.
Nỗi bất an về chính sách thương mại của Mỹ đã khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi đồng đô la và trái phiếu chính phủ Mỹ trong vài tuần qua. Chỉ số DXY theo dõi giá đồng bạc xanh so với một rổ 6 ngoại tệ mạnh đã tăng gần 9% từ đầu năm. Giới quan sát thị trường dự báo đô la sẽ còn giảm giá thêm nữa.
Theo khảo sát mới nhất của ngân hàng Bank of America, 61% nhà quản lý quỹ toàn cầu tin rằng đô la sẽ tiếp tục mất giá trong 12 tháng tới, đánh dấu tâm lý bi quan nhất đối với đô la trong gần hai thập niên.
Sự suy yếu của đô la khiến các đồng tiền khác đặc biệt là những đồng tiền được xem là nơi trú ẩn an toàn như yen Nhật, franc Thụy Sĩ và euro bứt phá mạnh mẽ. Ba đồng tiền này tăng giá 10-11% so với đô la kể từ đầu năm.
Các đồng tiền khác cũng tăng giá đáng kể với peso Mexico tăng 5,5%, đô la Canada nhích lên hơn 4%, zloty Ba Lan tăng hơn 9% và rúp Nga thì bùng nổ với mức tăng hơn 22%.
Đối với nhiều ngân hàng trung ương, sự suy yếu của đô la Mỹ là tin vui.
“Hầu hết các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trên toàn cầu sẽ mừng rỡ nếu đô la giảm giá từ 10-20%,” Adam Button, chuyên gia phân tích tiền tệ của nền tảng tin tức ngoại hối ForexLive bình luận.
Sức mạnh của đô la từ lâu đã là “cái gai” đối với các nước gắn tỷ giá với đồng bạc xanh. Đối với các thị trường mới nổi ngập nợ bằng đô la, sự suy yếu của đô la sẽ giúp giảm gánh nặng nợ thực tế. Hơn nữa, đồng nội tệ mạnh lên giúp hàng nhập khẩu rẻ hơn, kiềm chế lạm phát, mở đường cho các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng.
“Cơn bán tháo đô la gần đây mang lại sự nhẹ nhõm cho các ngân hàng trung ương”, Button bình luận
Tuy nhiên, đồng nội tệ mạnh cũng có mặt trái là làm cho hàng xuất khẩu của nước sử dụng đồng tiền đó kém cạnh tranh do đắt đỏ hơn, đặc biệt khi Mỹ đang áp hàng loạt mức thuế quan mới. Điều này khiến châu Á, “công xưởng của thế giới”, dễ bị tổn thương nhất, theo Thomas Rupf, đồng giám đốc đầu tư chi nhánh Singapore của ngân hàng VP Bank Group (Liechtenstein).
Để bảo vệ lợi thế cạnh tranh, các nước có thể can thiệp, cố ý làm yếu đồng nội tệ (phá giá) thông qua giảm lãi suất, in tiền hoặc bán nội tệ mua ngoại tệ. Hành động này có thể kéo theo phản ứng trả đũa từ các nước khác, tạo ra vòng xoáy phá giá tiền tệ.
Phá giá tiền tệ đang trở thành một “vũ khí” được cân nhắc ở các thị trường mới nổi, đặc biệt ở châu Á, theo Nick Rees, giám đốc nghiên cứu vĩ mô của công ty môi giới ngoại hối Monex Europe.
Thế nhưng, đây là chiến lược đầy rủi ro, giống như “con dao hai lưỡi”. Wael Makarem, nhà chiến lược của công ty môi giới tài chính trực tuyến Exness cảnh báo, nhiều thị trường mới nổi đáng đối mặt lạm phát cao, nợ nần lớn và nguy cơ dòng vốn tháo chạy, khiến việc phá giá đồng nội tệ trở nên nguy hiểm. Hơn nữa, phá giá có thể bị Mỹ coi là thao túng tiền tệ, dẫn đến trả đũa thương mại.
Theo Alex Muscatelli, nhà kinh tế vĩ mô của Fitch Ratings, đồng nội tệ yếu đi còn có thể kích hoạt dòng vốn tháo chạy.
Hiện tại, các ngân hàng trung ương đang cố kiềm chế để không châm ngòi một cuộc chiến tiền tệ vì lo ngại sẽ làm gia tăng bất ổn.
Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ đang đau đầu với đồng franc mạnh, khiến hàng xuất khẩu, đóng góp chiếm hơn 75% GDP, trở nên đắt đỏ. “Nếu dòng vốn tiếp tục đổ vào, Thụy Sĩ có thể phải dùng biện pháp mạnh để phá giá đồng franc”, Button của ForexLive nói.
Dù vậy, phá giá không phải lựa chọn được ưa chuộng vì có thể thổi bùng lạm phát, đe dọa mục tiêu kiểm soát giá cả. Hơn nữa, trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, phá giá có thể bị coi là hành động khiêu khích, theo nhà chiến lược ngoại hối Brendan McKenna của ngân hàng Wells Fargo.
Các yếu tố như dự trữ ngoại hối, nợ nước ngoài, cán cân thương mại và độ nhạy với lạm phát nhập khẩu sẽ quyết định liệu một quốc gia có nên phá giá tiền tệ hay không.
“Những nước xuất khẩu mạnh, có dự trữ dồi dào nên và ít phụ thuộc nợ ngoại tệ có nhiều dư địa hơn để phá giá tiền tệ nhưng cũng sẽ hành động thận trọng”, McKenna nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, các ngân hàng trung ương đang chọn cách né tránh xung đột tiền tệ để bảo vệ sự ổn định kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện nay, phá giá tiền tệ còn có thể bị coi là thao túng tiền tệ, mời gọi sự trả đũa, Thomas Rupf của VP Bank Group cảnh báo.
Theo CNBC
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lieu-dong-do-la-yeu-co-cham-ngoi-chien-tranh-tien-te/