Linh Sơn chú trọng phát triển kinh tế trang trại

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) khuyến khích nhân dân tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại.

Gia đình anh Từ Văn Quyền (áo trắng), ở xóm Thông Nhãn, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) có thể thu lãi 700-800 triệu đồng/năm từ chăn nuôi gia công gà đẻ trứng.

Gia đình anh Từ Văn Quyền (áo trắng), ở xóm Thông Nhãn, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) có thể thu lãi 700-800 triệu đồng/năm từ chăn nuôi gia công gà đẻ trứng.

5 năm trước, gia đình anh Từ Văn Quyền, ở xóm Thông Nhãn, xã Linh Sơn, có thu nhập chính từ làm ruộng. Tuy nhiên, nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao, vợ chồng anh đã chuyển hướng sang chăn nuôi. Sẵn có diện tích đất rộng (hơn 2.000m2), anh Quyền xây dựng trang trại nuôi gà đẻ trứng theo hình thức gia công, với quy mô 21.000 con.

Anh Quyền cho biết: Điều kiện để chăn nuôi gia công là người dân phải xây dựng chuồng trại theo đúng tiêu chuẩn, do vậy kinh phí đầu tư ban đầu rất lớn. Để đầu tư theo hướng này, vợ chồng tôi phải vay ngân hàng hơn 2 tỷ đồng.

Khi chăn nuôi gia công, chúng tôi được hỗ trợ con giống, kỹ thuật. Sản phẩm thu về là trứng gà được công ty bao tiêu toàn bộ. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, gia đình tôi có thể thu lãi 700-800 triệu đồng. Hiện nay, ngoài 2 vợ chồng, tôi còn thuê thêm 2 lao động, với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.

Còn với gia đình anh Lê Văn Khánh, ở xóm Làng Phan, vợ chồng anh "khởi nghiệp" chăn nuôi khá muộn. Theo đó, sau khi nghỉ hưu, vợ chồng anh Khánh vay vốn ngân hàng để đầu tư chuồng trại chăn nuôi, với tổng đàn trên 500 con.

Anh Khánh chia sẻ: Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm nên gia đình chỉ chăn nuôi quy mô nhỏ, sau đó mở rộng dần. Hiện nay, trang trại của tôi đang duy trì 60 con lợn nái, toàn bộ lợn con đều để nuôi bán thịt. Tính bình quân, tổng doanh thu mỗi năm của trang trại đạt khoảng 5 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, tôi thu lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Trên địa bàn xã Linh Sơn hiện có 20 trang trại và hơn 100 gia trại, chủ yếu là chăn nuôi lợn, gà (quy mô mỗi trại gà khoảng 15.000-20.000 con, trại lợn từ 100-500 con). Trong đó có khoảng 30% trang trại, gia trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn.

Để hỗ trợ người dân, thời gian qua, xã đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con; kết nối giúp nông dân tiếp cận với các nguồn vốn vay để mở rộng quy mô chăn nuôi; thành lập các tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi để các hộ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm…

Theo ông Trần Văn Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Linh Sơn: Hiện nay, tổng dư nợ tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội của Hội Nông dân xã là trên 24 tỷ đồng, với gần 400 hộ vay, chiếm khoảng 20% tổng số hội viên. Tính riêng chăn nuôi, doanh thu bình quân của mỗi trang trại, gia trại đạt từ 500 triệu đồng đến 5-6 tỷ đồng/năm.

Cũng theo ông Nam, trên cơ sở hiệu quả chăn nuôi, mới đây, xã Linh Sơn được Hội Nông dân tỉnh, TP. Thái Nguyên lựa chọn ra mắt Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi gà đẻ trứng, với 13 thành viên. Các thành viên tham gia Tổ hội nghề nghiệp đều là chủ những trang trại, gia trại có quy mô, đã ứng dụng công nghệ hiện đại trong chăn nuôi.

Việc thành lập Tổ hội nghề nghiệp giúp các thành viên và hộ chăn nuôi trên địa bàn xã có điều kiện để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin về tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ… Qua đó hỗ trợ nhau đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến và ứng dụng vào chăn nuôi.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202312/linh-son-chu-trongphat-trien-kinh-te-trang-trai-df30fea/