Lộ diện các dự án giao thông lớn chậm giải ngân vốn đầu tư công
Một số dự án cao tốc và dự án lớn có tiến độ thi công chậm, như: Cao tốc Cam Lộ-La Sơn, cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết, cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt,...
Thông tin từ Vụ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), tính đến hết tháng 2/2022, Bộ GTVT đã giải ngân được 2.467 tỷ đồng, đạt 4,9% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả giải ngân 2 tháng đầu năm của Bộ GTVT thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 9%) và so với bình quân chung cả nước (8,61%).
Thống kê của Vụ KH-ĐT về kết quả giải ngân của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án được giao vốn lớn (trên 100 tỷ đồng) cho thấy, các đơn vị có kết quả giải ngân cao hơn tỷ lệ bình quân của Bộ GTVT gồm: Sở GTVT Điện Biên 98/417 tỷ đồng (23,5%); Ban QLDA Đường sắt 212/1.839 tỷ đồng (10,7%); Ban QLDA7 đạt 551/5.259 tỷ đồng (10,4%); Ban QLDA Đường thủy 102/930 tỷ đồng (10,3%); Ban QLDA Thăng Long 608/6.830 tỷ đồng (9,6%).
Trong khi đó, các chủ đầu tư, ban QLDA có kết quả giải ngân thấp hơn mức bình quân của Bộ GTVT, gồm: Tổng cục ĐBVN 21/1.4000 tỷ đồng (1,51%); Ban QLDA Mỹ Thuận 89/3.699 tỷ đồng (2,42%); Ban QLDA Hàng hải 39/1.489 tỷ đồng (2,63%)%); Ban QLDA đường Hồ Chí Minh 177/4.290 tỷ đồng (4,15%).
Ngoài ra, một số chủ đầu tư chưa giải ngân hoặc chưa phân khai kế hoạch vốn, gồm: Sở GTVT Hưng Yên (597 tỷ đồng, chưa phân khai phân khai kế hoạch), Sở GTVT Ninh Bình (112 tỷ đồng, chưa phân khai kế hoạch), Sở GTVT Hà Nam (932 tỷ đồng), Ban QLDA Đắk Lắk (750 tỷ đồng), Sở GTVT Nghệ An (510 tỷ đồng), Sở GTVT Đồng Tháp (422 tỷ đồng), Sở GTVT Thái Bình (349 tỷ đồng), Sở GTVT Thanh Hóa (315 tỷ đồng), Sở GTVT Hà Giang (307 tỷ đồng), Sở GTVT Kon Tum (250 tỷ đồng), Sở GTVT Yên Bái (191 tỷ đồng), Sở GTVT Hậu Giang (128 tỷ đồng); Sở GTVT Hải Dương (128 tỷ đồng), Sở GTVT Phú Thọ (121 tỷ đồng).
Đánh giá về nguyên nhân chậm giải ngân, đại diện Vụ KH-ĐT cho biết, về khách quan, trong tháng 1/2022, các đơn vị tập trung giải ngân phần còn lại của kế hoạch năm 2021 và tháng 2/2022 vào thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán. Đồng thời, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu) phải thực hiện thu hồi số mới tạm ứng hợp đồng vào cuối năm 2021.
Về nguyên nhân chủ quan, Vụ KH-ĐT nêu rõ, qua theo dõi của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD & CLCTGT), một số dự án cao tốc và dự án lớn có tiến độ thi công chậm, như: Cam Lộ - La Sơn (Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh) chậm 0,54% kế hoạch, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Ban QLDA7) chậm 8,22% kế hoạch, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (Ban QLDA6) chậm 6,93% kế hoạch.
Tiếp đến, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (Ban QLDA Mỹ Thuận) chậm 2,5% kế hoạch, dự án thành phần 2 thuộc dự án nâng cấp cải tảo QL24 (Sở GTVT Kon Tum) chậm 5% kế hoạch, dự án thành phần 2 thuộc dự án cải tạo nâng cấp QL25 (Ban QLDA6) chậm 13,5% kế hoạch.
Dự án thi công chậm tiến độ dẫn tới kết quả giải ngân thấp hơn so với kế hoạch đăng ký. Cụ thể, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Ban QLDA7) chậm 57 tỷ đồng; cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (Ban QLDA6) chậm 42 tỷ đồng,...
“Ngoài ra, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa quyết liệt chỉ đạo điều hành, chưa thực hiện phân khai kế hoạch để có thể giải ngân ngay các khoản thu hồi ứng trước kế hoạch, các khối lượng thi công đã hoàn thành, chưa tranh thủ thời điểm thời tiết đang thuận lợi cho thi công để chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn huy động bổ sung nhân lực, thiết bị, vật tư, vật liệu, tăng ca, tăng mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt đối với các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã cam kết rút ngắn tiến độ 3 tháng,…” đại diện Vụ KH-ĐT thông tin.
Tính đến nay, Bộ GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được 50.328 tỷ đồng. Vụ KH-ĐT đã tham mưu Bộ trưởng Bộ GTVT giao chi tiết kế hoạch qua 2 đợt với tổng số 41.955 tỷ đồng (đạt 83,4%), gồm 4.877/4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài (đạt 100%) và 37.078/45.451 tỷ đồng vốn trong nước (đạt 81,6%).