'Lỗ hổng' khiến các nước châu Âu lại trở thành tâm dịch COVID-19
Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 22/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN
* WHO: Không nên chỉ dựa vào vắc xin mà lơ là trong phòng dịch
Ngày 24/11, Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) dự báo diễn biến dịch COVID-19 tại các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ xấu đi nếu những quốc gia này không nhanh chóng triển khai biện pháp ứng phó với số ca mắc mới gia tăng.
Trong một tuyên bố, ECDC cho biết dựa trên biểu đồ mô phỏng của cơ quan này, hệ thống y tế tại các nước EU và Khu vực kinh tế châu Âu (EEA - gồm 27 nước EU cùng với Na Uy, Liechtenstein và Iceland) sẽ đối mặt với sức ép rất lớn trong tháng 12/2021-1/2022 nếu không có biện pháp y tế và nâng cao tỉ lệ tiêm chủng trên toàn dân.
Ước tính, chưa tới 70% dân số tại EU và EEA đã tiêm đủ liều, trong khi tỉ lệ tiêm giữa các nước chưa đồng đều, tạo lỗ hổng về miễn dịch khiến virus SARS-CoV-2 lan mạnh. Ví dụ, tỉ lệ tiêm đủ liều tại Bulgaria là 24,2%, chênh lệch đáng kể so với mức 86,7% của Bồ Đào Nha.
Giám đốc ECDC Andrea Ammon nhấn mạnh các biện pháp mà các quốc gia châu Âu cần nhanh chóng triển khai ngay gồm thu hẹp khoảng cách về tiêm chủng, tiêm mũi tăng cường cho người trưởng thành và tái áp đặt các biện pháp kiểm soát. Bà Ammon còn nhấn mạnh đến việc ưu tiên tiêm mũi tăng cường cho người trên 40 tuổi.
ECDC đưa ra cảnh báo trên chỉ một ngày sau khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu cảnh báo các nước "Lục địa già" và khu vực Trung Á có thể ghi nhận thêm 700.000 ca tử vong do COVID-19 vào tháng Ba tới.
Theo thống kê của AFP, với hơn 2,5 triệu ca mắc mới và gần 30.000 ca tử vong trên thế giới trong tuần trước, châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh.
Số ca mắc mới và tử vong tập trung nhiều tại những nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất khu vực, ở Trung và Đông Âu.
Việc châu Âu trở lại thành điểm nóng của dịch bệnh đã buộc một số quốc gia tái áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch, thậm chí Đức, Áo và Ý đã ban hành các quy định hạn chế đối với những đối tượng chưa tiêm chủng.
* Các loại vắc xin phòng COVID-19 giúp giảm khoảng 40% nguy cơ lây nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định như trên ngày 24/11, đồng thời cảnh báo rằng mọi người không nên quá phụ thuộc vào việc tiêm phòng mà lơ là các biện pháp bảo vệ khác.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi những người đã tiêm phòng tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Ông lưu ý tuần trước, số ca mắc mới và tử vong ở châu Âu tiếp tục chiếm hơn 60% các ca trên toàn cầu. Biểu đồ số ca mắc đi lên theo hướng thẳng đứng tiếp tục gây áp lực lên các hệ thống y tế ở Lục địa già và đẩy các nhân viên y tế vào tình trạng kiệt sức.
WHO lo ngại về việc người dân lầm tưởng rằng đại dịch đã chấm dứt sau khi có vắc xin và những người đã tiêm phòng nghĩ rằng không cần đề phòng nữa. Tổng giám đốc WHO khẳng định vắc xin có thể giúp giảm tỉ lệ tử vong nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm.
Các dữ liệu chỉ ra trước khi biến thể Delta xuất hiện, trung bình các loại vắc xin giúp giảm khoảng 60% nguy cơ lây nhiễm và khi Delta xuất hiện thì tỉ lệ này giảm xuống còn 40%.
Biến thể Delta đang là biến thể chủ yếu gây bệnh trên toàn thế giới, lấn át các biến thể khác và biến thể gốc.
Theo kết quả phân tích chuỗi gene của 845.000 mẫu bệnh phẩm được thu thập trong 60 ngày gần nhất mà sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID thực hiện, có đến 99,8% là do biến thể Delta gây ra.
Ông Tedros cho biết việc tiêm phòng giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong nhưng vẫn còn nguy cơ nhiễm bệnh và lây bệnh cho người khác.
WHO một lần nữa kêu gọi mọi người kể cả khi đã tiêm phòng vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ nhiễm và lây bệnh cho người khác.