Lo ngại cho 2 cây cầu đang xây ở Quảng Nam
Có dấu hiệu cho thấy đơn vị thi công công trình cầu Sông Trường và cầu Nước Oa (tỉnh Quảng Nam) sử dụng đất đắp đường dẫn không rõ nguồn gốc
Ngày 10-8, ông Nguyễn Đình Thông - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam - cho biết UBND huyện đã có văn bản thống nhất thành lập đoàn kiểm tra việc sử dụng đất san lấp tại dự án cầu Sông Trường và cầu Nước Oa (huyện Bắc Trà My).
Thiếu nguồn, lấy đất trái phép (?)
Công trình cầu Sông Trường và cầu Nước Oa thuộc dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn 1), với tổng mức đầu tư hơn 72,7 tỉ đồng, từ nguồn vốn vay EDCF của Chính phủ Hàn Quốc. Hai cây cầu này do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, Ban Quản lý (BQL) dự án 2 - Bộ Giao thông Vận tải quản lý thực hiện.
Đơn vị thi công là liên danh Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - Công ty CP (Cienco 5) và Công ty TNHH MTV 17. Liên danh Công ty TNHH Kỹ thuật Sambo - Công ty TNHH Tư vấn Dasan - Công ty TNHH Kỹ thuật Jinwoo (Hàn Quốc) làm tư vấn giám sát. Thời gian thi công dự kiến 12 tháng kể từ ngày 1-6-2022.
Đến nay, phần thân chính của 2 cây cầu đã cơ bản hoàn thiện; phần mố cầu, đường dẫn còn dang dở.
Theo chủ đầu tư, nhu cầu sử dụng đất đắp tại cầu Sông Trường và cầu Nước Oa khoảng 32.000 m3 đất chặt, tương ứng 50.000 m3 đất rời. Giai đoạn thiết kế kỹ thuật dự kiến sử dụng nguồn đất đắp từ 2 mỏ ở xã Trà Tân và Trà Đốc nhưng 2 mỏ này không còn được sử dụng, không được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn đất đắp, ngày 28-4, BQL dự án 2 có công văn đề xuất 2 phương án sử dụng đất. Phương án 1, tận dụng vật liệu đất đào ra từ công trình kè chống sạt lở đồi Bảo An với khối lượng dự kiến khoảng 25.000 m3.
Phương án 2, tìm kiếm, tận dụng nguồn đất từ các hộ dân tại địa phương có nhu cầu cải tạo với trữ lượng khảo sát khoảng 20.000 m3.
Tuy nhiên, UBND huyện Bắc Trà My có văn bản khẳng định phương án 1 không thực hiện được do nhà thầu kè đồi Bảo An không đồng ý tạm dừng dự án để thực hiện các thủ tục đấu giá cấp phép khai thác đất san lấp trong khu vực, vì ảnh hưởng tiến độ hoàn thành công trình.
Đối với phương án 2, UBND huyện Bắc Trà My cho rằng theo quy định, việc cải tạo đất của người dân được thực hiện trong nội bộ diện tích hộ gia đình, đồng thời nghiêm cấm các hoạt động lợi dụng cải tạo đất để vận chuyển, khai thác, mua bán trái phép đất san lấp.
Bên cạnh đó, quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, thăm dò và cấp phép khai thác khoáng sản (gồm cả đất san lấp) đều phải thông qua công tác quy hoạch và đấu giá cấp phép. Do vậy, không thể cho phép tận dụng đất san lấp của các hộ dân để khai thác phục vụ công trình.
Thế nhưng, theo phản ánh của người dân, đơn vị thi công vẫn lấy đất từ vườn nhà dân để đắp đường dẫn cầu.
Sai ở đâu, xử lý ở đó
Ông Nguyễn Đình Thông cho biết ngày 15-5, Phòng TN-MT từng mời hộ ông L.T.T (xã Trà Tân, chủ đất); đơn vị thi công cải tạo, vận chuyển đất; BQL dự án 2 và đại diện đơn vị thi công cầu Sông Trường, Nước Oa lên làm việc, nhắc nhở.
Dù vậy, qua một số thông tin phản ánh và làm việc bước đầu, bà B.T.X (ngụ xã Trà Tân) và một số hộ dân xác nhận nguồn đất thừa sau cải tạo từ vườn của gia đình được đem đổ vào công trình cầu Sông Trường, Nước Oa. Phòng TN-MT đã đề nghị UBND huyện thành lập đoàn đi xác minh.
"Huyện đã có văn bản hướng dẫn, bây giờ phát hiện sai ở đâu thì xử lý ở đó, không thể nói không biết. Chúng tôi quyết tâm làm cho rõ, mời công an, cán bộ thuế có kinh nghiệm để có thể phát hiện hóa đơn, chứng từ giả nhằm hợp thức hóa" - ông Nguyễn Đình Thông khẳng định.
Theo ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, làm rõ bởi nếu nguồn gốc vật liệu không rõ ràng sẽ ảnh hưởng chất lượng công trình. "Đất phải được lấy tại mỏ, có kiểm định rõ ràng. Quan điểm của huyện là phải làm đúng quy trình, bảo đảm chất lượng công trình" - ông Vũ nói.
Trả lời báo chí, ông Hoàng Ngọc Lân, Phó Giám đốc điều hành dự án cầu Sông Trường và cầu Nước Oa (đại diện chủ đầu tư), thông tin đến nay BQL dự án 2 có văn bản chấp thuận cho một nguồn đất đắp duy nhất ở mỏ Cù Lao (huyện Phú Ninh), cách công trình khoảng 50 km. Nguồn đất từ nơi khác đưa đến đắp công trình đều không được phép.
Trong khi đó, chủ mỏ đất Cù Lao khẳng định với phóng viên Báo Người Lao Động rằng trong hồ sơ chứng từ không hề cung cấp đất đắp cho công trình cầu Nước Oa và cầu Sông Trường. Hơn nữa, mỗi năm mỏ Cù Lao chỉ được cấp hơn 9.300 m3 đất chặt, tương ứng hơn 12.000 m3 đất rời, trong khi 2 cây cầu trên cần đến hơn 32.000 m3 đất chặt.
Không ảnh hưởng chất lượng (?!)
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động qua điện thoại, đại diện đơn vị thi công (trực thuộc Cienco 5) cho biết công ty nhận phần thi công cầu Sông Trường, còn Công ty TNHH MTV 17 thi công cầu Nước Oa. Do nguồn vật liệu khó khăn nên có tận dụng đất thừa ở gần công trình để đắp lề nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng vì... đất đỏ ở đâu cũng như nhau. "Cầu Nước Oa mới dùng nhiều đất vì đường dẫn dài chứ cầu Sông Trường chủ yếu 2 bên mố thôi" - người này nói.