Lo ngại dùng quỹ đất sau khi di dời cơ quan ra khỏi nội đô để xây...cao ốc, chung cư
Đại biểu Quốc hội lo ngại về việc sau khi di dời các doanh nghiệp, cơ quan ra khỏi nội thành Hà Nội sẽ có tình trạng lại sử dụng những quỹ đất đó để xây dựng nhà chung cư, trung tâm thương mại, văn phòng. Từ đó gây nên áp lực về hạ tầng giao thông và không làm giảm tăng dân số tại khu vực nội thành.
Chiều nay (3/11), Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng, chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị Bộ trưởng đánh giá về tiến độ di dời các trụ sở Bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, Trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội trong thời gian qua và giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ di dời trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, việc triển khai di dời này còn chậm. Trong đó, nguyên nhân do các cơ quan chưa thực sự quyết liệt, chậm xây dựng đề án di dời, bao gồm danh mục, chi tiêu, lộ trình, biện pháp di dời.
Nguyên nhân thứ 2 do việc di dời trụ sở và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu vực quy hoạch trụ sở mới cần nhu cầu vốn rất lớn nhưng ngân sách còn hạn chế.
Nguyên nhân thứ 3 là chưa có phương án huy động nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng những trụ sở mới.
Về trách nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ xây dựng chịu trách nhiệm chung về giám sát, đôn đốc. Công tác này chưa thực sự hiệu quả trong thời gian qua.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, các bộ, ngành, trung ương và TP Hà Nội cần thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch ngành, quốc gia, quy hoạch có tính chất chuyên ngành, xác định danh mục cơ sở cần di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện. Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách thực hiện di dời theo đúng lộ trình Thủ tướng Chính phủ giao.
Các Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB-XH khẩn trương hoàn thiện các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thủ đô trình Thủ tướng phê duyệt, lập danh mục, xây dựng biện pháp, lộ trình di dời cũng như sử dụng quỹ đất sau di dời. Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và TP Hà Nội và các tỉnh trong vùng thủ đô xây dựng cơ chế, chính sách di dời, đảm bảo mục tiêu theo Quyết định 130.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng đề nghị TP Hà Nội khẩn trương triển khai rà soát, lập nhiệm vụ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung được Thủ tướng chấp nhận, lập quy hoạch phân khu đô thị, xác định quỹ đất phù hợp, hiệu quả về kiến trúc cảnh quan, đô thị. Giải pháp cuối cùng là quan tâm nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ di dời.
Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc sau khi di dời các doanh nghiệp, các cơ quan ra khỏi nội thành thì có tình trạng lại sử dụng những quỹ đất đó để xây dựng nhà chung cư, trung tâm thương mại, văn phòng. Từ đó gây nên áp lực về hạ tầng giao thông và không làm giảm tăng dân số tại khu vực nội thành.
“Bộ trưởng có nhắc đến Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định rất rõ là sau khi di dời, quỹ đất đó phải được ưu tiên để sử dụng cho các cơ sở hạ tầng và cây xanh. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp không thực hiện đúng theo Quyết định đó. Do đó, đại biểu đề nghị là Bộ trưởng cho biết là đã thực hiện đúng quy định tại Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ hay chưa"? đại biểu đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ nguyên tắc sử dụng quỹ đất của các trụ sở sau khi di dời. Trên cơ sở đó, khi thực hiện di dời thì phải thực hiện đúng theo các nguyên tắc đã xác định và phải thực hiện theo đúng các quy hoạch đô thị.
Quá trình xem xét cấp phép đầu tư dự án cũng phải đảm bảo đúng quy hoạch phát triển đô thị và trách nhiệm này là thuộc về các cơ quan có thẩm quyền, thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
Quy hoạch kiến trúc còn lộn xộn, tùy tiện
Đặt vấn đề chất vấn hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, một trong những chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng là xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam phù hợp với từng giai đoạn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, trong những năm qua, theo nhận xét chung của giới chuyên môn thì kiến trúc và quy hoạch Việt Nam phát triển còn tương đối lộn xộn, kể cả kiến trúc, quy hoạch nông thôn và đô thị chưa mang dấu ấn đặc trưng dân tộc, vùng miền và giai đoạn.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ quan điểm về vấn đề này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Tại phiên chất vấn, đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, thực trạng hiện nay, việc quy hoạch xây dựng nhà ở khu chung cư cao tầng có nhiều bất cập. Điển hình như nhiều bài báo viết về sai phạm trong quy hoạch xây dựng nhà tại hai bên đường Lê Văn Lương, phá vỡ quy hoạch vào tầm nhìn chiến lược và mất cảnh quan đô thị. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì khắc phục tồn tại trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đúng như ý kiến đại biểu, trong quá trình điều chỉnh quy hoạch vẫn còn trường hợp tùy tiện, không đúng yêu cầu, phá vỡ quy hoạch. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác rà soát đánh giá quy hoạch còn chưa kịp thời; nội dung quy hoạch đánh giá chưa đầy đủ chưa thấu đáo; việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong điều chỉnh quy hoạch còn chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức dẫn đến không tính đến sự phù hợp giữa các quy hoạch.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định, đảm bảo chặt chẽ trong vấn đề điều chỉnh quy hoạch; quy định rõ hơn trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Ông đề nghị các địa phương thực hiện đúng các quy định trong quy hoạch đô thị./.