Lộ số lượng Bulava trên tàu ngầm Knyaz Oleg vừa phóng
Chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin vừa tiết lộ số lượng tên lửa Bulava trên tàu ngầm Knyaz Oleg vừa phóng và số đầu đạn trang bị cho mỗi quả.
Tiết lộ được chuyên gia Viktor Litovkin đưa ra trong cuộc trò chuyện với hãng Sputnik: "Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Knyaz Oleg đã được đưa vào hoạt động. Để kiểm tra khả năng chiến đấu và hoạt động của tất cả các hệ thống, vụ phóng tên lửa Bulava đã được thực hiện.
Con tàu sẽ được trang bị tới 16 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava và trong mỗi quả được trang bị 4 đến 6 đầu đạn tùy theo yêu cầu của nhiệm vụ.
Với gói trang bị này, thành phần tác chiến của lực lượng tên lửa chiến lược Nga được tăng cường đáng kể sức mạnh. Đây là chiếc tàu ngầm mang tên lửa chiến lược thứ 5 của Hải quân Nga thuộc lớp Borei".
Hôm 21/10, Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo cho biết: "Tàu ngầm chiến lược mang tên lửa đạn đạo Knyaz Oleg đã phóng tên lửa Bulava trong khuôn khổ cuộc thử nghiệm cấp nhà nước. Quả đạn được phóng từ dưới lòng Biển Trắng và bay tới thao trường Kura ở Kamchatka. Đầu đạn đánh trúng khu vực mục tiêu vào đúng thời điểm dự đoán".
Knyaz Oleg là tàu ngầm lớp Borei thứ năm của Nga, cũng là chiếc thứ hai thuộc phiên bản nâng cấp Borei-A. Tàu được khởi đóng năm 2014 và hạ thủy giữa năm 2020, được coi là tàu ngầm hiện đại nhất của Nga hiện nay. Tàu ngầm dài 170 m, rộng 13,5 m, có lượng giãn nước 24.000 tấn, tốc độ tối đa khi lặn đạt tới 56 km/h và tầm hoạt động không giới hạn.
Tàu ngầm Borei-A được cải tiến đáng kể về hệ thống thông tin liên lạc, giảm độ ồn cũng như tăng diện tích khoang sinh hoạt cho thủy thủ đoàn. Bộ Quốc phòng Nga dự kiến sở hữu ít nhất 8 tàu ngầm lớp Borei, gồm ba chiếc nguyên bản và 5 tàu Borei-A.
Nguồn tin quân sự Nga tiết lộ, tên lửa Bulava tàu ngầm Knyaz Oleg vừa phóng thành công thuộc phiên bản nâng cấp với nhiều cải tiến so với nguyên bản.
Theo Yuri Solomonov, nhà thiết kế của Viện Kỹ thuật nhiệt Moscow, tên lửa Bulava được nâng cấp để tăng độ chính xác và khả năng che giấu trước màn hình radar đối phương.
"Trong giai đoạn ngay sau khi phóng, khoảng thời gian mà tên lửa dễ bị phát hiện nhất do động cơ đang làm việc với sức nóng cực lớn sẽ được rút ngắn. Điều này đồng nghĩa với việc động cơ đã có một số thay đổi.
Những hệ thống điện tử và dẫn đường của Bulava cũng được trang bị mới giúp tên lửa có thể tấn công chính xác hơn nhiều so với trước đó. Sau nâng cấp, Bulava có độ sai lệch khi tấn công mục tiêu (CEP) khoảng 100m", nhà thiết kế Nga nói.
Với khả năng tấn công chính xác như vậy, Bulava có CEP tương đương so với Trident IID5 trên tàu ngầm chiến lược của Mỹ. Đến lúc này, ưu thế của Mỹ trước Nga về độ chính xác từ đòn tấn công của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm không còn tồn tại.
Điều này khiến giới quân sự Mỹ và phương Tây thực sự đau đầu. Bởi trước đó, họ thường cho rằng Trident IID5 đã tạo ra được khoảng cách rất lớn với Bulava và còn lâu Nga mới có vũ khí tương tự.
Tàu ngầm Knyaz Oleg phóng tên lửa Bulava