Lo tròn việc dân ở Ghềnh Nà

Nhìn cách người dân trò chuyện với bà Ma Thị Biên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ghềnh Nà, xã Công Đa (Yên Sơn) tôi hiểu người dân nơi đây tín nhiệm và tin yêu nữ Bí thư Chi bộ như thế nào. Bà luôn tạo ấn tượng với người đối diện bởi sự linh hoạt, nhanh nhẹn của một cán bộ thôn thành thạo việc làng, việc bản. Bà rút ra kinh nghiệm rằng, điều quan trọng của một người cán bộ là phải tìm cái mới, cái hay rồi chọn lọc mang được cái tốt nhất, cái hiệu quả nhất về cho bản làng.

Bắt đầu từ niềm tin

Dáng người nhỏ thó, nhanh nhẹn, nhiệt tình, nhiệt huyết trong mọi công việc riêng chung, ngay từ thời còn trẻ bà Ma Thị Biên kinh qua nhiều chức vụ như: Chi hội trưởng chi hội phụ nữ, cộng tác viên dân số, phó trưởng thôn Khuổi Nà, trưởng thôn Khuổi Nà. Năm 2019, thôn Khuổi Nà, Sâm Sắc, Khuôn Ghềnh sáp nhập thành thôn Ghềnh Nà. Bà được tín nhiệm giữ chức vụ Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Ghềnh Nà. Bà chia sẻ, dù làm việc gì người cán bộ cũng cần gần gũi, sẻ chia, “lo cùng nỗi lo của nhân dân, vui cùng niềm vui của nhân dân”.

 Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ma Thị Biên.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ma Thị Biên.

Bà bảo, việc đầu tiên vẫn là làm thế nào để bà con thay đổi nếp nghĩ để phát triển kinh tế bền vững, lâu dài, cụ thể là phát triển kinh tế rừng. Trước đây bà con người Nùng, người Dao, người Tày nơi đây chỉ nghĩ trồng rừng là việc của cán bộ lâm trường, chưa có tư tưởng phát triển kinh tế lâm nghiệp. Cuộc sống khó khăn, nhiều người chặt phá cây rừng, trồng những giống cây ngắn ngày như ngô, sắn... Với suy nghĩ, trồng rừng thì biết đến đời nào? Trồng keo, trồng mỡ thì vài ba năm tới con cái lấy gì mà ăn?

Bà thường xuyên gặp gỡ đối tượng khai thác gỗ, đến từng hộ dân lắng nghe cái khó của bà con, từ đó thấu hiểu từng hoàn cảnh để tìm cách tuyên truyền, vận động hợp lý nhất.

Miệng nói tay làm, quyết phải bắt “đất đẻ ra vàng”, bà cùng các đồng chí trong cấp ủy và cán bộ thôn đã bàn bạc kỹ lưỡng, đồng thời đến trực tiếp các hộ dân có nhiều đất rừng, có sức lao động và vốn đầu tư để vận động người dân phá bỏ cây tạp, trồng rừng sản xuất. Vận động một lần chưa được thì bà đi nhiều lần trả lời cặn kẽ từng thắc mắc, giải thích, chia sẻ những lợi ích lâu dài của phát triển kinh tế rừng. Bà ví làm kinh tế thì phải đi đường dài, mà trồng rừng chính là có bước đi vững chãi trên con đường dài, lớn đầy rộng mở.

Bà luôn tâm niệm cán bộ thì trước hết phải đi đầu, gương mẫu, mình có làm tốt thì dân bản mới tin và nghe theo được. Để nêu gương cho bà con, bà nhận 8 ha đất đồi về trồng theo cách lấy ngắn nuôi dài, trồng xen canh cây ngô, sắn trong quá trình đợi cây keo, cây mỡ khép tán. Bà vay vốn mở rộng chăn nuôi thêm lợn, gà. Lợi nhuận bà thu được từ mô hình kinh tế tổng hợp đạt kha khá. Thấy được lợi ích kinh tế lâu dài, bà con trong thôn chủ động trồng rừng.

Toàn thôn hiện có 91 hộ, trồng được gần 645 ha rừng. Bà Biên tự tin nói rằng ở đây nhà nào cũng có rừng, nhiều hộ khấm khá lên từ rừng như gia đình Lương Quốc Duyệt 20 ha, Nguyễn Văn Cường 18 ha... Màu xanh của rừng dần trải khắp bản làng như những bức tường thành ngăn mưa nguồn suối lũ, bảo vệ, chở che các hộ dân.

Khi tư tưởng, nếp nghĩ về làm kinh tế dần thay đổi thì việc vận động bà con làm vụ 3 thì cũng không còn khó khăn. Bà thật thà chia sẻ, trước kia, bà con trong thôn chỉ làm hai vụ lúa, một vụ để đất trống. Nhưng nay Ghềnh Nà thành thôn đi đầu làm vụ ba về trồng ngô. Đến mùa vụ nhà nào cũng hăng hái vào việc, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Bằng sự gương mẫu, trách nhiệm trong lời nói, việc làm, bà ngày càng gây dựng được uy tín với nhân dân.

Ai cũng có thể nêu gương

Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Ma Thị Biên phấn khởi nói: “Người dân đóng góp và được thôn bản, làng xã ghi nhận là ai nấy đều phấn khởi lắm. Với tôi mỗi lần biểu dương thành tích, việc làm của người dân là mình còn vui hơn cả họ. Họ đã trở thành tấm gương tốt cho bản thân mình và nhiều người noi theo, bởi ai cũng có thể tự nêu gương”.

Đồng chí Nguyễn Văn Trường, Bí thư Đảng ủy xã Công Đa cho biết, điều đáng trân trọng ở bà Ma Thị Biên là tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm. Với vai trò của mình, ngay tại các cuộc họp tại xã, bà luôn tiên phong trong việc nhận những việc khó. Điển hình như vận động nhân dân làm đường giao thông nông thôn, làm nhà văn hóa thôn bản.

Đồng chí Ma Thị Biên, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Ghềnh Nà, xã Công Đa (Yên Sơn) triển khai cuộc họp chi bộ thôn.

Đồng chí Ma Thị Biên, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Ghềnh Nà, xã Công Đa (Yên Sơn) triển khai cuộc họp chi bộ thôn.

Thôn Ghềnh Nà là thôn khá đặc thù với dân cư đông nhưng tỉ lệ dân cư sống rải rác. Do đó việc huy động bà con làm đường bê tông nông thôn là không dễ. Thế nhưng đến nay toàn bộ thôn đã có hơn 4 km đường được bê tông. Để làm được điều đó, bà đã luôn biểu dương, khen ngợi kịp thời cụ thể trong từng công việc và sự đóng góp của người dân.

Điển hình như anh Triệu Văn Đồng là đảng viên, anh tự nguyện hiến 700 m2 đất làm đường. Ban đầu vợ con anh khá đắn đo thế nhưng sau khi được vận động gia đình đã không ngần ngại hiến đất và đến khi liên tục được cán bộ thôn biểu dương tại nhiều cuộc họp, gia đình anh phấn khởi lắm. Anh Đồng bảo: “Vợ mình đi họp Chi hội Phụ nữ thôn cũng được cán bộ khen gia đình gương mẫu, bố mình đi họp Chi hội Cựu chiến binh cũng được biểu dương rồi mình đi họp thôn cũng được nhắc đến. Mình thấy việc mình làm là đúng đắn và mình thấy vui lắm”.

Noi gương đảng viên Đồng, nhiều người dân tự nguyện hiến đất như bà Lương Thị Hiến hiến 150 m2 đất, ông Lương Hữu Nghị hiến 250 m2…

Rồi cả câu chuyện anh Nguyễn Văn Yên hiến hơn 40 m2, Trần Tuấn Sử hiến 60 m2 đất sản xuất để làm đường nội đồng. Ban đầu nhiều hộ dân cũng hơi hụt hẫng. Bà Biên lý giải, từng hạt thóc là từng giọt mồ hôi rơi, người nông dân mình tiếc công, tiếc của cũng có lý mà. Thế nhưng khi được tuyên truyền cụ thể thì đã hiểu ra được lợi ích của con đường thì các hộ dân tình nguyện hiến đất ngay. Anh Yên, anh Sử và gia đình cũng vui vì được biểu dương khắp các cuộc họp vì có thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Phong trào hiến đất làm đường lan tỏa thì việc huy động người dân đóng góp ngày công làm đường, làm nhà văn hóa thì nhanh chóng trong một sớm một chiều.

“Biết gieo không tốn giống, biết sống không tốn lời”, chính vì thế trong các hoạt động nữ bí thư chi bộ luôn được bà con nơi đây tin tưởng nghe theo. Toàn thôn từ gần 60 hộ nghèo năm 2021 đến nay tỷ lệ hộ nghèo chiếm dưới 20%. Hiện nay, hệ thống đường giao thông trong thôn cơ bản được bê tông hóa, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi. Nhiều hộ trong thôn mua sắm được ti vi, loa, đài, xe máy... từ phát triển kinh tế rừng. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Bí thư Chi bộ người Tày Ma Thị Biên.

Giang Lam

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/lo-tron-viec-dan-o-ghenh-na-193680.html