Loại bỏ mê tín dị đoan từ việc đốt vàng mã
Đốt vàng mã từ lâu vốn được xem như tập tục truyền thống trong thờ cúng tổ tiên của người Việt. Đốt vàng mã thường được diễn ra trong nhiều hoạt động của đời sống như: động thổ xây nhà, cúng sao, giải hạn, đám ma hay các tiết thanh minh, tảo mộ, Rằm tháng 7 âm lịch… Tuy nhiên, việc làm này đang bị biến tướng, sai lệch khi nhiều người đốt vàng mã tùy tiện ở những nơi không phù hợp... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Đốt vàng mã từ lâu vốn được xem như tập tục truyền thống trong thờ cúng tổ tiên của người Việt. Đốt vàng mã thường được diễn ra trong nhiều hoạt động của đời sống như: động thổ xây nhà, cúng sao, giải hạn, đám ma hay các tiết thanh minh, tảo mộ, Rằm tháng 7 âm lịch… Tuy nhiên, việc làm này đang bị biến tướng, sai lệch khi nhiều người đốt vàng mã tùy tiện ở những nơi không phù hợp gây ra những hệ lụy không đáng có, mất an toàn cháy nổ, lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường...
Theo quan niệm truyền thống, Rằm tháng 7 âm lịch là ngày lễ Vu Lan, là ngày để con cái thể hiện sự biết ơn, hiếu kính với cha mẹ, ông bà tổ tiên. Ngày này cũng được coi là ngày “xá tội vong nhân”. Thời điểm này, mọi người đốt vàng mã để gửi cho những người đã khuất. Trước kia, vàng mã là do các gia đình tự cắt một cách tượng trưng, không tốn kém và thể hiện lòng thành, tâm nguyện của người sống. Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, điều kiện kinh tế được nâng lên, người dân thường mua rất nhiều đồ mã để cúng lễ rồi hóa để “gửi” sang “thế giới bên kia” cho thần linh, cho người thân quá cố. Dạo qua các tuyến phố như Minh Khai, Hoàng Văn Thụ hay khu vực chợ Rồng ở thành phố Nam Định và nhiều chợ dân sinh khác trên địa bàn tỉnh, thời gian này, đồ vàng mã được bày bán với đa dạng mẫu mã, màu sắc. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ nên vàng mã ngày càng được in đẹp và cầu kỳ hơn, đáp ứng được thị hiếu của nhiều người tiêu dùng. Người bán, người mua vàng mã tấp nập khiến thị trường này thực sự sôi động. Chị Bùi Thị An, chủ một cơ sở sản xuất vàng mã ở đường Văn Cao (thành phố Nam Định) chia sẻ: “Nếu ngày xưa, vàng mã chỉ đơn thuần là những bộ quần áo, ngựa, tiền vàng... thì bây giờ có thêm cả nhà cửa, các sản phẩm công nghệ như bếp ga, bếp từ, tủ lạnh cho đến ô tô, nhà cao tầng... nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu “trần sao âm vậy” của các gia đình. Thời điểm này đang “vào vụ” nên gia đình tôi phải làm hàng suốt ngày đêm”. Qua khảo sát, ngoài những mặt hàng truyền thống, những mặt hàng mới như thỏi vàng, hũ vàng, có gia đình đặt mua cả “ô tô mui trần” mô phỏng theo các thương hiệu lớn. Mỗi chiếc xe “thương hiệu” 4 chỗ có giá từ 150-300 nghìn đồng, xe 7 chỗ có giá từ 200-300 nghìn đồng, có những xe có kích thước lớn hơn có giá từ 500 nghìn đồng đến vài triệu đồng/chiếc.
Có thể thấy nhu cầu mua sắm vàng mã của người dân dịp tháng 7 âm lịch là rất cao. Nhiều người mua vàng mã với suy nghĩ, cứ cúng nhiều đồ mã là sẽ được lộc to nên họ càng mua nhiều, cúng và đốt nhiều. Có những gia đình khá giả, sẵn sàng chi hàng triệu đồng để mua vàng mã, từ những loại vật dụng đời thường cho đến các phương tiện giao thông hiện đại… Đa số người dân đều cho rằng “trần sao âm vậy”, nghĩa là người sống sinh hoạt như thế nào thì người dưới âm phủ cũng sinh hoạt như thế. Tùy theo tài chính của mỗi gia đình cũng như nhu cầu tín ngưỡng của mỗi nhà, số tiền chi tiêu sẽ khác nhau. Đốt vàng mã là một nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam. Thế nhưng, nét đẹp văn hóa đi quá “giới hạn”, tín ngưỡng trở thành mê tín và gây lãng phí rất lớn. Hầu hết mọi người đốt vàng mã đều không quan tâm tới những tác hại của việc đốt vàng mã. Những hóa chất, phẩm màu được sử dụng trong các công đoạn làm đồ mã, tro hóa vàng… cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến môi trường thêm ô nhiễm trầm trọng. Nguy hiểm hơn là việc đốt vàng mã tại các gia đình, nhất là ở khu vực thành phố, thị trấn đất chật, người đông, nhà cao tầng, ngõ hẹp dễ gây ra hỏa hoạn, cháy nổ, chập điện, khói bụi, ảnh hưởng đến cộng đồng và ô nhiễm môi trường.
Không thể phủ nhận “sức hút” của vàng mã trong đời sống tâm linh của người Việt. Đây là một tập tục “ăn sâu” vào tiềm thức của người dân nhưng đốt vàng mã như thế nào và đốt bao nhiêu là đủ thì cần có sự tuyên truyền rộng rãi hơn. Việc cấm hoàn toàn việc đốt vàng mã không phải là chuyện “một sớm một chiều” có thể thực hiện được. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng đã phối hợp với các cơ sở tôn giáo thường xuyên tuyên truyền, giáo dục người dân bài trừ mê tín, dị đoan, tránh lạm dụng đốt vàng mã quá nhiều, đốt bừa bãi ở những khu vực không hợp lý dễ gây ra cháy, nổ. Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các hoạt động từ thiện thiết thực, thỏa mãn nhu cầu tâm linh tín ngưỡng, có lối sống lành mạnh, đúng đắn trong nhận thức. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng xem xét các giải pháp quản lý chặt các hoạt động kinh doanh, mua bán vàng mã như: nghiêm cấm việc sản xuất, buôn các loại vàng mã có kích thước lớn, phản cảm; thắt chặt các điều kiện kinh doanh; đánh thuế vào các mặt hàng, phụ gia dùng để sản xuất vàng mã; kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính nếu xảy ra vi phạm… Thông qua việc tuyên truyền vận động, người dân sẽ dần thay đổi thói quen đốt vàng mã, góp phần loại bỏ, bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan. Chị Phạm Thị Thủy, chủ một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thành phố Nam Định cho biết: “Tôi bán hàng tạp hóa nhưng không vì thế mà khuyến khích đốt vàng mã một cách lãng phí, bừa bãi. Bởi tôi thấy đốt vàng mã không đúng cách chỉ gây ra ô nhiễm môi trường, tổn hao tiền bạc, thậm chí dẫn đến hỏa hoạn và nhiều vấn đề tiêu cực khác. Bản thân tôi cũng chỉ thắp hương, trái cây trong ngày rằm, mồng một. Còn ngày Rằm tháng 7 tôi chỉ mua một chút ít tiền vàng để cho đúng tập tục của ông cha ta chứ không lạm dụng và làm thái quá”.
Để giữ gìn và phát huy nét đẹp của các phong tục truyền thống, văn hóa dân tộc, đồng thời hạn chế những tiêu cực nảy sinh, bên cạnh sự quan tâm, vào cuộc của các cơ quan chức năng, các chức sắc tôn giáo, mỗi người dân nên tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa cách hành lễ truyền thống và có những hành động thiết thực, tích cực cho gia đình và cho xã hội. Một mâm cỗ đơn giản, ấm cúng để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau và hướng về tổ tiên, chút vàng mã với ý nghĩa người còn sống quan tâm, chăm lo cho những người đã khuất... mới thực sự là nét văn hóa thuần Việt, là nét đẹp cần được giữ gìn trong đời sống văn hóa mới mà cả xã hội đang chung sức xây dựng./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa